Ngày 6/4, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã kêu gọi Chile đàm phán về giải pháp tìm đường ra biển của nước này và cho rằng hiệp ước lập lại hòa bình giữa hai nước ký năm 1904 hoàn toàn có thể xem xét lại.
Phát biểu tại Cochabamba, Tổng thống Morales khẳng định Bolivia hoàn toàn có quyền đòi một đường ra biển thuộc chủ quyền của mình.
Ông nhấn mạnh cần phải từ bỏ khái niệm “Chiến tranh Thái Bình Dương” bởi trên thực tế đây là cuộc tấn công của Chile nhằm xâm chiếm lãnh thổ Bolivia vào tháng 2/1879.
Ông Morales cũng cho rằng hồi năm 1903, Mỹ và Panama đã ký thỏa thuận. Theo đó, Mỹ được sở hữu vĩnh viễn kênh đào Panama, tuy nhiên trước lời kêu gọi của nhân dân Panama, năm 1990, Nhà Trắng đã trả lại kênh đào.
Điều này cho thấy các thỏa thuận cũng không phải là có giá trị mãi mãi. Việc Bolivia kiện Chile ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) chỉ nhằm mục đích đòi Santiago thực hiện cam kết với Bolivia.
Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Bolivia Gabriela Montaño cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) sẽ diễn ra trong hai ngày 10 và 11/4 tới đây tại Panama, Tổng thống Morales sẽ bảo vệ lập trường đòi đường ra biển của nước này.
Năm 1879, sau khi bị Chile tấn công, Bolivia đã mất toàn bộ 400km bờ biển và các tỉnh giáp biển giàu tài nguyên khoáng sản của mình với tổng diện tích 120.000km2 vào tay nước láng giềng.
Trong hiệp ước lập lại hòa bình giữa hai nước được ký năm 1904, Chile đảm bảo một đường ra biển có chủ quyền cho Bolivia, đổi lại viêc La Paz công nhận chủ quyền của Santiago tại những phần đất đã mất, tuy nhiên cho tới nay hai bên vẫn tranh cãi về những điều khoản này.
Tháng 4/2013, Bolivia đã đệ đơn lên ICJ yêu cầu Chile phải đàm phán về một giải pháp cho vấn đề đường ra biển của La Paz, nhưng Santiago đã từ chối công nhận quyền phán quyết của cơ quan quốc tế trên với lập luận vấn đề này đã được giải quyết bằng Hiệp ước 1904.
Dự kiến, phiên giải trình đầu tiên của Bolivia trước ICJ sẽ diễn ra vào tháng Năm tới.
Do vụ tranh chấp trên, Bolivia và Chile không có quan hệ ngoại giao từ năm 1962 (trừ giai đoạn 1975-1978), mặc dù vẫn duy trì Tổng lãnh sự quán của mỗi nước tại Santigao và La Paz./.