Theo số liệu cập nhật của worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 2/9 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới ghi nhận hơn 25,8 triệu bệnh nhân COVID-19, trong đó 860.000 người đã tử vong.
Tại châu Âu, tổng số bệnh nhân hiện là 3,6 triệu người, tăng hơn 29.000 người trong 24 giờ qua, trong đó 208.000 người đã tử vong.
Nga tiếp tục là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất với hơn 1 triệu bệnh nhân (tăng hơn 4.700 ca), tiếp đến là Tây Ban Nha với 470.900 ca (tăng 8.115 bệnh nhân - mức tăng cao nhất tại châu Âu trong 24 giờ qua).
Tại châu Á, trong 24 giờ qua, số bệnh nhân COVID-19 toàn châu lục tăng thêm 102.000 ca lên 7,1 triệu bệnh nhân.
Ấn Độ tăng thêm 78.169 người lên hơn 3,7 triệu bệnh nhân, trong đó hơn 66.000 người đã tử vong.
Các nước Philippines, Indonesia và Iraq cũng ghi nhận mức tăng số ca nhiễm mới trong một ngày qua trên là 3.000 ca.
Tại Bắc Mỹ, tổng số bệnh nhân COVID-19 hiện là 7,4 triệu người, trong đó Mỹ đứng đầu với 6,2 triệu người (tăng 40.000 ca trong 24 giờ qua).
Tiếp theo là các nước Mexico và Canada với lần lượt 599.000 bệnh nhân (tăng thêm 3.700 ca) và 129.000 ca (tăng thêm 477 ca).
Tại Nam Mỹ, tổng số bệnh nhân là 6,3 triệu người (tăng 69.000 người) và 204.000 người đã tử vong, trong đó Brazil có tới 3,9 triệu bệnh nhân (tăng 41.000 người).
Argentina ghi nhận mức tăng số ca nhiễm mới 10.500 ca lên 428.000 bệnh nhân. Sau Brazil, Peru và Colombia hiện là hai nước có số bệnh nhân cao thứ hai và ba tại khu vực Nam Mỹ, lần lượt là 657.00 và 624.000 bệnh nhân.
Tại châu Phi, tổng số bệnh nhân là 1,2 triệu người, tăng 6.900 bệnh nhân trong 24 giờ qua. Nam Phi là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại châu lục với 628.000 bệnh nhân (tăng 1.200 người), trong đó có 14.263 người đã tử vong.
Mặc dù dịch bệnh vẫn đang lây lan ở một số nước trong khu vực nhưng nhìn chung đã có dấu hiệu suy giảm. 3 nước có số ca nhiễm mới cao nhất trong 24 giờ qua – trên 1.000 ca mỗi nước - là Nam Phi, Maroc và Ethiopia.
Mặc dù số bệnh nhân nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng, nhưng Chính phủ Philippines đã quyết định mở cửa trở lại một phần thủ đô Manila.
Ngày 1/9, các phòng tập thể dục, tiệm cắt tóc và quán cà phê Internet ở thủ đô Manila đã được phép mở cửa trở lại một phần khi Chính phủ Philippines tiếp tục nới lỏng các quy định kiểm soát dịch bệnh.
Tuy vậy, Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn đặt thành phố miền Nam Iligan dưới lệnh phong tỏa vừa phải sau khi xuất hiện tình trạng gia tăng số ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo quy định mới, thời gian giới nghiêm vào ban đêm cũng được rút ngắn ở phần lớn các thành phố xung quanh thủ đô Manila và các tỉnh ở xa trung tâm.
Trong khi đó, thành phố New York của Mỹ đã quyết định lùi ngày tựu trường tới 21/9.
Theo thông báo của chính quyền thành phố phát ra ngày 1/9, học sinh sẽ bắt đầu học trực tuyến vào ngày 16/9 tới và sau đó sẽ được học kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp vào ngày 21/9, muộn hơn 11 ngày so với dự kiến ban đầu là ngày 10/9.
[WHO: Châu Âu có thể sống chung với đại dịch COVID-19]
Giới chức thành phố New York buộc phải lùi ngày tựu trường sau nhiều cuộc “khẩu chiến” căng thẳng với hiệp hội các công đoàn giáo viên tại đây và phía giáo viên đe dọa sẽ biểu tình nếu như không có các biện pháp đảm bảo an toàn cho họ trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn ra và chưa có vắcxin.
Cũng theo kế hoạch vừa được giới chức thành phố điều chỉnh, khoảng 10-20% học sinh và giáo viên ở các trường sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên để xét nghiệm hàng tháng.
Nếu cha mẹ nào của học sinh không đồng ý con mình làm xét nghiệm thì học sinh đó sẽ phải học trực tuyến hoàn toàn tại nhà.
Nếu giáo viên nào phản đối xét nghiệm sẽ lập tức được cho nghỉ làm không lương, công đoàn giáo viên vừa tuyên bố.
Thị trưởng de Blasio cũng cho biết tính đến nay, khoảng 37%, tương đương 366.553 học sinh trong tổng số 1,1 triệu học sinh của thành phố New York đã lựa chọn học trực tuyến hoàn toàn trong học kỳ mùa Thu tới bởi lo ngại nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tương tự, Hy Lạp thông báo các trường học nước này sẽ mở lại vào ngày 14/9 tới, lùi một tuần so với kế hoạch ban đầu.
Bộ Giáo dục Hy Lạp cho biết quyết định trên nhằm cho phép người dân có thể kịp quay về sau kỳ nghỉ, cũng như hạn chế việc đi lại của những người chưa có triệu chứng mắc bệnh.
Để phòng tránh lây nhiễm, việc đeo khẩu trang trong lớp, trên xe buýt trường, các khu vực đông đúc ngoài trời là bắt buộc.
Ước tính gần 5 triệu khẩu trang sẽ được cấp miễn phí cho học sinh và các nhân viên trong trường. Các lớp học và thiết bị sẽ thường xuyên được khử trùng.
Ngoài ra, các trường cũng sẽ tiến hành việc xét nghiệm ngẫu nhiên. Nhằm đảm bảo an toàn, mỗi học sinh tiểu học sẽ được cấp 1 chai nước miễn phí.
Các chuyến dã ngoại của trường sẽ bị hoãn lại, trong khi giờ giải lao sẽ được bố trí luân phiên vào các khung giờ khác nhau để tránh đông người./.