Tòa tối cao Philippines: Tổng thống Duterte được áp thiết quân luật

Tòa án Tối cao nước này đã ra phán quyết khẳng định Hiến pháp Philippines cho phép Tổng thống Rodrigo Duterte áp đặt thiết quân luật trên toàn lãnh thổ quốc gia.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Với sự tán thành của 11/15 thẩm phán hàng đầu Philippines, Tòa án Tối cao nước này đã ra phán quyết khẳng định Hiến pháp Philippines cho phép Tổng thống Rodrigo Duterte áp đặt thiết quân luật trên toàn lãnh thổ quốc gia.

Trong văn bản phán quyết dài 82 trang công bố ngày 6/7, Tòa án tối cao Philippines nêu rõ Hiến pháp cho phép Tổng thống Duterte được tùy ý quyết định phạm vi áp đặt thiết quân luật, cho dù áp đặt trên cả nước hay chỉ một phần lãnh thổ.

Phán quyết cũng khẳng định Hiến pháp Philippines không ngăn cấm việc ban bố thiết quân luật đối với một địa điểm đang diễn biến bất ổn, và Tổng thống được quyền áp đặt thiết quân luật tại bất cứ khu vực nào mà Tổng thống xác định là có khả năng xảy ra các hành động thù địch. Ngoài ra, phán quyết nhấn mạnh chỉ cho phép áp đặt thiết quân luật trong thời gian tối đa 60 ngày.

[Tòa án Tối cao Philippines ủng hộ áp thiết quân luật ở miền Nam]

Cũng trong ngày 6/7, Tòa thượng thẩm Philippines ra phán quyết tương tự về việc Tổng thống áp đặt thiết quân luật, theo đó khẳng định Tổng thống Duterte "có cơ sở hợp lý để xác định rằng thành phố Marawi trên đảo Mindanao chỉ là điểm khởi phát phiến loạn" và mục tiêu cuối cùng của phiến quân có thể là không chỉ kiểm soát Marawi mà còn toàn bộ khu vực Mindanao.

Ngày 23/5 vừa qua, Tổng thống Duterte đã ban bố thiết quân luật trong 60 ngày ở thành phố Marawi, sau khi hàng trăm tay súng có liên quan tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng một số khu vực tại đây và gây các vụ bạo loạn đẫm máu cho tới nay vẫn chưa chấm dứt.

Nhà chức trách cho biết hơn 460 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa binh lính Chính phủ Philippines với phiến quân tại Marawi, bao gồm khoảng 336 phiến quân, 84 binh sỹ chính phủ và 39 dân thường.

Ngoài ra, gần 400.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở Marawi và các khu vực lân cận để đi lánh nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục