Tình trạng thiếu vaccine phòng tả sẽ kéo dài đến năm 2025

Số ca mắc tả và tử vong tăng vọt trong năm ngoái, khi bệnh tả lan đến những vùng xung đột và những khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao. Tuy nhiên, hiện nay không có đủ vaccine để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp.
Bệnh nhân mắc tả được điều trị tại trung tâm y tế ở Tele, Mozambique. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 22/5, Liên minh Vaccine Gavi cho biết tình trạng thiếu vaccine phòng tả nhiều khả năng sẽ kéo dài đến năm 2025 khi các đợt bùng phát tăng nhanh trên thế giới.

Cảnh báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá viễn cảnh kiểm soát bệnh tả trong ngắn hạn là khó khăn.

Số ca mắc tả và tử vong do căn bệnh này đã tăng vọt trong năm ngoái, khi bệnh tả lan đến những khu vực mới, đặc biệt là những vùng xung đột và những khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao.

[WHO đánh giá nguy cơ bùng phát dịch tả trên toàn cầu rất cao]

Để ứng phó với tình hình, WHO và các đối tác đã quyết định chỉ áp dụng tiêm phòng một liều vaccine, thay vì hai liều như thông thường. Tuy nhiên, các tổ chức này vẫn hết vaccine vào tháng 12/2022.

Trong báo cáo, Liên minh Gavi, một tổ chức quốc tế tập trung vào tiêm phòng cho trẻ em, cũng nhấn mạnh hiện không có đủ vaccine để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp.

Bệnh tả lây lan qua đường tiêu hóa, khi người bệnh ăn, uống phải thực phẩm hoặc nước nhiễm khuẩn. Bệnh này thường gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Các trường hợp nặng dẫn đến tiêu chảy cấp tính và có thể khiến bệnh nhân tử vong trong vài giờ nếu không được chữa trị. Việc tiếp cận nước sạch và hệ thống vệ sinh, công tác tiêm phòng và chữa trị nhanh chóng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi căn bệnh.

Các tổ chức y tế toàn cầu cảnh báo việc cân bằng giữa chiến dịch tiêm phòng và ứng phó với các đợt bùng phát khẩn cấp đang là một thách thức trong bối cảnh số ca nhiễm tăng lên.

Theo Liên minh Gavi, có 48 triệu liều vaccine đã được sử dụng trong 2 năm qua, hơn 10 triệu liều so với toàn bộ thập kỷ trước.

Dự báo đến năm 2026, nguồn cung sẽ tăng lên khi các hãng tăng cường sản xuất và công ty mới gia nhập thị trường.

Tổ chức này kêu gọi cải thiện công tác lên kế hoạch để đảm bảo vaccine được sử dụng tại những nơi cần nhất, bao gồm cả các chiến dịch ngăn ngừa.

Tuần trước, WHO cho biết trong năm nay, có 24 quốc gia đã ghi nhận dịch tả bùng phát, cao hơn so với con số 15 quốc gia trong năm ngoái. Tỷ lệ tử vong cũng cao hơn dự kiến.

Giám đốc về ứng phó dịch tả toàn cầu của WHO, Henry Gray nhận định tổ chức này sẽ không thể cung cấp đủ vaccine, khi chỉ có 8 triệu liều vaccine được đáp ứng trong tổng số 18 triệu liều được yêu cầu trong năm 2023.

Trước đó, ngày 22/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tổ chức này đánh giá nguy cơ bùng phát dịch tả ở cấp độ toàn cầu là rất cao.

Theo WHO, thế giới đang đối mặt với sự bùng phát nghiêm trọng của đợt dịch tả thứ 7 kể từ giữa năm 2021, thể hiện qua số ca mắc, quy mô dịch bệnh và nhiều đợt bùng phát xảy ra cùng lúc, sự lây lan sang các khu vực vốn không có bệnh tả trong nhiều thập kỷ và tỷ lệ tử vong cao đáng lo ngại.

Nhiều đợt dịch tả bùng phát cùng lúc tại các nước đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp với hệ thống y tế yếu và trầm trọng thêm do biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức đối với phản ứng phòng chống dịch và nguy cơ dịch tiếp tục lây lan sang các nước khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục