Tổng thống Armenia Armen Sarkissian ngày 25/4 tuyên bố sẽ bắt đầu các cuộc tham vấn với các lực lượng chính trị để tìm cách giải quyết khủng hoảng chính trị tại quốc gia này.
Trong một tuyên bố, ông Sarkissian nêu rõ trước tình hình phức tạp hiện nay, ông sẽ bắt đầu tham vấn với các lực lượng chính trị có đại diện trong quốc hội và không thuộc quốc hội để thảo luận tình hình đã xảy ra ở đất nước và cách giải quyết.
Ông cũng khẳng định điều quan trọng nhất là các bên bắt đầu đối thoạ, đồng thời bày tỏ hy vọng các bên sẽ nỗ lực và thể hiện sự hiểu biết lẫn nhau để tháo gỡ khủng hoảng.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh phe đối lập lại phát động hàng nghìn người tiếp tục xuống đường biểu tình sau khi đại diện chính quyền, quyền Thủ tướng Karen Karapetian và thủ lĩnh phe đối lập cáo nghị sỹ Nikol Pashinian tuyên bố ngừng cuộc đối thoại, dự kiến tổ chức sáng 25/4.
Hàng trăm cảnh sát cùng nhiều xe bọc thép quân dụng đã được triển khai tại trung tâm thủ đô Yerevan nhằm giám sát chặt chẽ những người biểu tình.
[Binh sỹ quân đội Armenia tham gia biểu tình chống chính phủ]
Thủ lĩnh phe đối lập cho biết người biểu tình cũng đã chặn một cửa khẩu hải quan tại khu vực biên giới với nước láng giềng Gruzia.
Tuyến đường ôtô chính nối thủ đô với sân bay quốc tế cũng bị người biểu tình phong tỏa. Nghị sỹ Nikol Pashinian ngày 25/4 đã tới quảng trường "Cộng hòa" ở trung tâm thủ đô tham gia cuộc biểu tình tại đây và kêu gọi một phong trào "bất tuân dân sự" để gây sức ép với chính quyền.
Phe đối lập còn cảnh báo sẽ xảy ra đụng độ nếu chính quyền không sớm tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Căng thẳng đã leo thang tại Armenia hơn 10 ngày qua, khi những người ủng hộ phe đối lập tổ chức các cuộc tuần hành, phản đối việc cựu Tổng thống Serzh Sargsyan được bầu làm Thủ tướng, dù Hiến pháp Armenia sửa đổi năm 2015 đã mở đường chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước từ tổng thống sang thủ tướng.
Trước sức ép của người biểu tình, ông Sargsyan đã tuyên bố từ chức. Quyền Thủ tướng Karen Karapetian đã đề xuất tổ chức cuộc bầu cử quốc hội mới để hóa giải khủng hoảng chính trị.
Nga, quốc gia trong khu vực có một căn cứ quân sự tại Armenia, đã kêu gọi ổn định, song cho biết sẽ không can dự vào công việc nội bộ của nước này./.