TTXVN giới thiệu bài viết của Trung tướng Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an với tiêu đề "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà tư tưởng, lý luận, nhà văn hóa, nhà lãnh đạo kiệt xuất."
Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần, nỗi buồn, niềm thương tiếc vô hạn bởi sự mất mát to lớn, tôi nghĩ đó là cảm giác từ tâm thức của muôn triệu người Việt Nam, trong đó có tôi. Khi Người đã vĩnh biệt chúng ta ra đi, cái mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhất là trên cương vị người đứng đầu của Đảng ta cho Đảng, cho đất nước, cho dân tộc và nhân dân thật khó có thể kể hết, nhưng được khẳng định là vô cùng to lớn.
Cách mạng Việt Nam có giai đoạn 1930-1945 kết thúc bằng Tổng khởi nghĩa tháng Tám quật khởi, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), kháng chiến chống Pháp và thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ "nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng," kháng chiến chống Mỹ với chiến dịch lịch sử 30/4/1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hoàn thành vẻ vang cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa đất nước vào một kỷ nguyên mới, thì đến nay sau gần 40 năm đất nước đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, những thành quả cách mạng Việt Nam đã được bảo vệ vững chắc, có bước phát triển mới vượt bậc. Cho dù còn nhiều những việc cần làm, còn nhiều thách thức đặt ra, nhưng những gì chúng ta đạt được thật vĩ đại. Sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trong những năm cuối của thế kỷ 20 là một minh chứng cho thấy vị trí, vai trò của công cuộc đổi mới gần 40 năm qua, nhất là hơn 10 năm trở lại đây. Đây là thành tựu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, nhưng vai trò dẫn dắt, lãnh đạo, động viên, khích lệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tính quyết định.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước hết là một nhà tư tưởng lý luận kiệt xuất của Đảng ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người về đối nội, đối ngoại và đường lối cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới đã chỉ rõ điều đó. Chúng ta thấy trong tư tưởng lý luận cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời đã được bổ sung, phát triển tươi mới phù hợp với thực tiễn của đất nước và thời đại ngày nay, trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Những quan điểm, tư tưởng của Người về văn hóa đã góp phần quan trọng quyết định để định hình nên tư duy, nhận thức của Đảng ta về vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là nhận thức văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển của xã hội, văn hóa luôn có vai trò quan trọng ngang hàng với kinh tế, chính trị. Quan trọng hơn là những nhận thức tư duy đó đã được quán triệt, triển khai vận dụng trong thực tiễn, đem lại những kết quả vô cùng to lớn, củng cố sức mạnh quốc gia.
Cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là một tấm gương văn hóa tiêu biểu của con người Việt Nam, đó là cuộc sống thanh đạm, nhân cách lớn lao và đạo đức cách mạng trong sáng, có tinh thần yêu nước nồng nàn, luôn vượt qua mọi thách thức, trở ngại, nhân hậu, thủy chung, tình đoàn kết quốc tế trong sáng. Soi chiếu vào những lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách một người Cách mệnh trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một hình mẫu tiêu biểu, vượt trội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà đối ngoại tài ba, từ tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ thực tiễn của đất nước trong quan hệ quốc tế, đường lối đối ngoại và ngoại giao “cây tre Việt Nam” của Người đã giúp đất nước ta có được vị thế quốc tế vững chắc, trở thành nhân tố ngày càng quan trọng trong thế giới đương đại đang phải đối mặt với biết bao thách thức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một lãnh tụ, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta. Hôm nay, đây là sự suy tôn của cán bộ, đảng viên, bạn bè quốc tế dành cho Người. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đất nước ta đã có những bước phát triển mới vững chắc, để "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay."
Đối với lực lượng vũ trang nhân dân, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung, sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự và Công an nhân dân nói riêng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là trên cương vị người đứng đầu của Đảng ta. Người trực tiếp tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, luôn quan tâm đến những vấn đề căn cốt nhất của lực lượng Công an nhân dân đó là về cán bộ, tổ chức bộ máy và quan điểm, phương châm, nguyên tắc, những định hướng lớn trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng Công an nhân dân.
Về cán bộ, Công an nhân dân vinh dự tự hào có di sản tinh thần vô giá là Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có huấn thị “chỉ biết còn Đảng thì còn mình” của Tổng Bí thư Lê Duẩn, thì hôm nay lại có thêm một di sản tinh thần đó là huấn thị "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Công an nhân dân đã thực sự gương mẫu, đi đầu trong sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo cảm hứng cho sự sắp xếp tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị.
Sự chuẩn bị về con người và tổ chức bộ máy là những yếu tố cơ bản, quyết định nhất để xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Để có được kết quả to lớn đó trong xây dựng Công an nhân dân, cùng với quyết tâm của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, nhất là của Đại tướng Tô Lâm (nay là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), thì sự lãnh đạo, khích lệ, động viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hết sức quan trọng. Trong các mặt công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội cũng luôn mang những dấu ấn thật quan trọng từ sự lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, nhắc nhở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sự quan tâm đó của Người đã giúp cho lực lượng Công an nhân dân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, chiến đấu trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một mất mát to lớn không thể bù đắp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó có Công an nhân dân Việt Nam. Trong niềm đau thương vô hạn ấy, chúng ta luôn tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng, tâm nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc nhất định sẽ trở thành hiện thực./.
Tổng Bí thư: Nhà văn hóa lớn, hết lòng vì sự phát triển của văn hóa
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về thực hành văn hóa, một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.