Ngày 9/3, Tòa Hiến pháp Ba Lan đã ra phán quyết bác bỏ một loạt biện pháp cải cách của chính phủ liên quan tới tòa án khi cho rằng những biện pháp này làm tê liệt chức năng của tòa hiến pháp.
Chánh án Andrzej Rzeplinski cho biết tòa nhận thấy nhiều chương trong luật mới ban hành hồi tháng 12/2015 không phù hợp với Hiến pháp quốc gia. Luật mới khiến cho Tòa Hiến pháp không thể thực hiện chức năng vốn có và phù hợp, làm mất đi tính độc lập và tách biệt của Tòa án với các cơ quan quyền lực khác, điều này hoàn toàn vi phạm những nguyên tắc luật cơ bản.
Kể từ khi lên cầm quyền hồi tháng 10/2015, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đã phải đối mặt với những luồng chỉ trích cả trong nước và quốc tế khi đưa ra một số luật mới gây nhiều tranh cãi và khẳng định luật sẽ được công nhận bất chấp phán quyết của tòa án. Luật được Tổng thống Andrzej Duda ký ban hành ngày 28/12/2015, trong đó có điều khoản yêu cầu các vụ kiện phải do một ban hội thẩm gồm ít nhất 13 trong số 15 thẩm phán của tòa án tham gia xét xử.
Một điều khoản khác lại yêu cầu phán quyết của tòa phải nhận được 2/3 tỷ lệ ủng hộ mới có hiệu lực, nhiều hơn mức đa số tương đối hiện nay. Phe phản đối chỉ trích luật sửa đổi đã được thông qua một cách quá gấp gáp, vi phạm mọi quy trình nghị viện, vi phạm Hiến pháp, làm tê liệt và khiến Tòa án Hiến pháp Ba Lan không thể hoạt động như một cơ quan giám sát tính hợp hiến của các quyết định do chính phủ cánh hữu mới cầm quyền tại nước này đưa ra.
Ngày 13/1, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã bắt đầu cuộc điều tra chưa từng có tiền lệ liên quan đến những cải cách gây nhiều tranh cãi này./.