Ngày 24/11, Tổng thống Argentina Mauricio Macri và Bộ trưởng Quốc phòng Oscar Aguad đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô Buenos Aires về cuộc khủng hoảng tàu ngầm ARA San Juan bị mất tích từ ngày 15/11.
Tổng thống Macri đã nghe trình bày hàng chục báo cáo và thông tin liên quan tới vụ việc sau khi hải quân nước này xác nhận thông tin do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), có trụ sở tại Áo, đưa ra hôm 23/11 về việc đã xảy ra một vụ nổ lớn tại gần khu vực mà tàu ngầm đã liên lạc lần cuối với đài chỉ huy.
Đại sứ Argentina tại Áo Rafael Grossi, một chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực nguyên tử, đã yêu cầu IAEA kiểm tra, rà soát các hoạt động trên biển tại khu vực Nam Đại Tây Dương và IAEA đã phát hiện ra vụ nổ lớn gần khu vực tàu ARA San Juan mất tích, song khẳng định đây không phải là một vụ nổ hạt nhân.
Tờ Clarin, tờ báo có số phát hành lớn nhất Argentina, đưa tin chính phủ đang xem xét khả năng cách chức một số tướng lĩnh Hải quân liên quan việc điều hành công tác xử lý vụ khủng hoảng tàu ARA San Juan mất tích, với 44 thủy thủ.
Chính phủ cho rằng đã có sự chủ quan, cẩu thả, vô trách nhiệm và không tuân thủ nguyên tắc trong giải quyết việc tàu ngầm mất liên lạc. Chính phủ cũng yêu cầu chỉ huy Hải quân Argentina giải thích lý do đã không thông báo kịp thời thông tin khi xảy ra việc tàu ARA San Juan mất tích với Tổng thống Macri cũng như Bộ trưởng Aguad ngay từ hôm 15/11.
[Mỹ đã xác định được vật thể gần nơi tàu ngầm Argentina phát tín hiệu]
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo giới, người phát ngôn Hải quân Enrique Balbi thông báo không có dấu hiệu nào cho thấy ARA San Juan đã bị tấn công, song ông cũng không loại trừ giả thiết này.
Ông cũng cho biết vẫn chưa thể phát hiện ra tàu ngầm bị mất tích dù đã sang ngày thứ 9 kể từ khi bị mất liên lạc mặc dù Argentina và 13 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Anh, Tây Ban Nha và Pháp đã huy động nhiều trang thiết bị tối tân, hiện đại cùng các chuyên gia giỏi để tìm kiếm. Theo Hải quân Argentina, vùng biển nơi xảy ra vụ nổ có độ sâu từ 200-3.000m, khiến việc tìm kiếm tàu mất tích sẽ rất khó khăn.
Sau khi Hải quân Argentina khẳng định thông tin về vụ nổ, thân nhân của các thủy thủ đã phản ứng dữ dội và cho rằng các nhà chức trách đã bưng bít vụ việc. Rất nhiều gia đình đã rời khỏi Trung tâm tàu ngầm của Hải quân Argentina, ở thành phố Mar del Plata, sau nhiều ngày chờ đợi bởi khả năng về việc tìm thấy các thủy thủ gần như đã trở nên vô vọng.
Cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, Ngoại trưởng nước này Alfonso Dastis và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã gửi lời chia buồn tới gia đình các thủy thủ.
Tàu ARA San Juan, hạ thủy năm 1983, là tàu ngầm mới nhất trong 3 tàu ngầm mà Hải quân Argentina sở hữu. Đây là loại tàu ngầm diesel-điện lớp TR-1700 do hãng Thyssen Nordseewerke của Đức chế tạo, dài 65 m, được trang bị 4 động cơ diesel MTU, 4 máy phát, động cơ điện Siemens cùng 120 khối pin điện, cho phép nó đạt tốc độ tới 46 km/giờ khi lặn.
Dự trữ hành trình thông thường của tàu lớp TR-1700 là 30 ngày, nhưng có khả năng mở rộng tới 70 ngày liên tục.
Tàu ARA San Juan Rời cảng Ushuaia, cực Nam Argentina, ngày 13/11 để trở về căn cứ tại Mar Del Plata và bị mất liên lạc hôm 15/11 khi đang làm nhiệm vụ tuần tra tại vùng đặc quyền kinh tế của Argentina, gần cảng Madryn ở Nam Đại Tây Dương./.