Tổng thống Brazil điều chỉnh nhân sự nội các sau biểu tình

Trong cuộc họp diễn ra ở thủ đô Brasilia với sự tham gia của nhiều cố vấn thân cận, Tổng thống Rousseff đã công bố quyết định bổ nhiệm bộ trưởng tư pháp mới, lần thứ 3 trong hai tuần qua.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 14/3, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã triệu tập cuộc họp với các bộ trưởng thân cận sau khi diễn ra các cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức nhằm phản đối chính phủ.

Trong cuộc họp diễn ra ở thủ đô Brasilia với sự tham gia của nhiều cố vấn thân cận, Tổng thống Rousseff đã công bố quyết định bổ nhiệm bộ trưởng tư pháp mới, lần thứ 3 trong hai tuần qua.

Ông Eugenio Aragao được chỉ định làm Bộ trưởng Tư pháp nước này, thay ông Wellington César Lima e Silva vừa rút lui sau 11 ngày đảm nhiệm chức vụ này.

Ông César từ chức sau khi Tòa án Tối cao Brazil ra phán quyết yêu cầu ông phải chọn lựa giữa việc tham gia nội các và theo đuổi sự nghiệp công tố viên của bang Bahia đã được 25 năm.

Cũng tại buổi họp nội các, Tổng thống Rousseff đã cùng các bộ trưởng đánh giá ảnh hưởng của cuộc biểu tình trước đó một ngày do phe đối lập kêu gọi nhằm yêu cầu bà từ chức.

Khoảng 3 triệu người trên khắp Brazil đã xuống đường tham gia cuộc tuần hành ngày 13/3 được cho là lớn nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên trầm trọng tại nước này từ năm ngoái cũng như vụ bê bối tham nhũng khổng lồ tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras bị phanh phui.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Chủ tịch đảng PT cầm quyền Rui Falcao đã lên tiếng ủng hộ cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva tham gia thành phần chính phủ hiện nay của Tổng thống Rousseff, cũng là người kế nhiệm ông Lula.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, đề xuất này được PT đưa ra hồi cuối tuần trước trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị đang ngày càng gia tăng ở Brazil.

Trong trường hợp cựu Tổng thống Lula tham gia thành phần nội các, ông này sẽ tránh được việc bị Tòa án Sao Paulo phát lệnh tạm giam do những cáo buộc có dính líu tới vụ tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras.

Để tiến hành điều tra các bộ trưởng, Tòa án Tối cao mới có quyền đưa ra quyết định.

Cùng ngày, Thẩm phán Tòa án bang Sao Paulo, Maria Priscila Hernandes, tuyên bố Thẩm phán Sergio Moro, người đang thụ lý vụ Petrobras, hoàn toàn có quyền đưa ra mọi quyết định liên quan tới ông Lula.

Trong khi đó, Bộ Công cộng Brazil cũng đã đăng tuyên bố của ông Lula trước cơ quan tư pháp, theo đó cựu Tổng thống yêu cầu các cơ quan điều tra phải xin lỗi ông này khi quá trình điều tra kết thúc và khẳng định sẽ tham gia tranh cử tổng thống vào năm 2018.

Hồi tuần trước, tòa án Sao Paulo đã ra lệnh tạm giam cựu Tổng thống Lula do bị cáo buộc liên quan tới hoạt động rửa tiền, che giấu tài sản và làm giả giấy tờ. Số tiền ông Lula bị cáo buộc tham ô trong vụ Petrobras vào khoảng 2,7 triệu USD.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil trở nền trầm trọng từ năm ngoái do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như vụ bê bối tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras, khiến khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sỹ, thượng nghị sỹ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra.

Vụ việc này cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh đảng PT cầm quyền, cựu Tổng thống Lula da Silva, người sáng lập đảng này, và uy tín của Tổng thống Rousseff./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục