Tổ chức hội nghị thúc đẩy hợp tác Việt Nam với Trung Đông-châu Phi

Bộ Ngoại giao lần đầu tiên sẽ tổ chức Hội nghị "Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019" trong hai ngày 9-10/9, tại Hà Nội.
Toàn cảnh thành phố Kuwait City của Kuwait. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của các quốc gia Trung Đông-châu Phi, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các quốc gia trong khu vực này.

Nhằm tăng cường kết nối và phát huy hơn nữa vai trò của các Cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia Trung Đông-châu Phi tại Việt Nam, tạo diễn đàn đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa các cơ quan đại diện ngoại giao các nước trong khu vực này với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam về các biện pháp cụ thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, Bộ Ngoại giao lần đầu tiên tổ chức Hội nghị "Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019" trong hai ngày 9-10/9, tại Hà Nội.

Nhân dịp này, đại diện một số quốc gia Trung Đông-châu Phi, đại diện cơ quan chức năng Việt Nam đã chia sẻ nhiều ý kiến liên quan đến hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực này.

Quan hệ tốt đẹp

Theo Đại sứ Mozambique tại Việt Nam Leonardo Rosario Manuel Pene, quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mozambique được thiết lập ngày 25/6/1975, đúng ngày Mozambique tuyên bố độc lập. Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, đã từng ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế ở mỗi nước.

Đặc biệt, năm 1978, hai nước đã ký kết hiệp định hợp tác kinh tế và kỹ thuật giúp quá trình hợp tác ngày càng phát triển. Sau khi Mozambique mở đại sứ quán tại Việt Nam năm 2007, hợp tác giữa hai nước ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

[Cơ hội phát triển thương mại tại khu vực Trung Đông-châu Phi]

Mozambique có khoảng 36 triệu ha đất canh tác. Trong hợp tác nông nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ nhiều dự án cải thiện những giống lúa của Mozambique. Việt Nam đã xây dựng trung tâm khoa học kỹ thuật nông nghiệp giúp lai tạo con giống và tư vấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.

Nhờ sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật của các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, sản lượng đánh bắt thủy sản của Mozambique đã tăng hơn trước. Bên cạnh đó, hai nước còn hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Giảng viên Việt Nam đã sang đào tạo cho sinh viên Mozambique và sinh viên Mozambique sang học tại Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, hàng hải, y tế... Hiện ngày càng nhiều sinh viên Mozambique sang Việt Nam học tập, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Mozambique.

Đại sứ quán Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam ở Mozambique tham dự Hội chợ Thương mại quốc tế lần thứ 55 (FACIM) 2019. (Ảnh: Đình Lượng/TTXVN)

Cho biết đất nước Mozambique có bờ biển dài, có nguồn khoáng sản và dầu khí phong phú, Đại sứ Leonardo Rosario Manuel Pene nhấn mạnh, đây là cơ hội Việt Nam cần nắm bắt để khai thác và hợp tác kinh doanh. Quốc hội Mozambique đã ban hành Luật Thúc đẩy đầu tư nước ngoài, Luật Bảo hộ trí tuệ, Luật Bảo vệ tài sản đầu tư, Luật Thúc đẩy đầu tư với những vùng khó khăn của Mozambique. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư vào thị trường Mozambique.

Đề cập đến quan hệ kinh tế giữa Kuwait và Việt Nam, Đại sứ Kuwait tại Việt Nam Adnan Abdullah Al Ahmad cho biết điểm sáng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước là dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, đã bước vào giai đoạn vận hành từ cuối năm 2018. Hiện Kuwait đang hợp tác với Việt Nam và Nhật Bản trong dự án này. Dự án nhằm cung cấp 40% nhu cầu đối với các sản phẩm xăng dầu và sản phẩm lọc hóa dầu của thị trường Việt Nam.

Cùng với đó, Nhà nước Kuwait hướng đến việc đẩy mạnh đầu tư, góp phần nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia, vượt mức hơn 2 tỷ USD hiện nay. Điều này sẽ góp phần tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, gia tăng giá trị kinh tế của Việt Nam, đồng thời phản ánh tích cực quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam-Kuwait.

Nhiều tiềm năng hợp tác

Với một thị trường hơn 1,6 tỷ dân, rộng trên 36 triệu km2, Trung Đông-châu Phi là khu vực có nhiều tiềm năng hợp tác. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ trưởng Vụ Trung Đông-châu Phi (Bộ Ngoại giao).

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Việt Nam là khu vực tăng trưởng của châu Á-Thái Bình Dương. Trong số 70 nước ở khu vực Trung Đông-châu Phi, Việt Nam đã thành lập hệ thống cơ quan đại diện tại 15 nước. Trong khi đó, các nước bạn có 17 đại sứ quán hiện diện tại Việt Nam. Do đó, mỗi đại sứ cần có nhiều hoạt động hơn, vận dụng các biện pháp kỹ thuật để công chúng Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi thêm hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ, thấu hiểu những khó khăn, thách thức khi đến với nhau.

Đây chính là nhiệm vụ, mục tiêu của Hội nghị "Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019." Hội nghị lần này không quá chú tâm về các chính sách mà quan tâm tới việc triển khai hiệu quả vai trò của các đại sứ, cầu nối giữa Việt Nam và Trung Đông-châu Phi.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Kiên, trụ cột ngoại giao kinh tế hay còn gọi là trụ cột ngoại giao phát triển ngày càng được ưu tiên giữa các nước Trung Đông-châu Phi. Để ngoại giao phát triển thực sự hiệu quả, ngành Ngoại giao cần thúc đẩy các chuyến thăm từ cấp cao đến chuyến thăm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp một cách đều đặn.

Với sự tham gia của doanh nghiệp, vì chính doanh nghiệp, họ sẽ nói lên những khó khăn, góp ý với các cơ quan đại diện Trung Đông-châu Phi, từ đó giúp họ phát triển ngày càng tốt hơn tại địa bàn này. Ông Nguyễn Trung Kiên mong muốn bằng việc đưa khối doanh nghiệp vào thị trường này, giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi sẽ có thêm các nhà ngoại giao nhân dân từ đó thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân dân ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục