Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) 2021 vừa bế mạc chiều 18/9 tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan, với sự tham dự theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến của nguyên thủ các quốc gia thành viên gồm Ấn Độ, Kazakhstan, Trung Quốc, Pakistan, Nga, Kyrgyzstan, Uzbekistan và chủ nhà Tajikistan.
Ngoài ra, Tổng thống Belarus, Tổng thống Iran và đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực cũng được mời tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thành lập SCO.
Hội nghị thông qua Tuyên bố chung Dushanbe (nhân 20 năm thành lập SCO), nhấn mạnh vai trò quan trọng của SCO trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, cũng như thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia thành viên.
SCO cũng thông qua các quyết định về việc tiếp tục mở rộng quy mô của tổ chức này bằng cách kết nạp Cộng hòa Hồi giáo Iran làm thành viên chính thức và trao quy chế đối tác đối thoại cho một số nước ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi.
Giới quan sát cho rằng SCO dường như đang muốn tìm kiếm vai trò lớn hơn ở khu vực vốn được coi là “chảo lửa” của thế giới hiện nay.
Theo Tuyên bố chung Dushanbe, nguyên thủ các nước thành viên SCO tiếp tục khẳng định Trung Á vẫn là trọng tâm cốt lõi, là hạt nhân của SCO. Tổ chức này ủng hộ các nỗ lực của các quốc gia Trung Á nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở mỗi quốc gia cũng như trong toàn khu vực nói chung, hoan nghênh việc tiến hành các cuộc họp tham vấn thường xuyên của nguyên thủ các quốc gia Trung Á và ủng hộ vai trò tích cực của SCO trong việc tăng cường hơn nữa sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của khu vực này.
Để cải thiện các cơ chế đối phó với những thách thức và mối đe dọa an ninh, các quốc gia thành viên SCO đang xem xét một loạt sáng kiến về thiết lập các cơ cấu mới tại Trung Á như thành lập Trung tâm Chống ma túy của SCO như một cơ quan thường trực, đóng tại thành phố Dushanbe; thành lập Trung tâm Đối phó với các thách thức và đe dọa an ninh SCO trên cơ sở Cơ cấu Chống khủng bố khu vực (RATS) ở thành phố Tashkent (Uzbekistan); thành lập Trung tâm An ninh thông tin SCO; thành lập Trung tâm Chống tội phạm quốc tế có tổ chức tại thành phố Bishkek (Kyrgyzstan).
Với một loạt các sáng kiến được nêu tại hội nghị thượng đỉnh lần này, SCO muốn khẳng định vai trò không thể thiếu của mình trong các vấn đề an ninh Trung Á.
[Ngoại trưởng các nước SCO kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Afghanistan]
Được thành lập trên cơ sở các thỏa thuận về củng cố lòng tin trong lĩnh vực quân sự và cắt giảm các lực lượng vũ trang ở khu vực biên giới, trong giai đoạn hiện nay, SCO chủ trương tăng cường hợp tác để duy trì và củng cố hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, cùng nhau chống lại các thách thức và mối đe dọa mới.
Các ưu tiên của SCO trong việc đảm bảo an ninh và ổn định khu vực vẫn là chống khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa cực đoan, buôn bán trái phép ma túy, vũ khí, đạn dược và chất nổ, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đảm bảo an ninh thông tin quốc tế, tăng cường an ninh biên giới, đấu tranh chống di cư bất hợp pháp và buôn bán người, rửa tiền, tội phạm kinh tế, tham nhũng.
Hội nghị thượng đỉnh SCO lần này đã thông qua Chương trình hợp tác chống lại “ba thế lực” (khủng bố, ly khai, cực đoan) giai đoạn 2022-2024 cũng như Kế hoạch giai đoạn 2021-2023 nhằm triển khai Chiến lược chống ma túy của SCO, Kế hoạch phối hợp hành động trong đảm bảo an ninh thông tin quốc tế giai đoạn 2022-2023.
Hiện nay, các quốc gia thành viên SCO đã thiết lập các cơ chế hợp tác hiệu quả, ủng hộ việc tiếp tục triển khai những văn bản đã được thông qua trong lĩnh vực này và cải thiện hơn nữa cơ sở pháp lý của SCO trong lĩnh vực an ninh.
SCO cho rằng hợp tác trong việc chống lại các thách thức và đe dọa an ninh cần được thực hiện nhất quán, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc của luật pháp quốc tế và không sử dụng các tiêu chuẩn kép.
Đối với vấn đề Afghanistan, Tuyên bố Dushanbe dành riêng một mục lớn để thể hiện quan điểm chung của SCO về diễn biến tình hình và định hướng cũng như tương lai của đất nước Tây Nam Á này.
Tuyên bố nêu rõ: "Các nước thành viên tin rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc duy trì, củng cố an ninh và ổn định trong không gian SCO là giải quyết sớm nhất tình hình ở Afghanistan. Các nước thành viên SCO ủng hộ việc hình thành Afghanistan như một quốc gia độc lập, trung lập, đoàn kết, dân chủ và hòa bình cũng như không có khủng bố, chiến tranh và ma túy."
Ngoài ra, các nước thành viên SCO cho rằng điều quan trọng là phải tạo ra một chính phủ đa thành phần ở Afghanistan, theo đó sẽ bao gồm đại diện của tất cả các nhóm sắc tộc, tôn giáo và chính trị.
Việc SCO đặc biệt quan tâm đến chủ đề Afghanistan là điều dễ hiểu không chỉ vì Afghanistan đang là nước quan sát viên SCO, mà còn vì những nguy cơ an ninh tiềm ẩn tại Afghanistan sau khi Mỹ rút quân có thể làm tình hình tại khu vực trách nhiệm của SCO trở nên phức tạp hơn. Đó cũng là lý do tổ chức này đã thiết lập cơ chế Nhóm tiếp xúc “SCO-Afghanistan” bên cạnh các định dạng khác để hỗ trợ ổn định tình hình Afghanistan trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh việc xác định Trung Á là trọng tâm hoạt động của mình, SCO dường như đang muốn tìm kiếm vai trò lớn hơn, gánh vác các trách nhiệm lớn hơn và có các đóng góp nhiều hơn đối với hòa bình và phát triển của thế giới, trước hết đối với khu vực cận kề là Trung Đông-Bắc Phi.
Sau đợt mở rộng năm 2017 kết nạp thêm các nước khu vực Nam Á là Ấn Độ và Pakistan, Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 21 đã chính thức thông qua quyết định kết nạp Cộng hòa Hồi giáo Iran làm thành viên đầy đủ.
Các quốc gia thành viên coi việc kiên trì triển khai Kế hoạch Hành động toàn diện chung về chương trình hạt nhân Iran là rất quan trọng và phù hợp với Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, kêu gọi tất cả các bên tham gia thực hiện đầy đủ và hiệu quả tất cả các nghĩa vụ của mình được nêu trong văn kiện này.
Ngoài ra, SCO còn quyết định trao quy chế “Đối tác đối thoại” cho ba quốc gia nằm ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi là Qatar, Saudi Arabia và Ai Cập. Mong muốn của SCO tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực còn thể hiện ở việc tổ chức này cũng đã quyết định ký kết Bản ghi nhớ về hiểu biết lẫn nhau giữa Ban Thư ký SCO và Ban Thư ký Liên đoàn các quốc gia Arab.
Nếu tính đến vị trí địa lý của các thành viên chính thức, các nước quan sát viên và đối tác đối thoại của SCO thì phạm vi và không gian hoạt động của SCO không chỉ bao gồm toàn bộ khu vực Trung Á, Nam Á, khu vực ngoại Kabkaz mà hiện đã mở rộng sang cả Trung Đông.
Giới chuyên gia nhận định rằng vấn đề an ninh ở Trung Á sẽ chỉ được bảo đảm một cách bền vững nếu duy trì được sự ổn định ở khu vực Trung Đông-Địa Trung Hải, bởi khoảng cách địa lý gần gũi của các nước SCO với các điểm nóng xung đột vũ trang tại Afghanistan, cũng như Syria và Iraq.
Xác định hiện nay là giai đoạn phát triển quan trọng, SCO bày tỏ sẵn sàng đón chào sự tham gia tiếp theo của các quốc gia quan tâm nếu đáp ứng các tiêu chí và điều kiện được nêu trong các văn bản quy định của SCO và cam kết tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương SCO.
Điều này phù hợp với tinh thần của “Chiến lược phát triển SCO đến năm 2025," theo đó tổ chức này sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác nội khối và mở rộng hợp tác quốc tế.
Bên lề Hội nghị ngoại trưởng SCO tại Dushanbe (7/2021), Tổng Thư ký SCO Vladimir Norov cho biết SCO đã nhận được 16 đơn đề nghị thiết lập quan hệ với tổ chức chiếm 60% diện tích lục địa Á-Âu và 50% dân số toàn cầu này. Tuy nhiên, SCO không có ý định hình thành một liên minh chính trị-quân sự hoặc một tổ chức hội nhập kinh tế thông qua việc thiết lập các thể chế quản trị siêu quốc gia.
Các quốc gia thành viên sẽ tôn trọng quyền lựa chọn con đường phát triển chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, có tính đến kinh nghiệm lịch sử và đặc điểm dân tộc của mỗi quốc gia, tiếp tục thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn minh, hòa bình, tiến bộ và hòa hợp, quan hệ đối tác bình đẳng giữa các quốc gia.
Đối với tương lai của thế giới, các quốc gia thành viên chủ trương hình thành trật tự thế giới đa cực dựa trên các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, an ninh bình đẳng, không thể chia cắt, toàn diện và bền vững, an ninh và ổn định toàn cầu và khu vực, từ bỏ đối đầu và xung đột.
Các quốc gia thành viên mong muốn phát triển hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực chính trị và an ninh, thương mại, kinh tế, tài chính và đầu tư, văn hóa và nhân đạo nhằm xây dựng một hành tinh hòa bình, an toàn, thịnh vượng và trong lành.
Có thể nói, SCO từ một tổ chức khu vực được thành lập năm 2001 gồm sáu thành viên (Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan), sau 20 năm phát triển đã trở thành một tổ chức mang tầm quốc tế với chín thành viên chính thức, ba quan sát viên (Afghanistan, Mông Cổ và Belarus) và chín đối tác đối thoại, thể hiện rõ mong muốn của SCO gia tăng ảnh hưởng và vị thế trên các diễn đàn quốc tế và trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm mở rộng phạm vi ảnh hưởng và trách nhiệm sang vùng đất nóng Trung Đông chắc chắn sẽ mang lại nhiều khó khăn và thách thức cho SCO và sẽ khiến các nước đầu tàu của SCO như Nga, Trung Quốc và các thành viên, đối tác mới của SCO phải đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa cho sứ mệnh mới này./.