Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể tập trận tại Tajikistan vào tháng 10

Khối an ninh CSTO do Nga dẫn đầu sẽ tổ chức tập trận quân sự vào tháng 10 ở Tajikistan, trong bối cảnh tình hình ở khu vực giáp giới giữa quốc gia Trung Á với Afghanistan có thể xấu đi.
Lực lượng bảo vệ biên giới Tajikistan tuần tra tại khu vực thị trấn Pyandj, biên giới với Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/9, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) thông báo khối an ninh do Nga dẫn đầu này có kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở Tajikistan vào tháng tới.

Tổng Thư ký CSTO Stanislav Zas cho biết khối sẽ tổ chức một số cuộc tập trận quy mô ở Tajikistan, quốc gia duy nhất trong khối 6 thành viên có chung biên giới với Afghanistan.

Chuỗi tập trận bao gồm cuộc tập trận lớn nhất của CSTO trong năm nay. Cũng theo người đứng đầu CSTO, khối này đã thực hiện “các biện pháp chung” để đảm bảo an ninh cho Tajikistan trong trường hợp tình hình ở khu vực giáp giới với Afghanistan xấu đi.

CSTO có 6 thành viên gồm Nga, Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Armenia và Belarus. Nga đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự ở Trung Á trong những tháng gần đây kể từ khi lực lượng Taliban bắt đầu đẩy mạnh các cuộc tấn công và giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào tháng trước.

Tại châu Âu, dự kiến trong ngày 16/9, Nghị viện châu Âu (EP) sẽ thông qua nghị quyết kêu gọi 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tăng cường hợp tác và đầu tư vào quốc phòng sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, gây ra tình cảnh hỗn loạn tại quốc gia Tây Nam Á.

Theo hãng tin Reuters, dự thảo nghị quyết kêu gọi EU tập trung nguồn lực nhằm nâng cao khả năng nhận định, đánh giá tình hình cũng như tình báo, giám sát, do thám và không vận chiến lược.

Việc nhiều nước châu Âu phụ thuộc vào Mỹ trong công tác sơ tán công dân khỏi Afghanistan đã khơi mào các cuộc thảo luận tại EU về việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh.

[Đại diện LHQ gặp quan chức cấp cao chính phủ lâm thời Afghanistan]

Năm 2007, EU từng thành lập hệ thống về "các nhóm tác chiến" nhưng không nhóm nào thuộc lực lượng có 1.500 binh sỹ này được triển khai do những tranh cãi về chính trị và ngân sách trong khối.

Liên quan đến vấn đề người di cư từ Afghanistan, số liệu thống kê công bố ngày 16/9 cho thấy số người Afghanistan nộp đơn xin tị nạn ở EU đã tăng 20% trong tháng 7/2021, tức là trước cả khi Taliban giành được kiểm soát ở Kabul và nắm quyền điều hành toàn bộ đất nước.

Theo Văn phòng hỗ trợ người tị nạn ở châu Âu (EASO), tổng cộng 50.000 người Afghanistan đã nộp đơn xin bảo vệ quốc tế ở 27 quốc gia thành viên EU cùng với Na Uy và Thụy Sĩ, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19.

Trong khi đó tại Afghanistan, Taliban vừa có động thái được cho là áp đặt thêm hạn chế đối với phụ nữ.

Theo một nhân viên làm việc trong Bộ Các vấn đề phụ nữ của Afghanistan cho biết, ngày 16/9, các đại diện của Taliban đã cấm các nhân viên nữ đi vào trụ sở của bộ này ở thủ đô Kabul và chỉ cho phép các nhân viên nam vào tòa nhà.

Nhân viên trên cho biết: “Có 4 phụ nữ đã bị cấm đi vào trụ sở (Bộ Các vấn đề phụ nữ).” Những người này có ý định sẽ biểu tình phản đối động thái của Taliban ở gần trụ sở Bộ Các vấn đề phụ nữ của Afghanistan.

Hôm 12/9, Taliban thông báo phụ nữ được phép đi học đại học nhưng phải học tách biệt với nam giới.

Hồi đầu tháng, Taliban cũng tuyên bố phụ nữ sẽ tiếp tục được học tập tại các trường đại học nếu mặc trang phục abaya truyền thống và trùm khăn niqab che hầu hết khuôn mặt, các lớp học được chia theo giới tính hoặc ít nhất phải có rèm che giữa nhóm học viên nam và học viên nữ.

Kể từ khi trở lại nắm quyền ở Afghanistan từ tháng trước, lực lượng Taliban khẳng định sẽ không áp dụng các chính sách hà khắc trước đây vốn khiến 50% dân số Afghanistan không thể đi làm hay học tập.

Theo các quy định mới, phụ nữ Afghanistan có thể đi làm với điều kiện tuân thủ các nguyên tắc Hồi giáo. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều thông tin chi tiết về những quy định này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục