Ngày 9/8, Tòa án Bầu cử tối cao Brazil (TSE) đã cáo buộc Tổng thống nước này Jair Bolsonaro phát tán các tài liệu mật của cảnh sát, đồng thời yêu cầu Tòa án Tối cáo mở một cuộc điều tra về vụ việc này.
Đây là động thái mới nhất trong bối cảnh mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo Brazil và cơ quan tư pháp đang leo thang căng thẳng trong thời gian qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, tuần trước, Tổng thống Bolsonaro đã chia sẻ lên mạng xã hội một loạt báo cáo của Cảnh sát Liên bang Brazil liên quan tới cuộc điều tra về những nghi vấn xung quanh vụ tấn công mạng vào hệ thống nội bộ của TSE hồi năm 2018.
Các thẩm phán của TSE cho rằng hành động của tổng thống có thể bị quy vào tội “phát tán các thông tin mật mà không có lý do chính đáng.”
Hành động của nhà lãnh đạo cánh hữu Brail nằm trong chiến dịch mà ông đang thúc đẩy nhằm vào hệ thống bỏ phiếu điện tử đang được áp dụng suốt từ năm 1996 đến nay.
[Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thay người đứng đầu hàng loạt bộ]
Dù không đưa ra được bằng chứng nào, ông Bolsonaro luôn cho rằng hòm phiếu điện tử sẽ góp phần vào các âm mưu gian lận và đang gây sức ép để Quốc hội Brazil thông qua việc áp dụng trở lại hệ thống bỏ phiếu giấy như trước đây.
Ngoài việc bị cáo buộc tiết lộ tài liệu mật, Tổng thống Bolsonaro cũng đang đối mặt với một thách thức pháp lý khác khi Hiệp hội Người bản địa Brazil (APIB) cùng ngày đã yêu cầu Toà án Hình sự quốc tế (ICC) điều tra nhà lãnh đạo Brazil về những quyết định liên quan tới vấn đề môi trường.
APIB cáo buộc ông Bolsonaro có những quyết sách làm gia tăng nạn phá rừng nhiệt đới Amazon, cắt giảm ngân sách cho chương trình bảo vệ môi trường, tạo điều kiện cho hoạt động nông nghiệp và khai thác mỏ tại những khu bảo tồn bản địa và các vùng đất được bảo vệ khác. Điều này đe dọa đến nơi ở của cộng đồng người bản địa.
Trưởng công tố viên của ICC sẽ quyết định về việc có theo đuổi vụ kiện này hay không.
Nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và số vụ cháy rừng tại Brazil đã tăng vọt kể từ khi Tổng thống Bolsonaro nhậm chức vào năm 2019.
Các số liệu chính thức được công bố cuối tuần trước cho thấy tính từ đầu năm đến cuối tháng 7 vừa qua, diện tích rừng Amazon tại Brazil bị phá đã mức gần kỷ lục, phá hủy một khu vực gần bằng diện tích của Puerto Rico.
Các nhóm bảo vệ môi trường cho rằng vấn nạn phá rừng gia tăng là do chính phủ của ông Bolsonaro phát triển ngành khai khoáng và nông nghiệp tại các khu vực rừng rậm, cũng như cắt giảm tài trợ cho các chương trình bảo vệ môi trường.
Hiện nhà lãnh đạo này đang chịu sức ép lớn của cộng đồng quốc tế kêu gọi cải thiện hình ảnh Chính phủ Brazil bảo vệ môi trường cũng như chịu sức ép từ các doanh nghiệp, vốn lo ngại hình ảnh không tốt hiện nay sẽ tác động đến các nhà xuất khẩu thịt bò và đậu tương hàng đầu thế giới./.