Tổng thống Iran loại trừ khả năng đàm phán song phương với Mỹ

Ông Rouhani nhấn mạnh nếu Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, Washington có thể tham gia các cuộc đàm phán đa phương giữa Iran và các nước còn lại tham gia ký thỏa thuận hạt nhân 2015.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại một sự kiện ở Tehran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Iran sẽ không bao giờ tiến hành đối thoại song phương với Mỹ, song Washington có thể tham gia các cuộc đàm phán đa phương với các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 nếu nước này dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt được tái áp đặt nhằm vào Tehran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 3/9 đã đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân ký giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) trên bờ vực đổ vỡ sau khi Washington rút khỏi văn kiện này.

Phát biểu tại một phiên họp mở của Quốc hội Iran được phát sóng trên đài phát thanh quốc gia, Tổng thống Rouhani khẳng định: "Chưa từng có quyết định về việc tiến hành đàm phán với Mỹ và hiện còn rất nhiều đề xuất đối thoại song câu trả lời của chúng tôi sẽ luôn là không."

Tuy nhiên, ông Rouhani nhấn mạnh nếu Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, Washington có thể tham gia các cuộc đàm phán đa phương giữa Tehran và các nước còn lại tham gia ký thỏa thuận hạt nhân 2015 mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

[Tổng thống Iran Hassan Rouhani nêu điều kiện đàm phán với Mỹ]

Cũng trong phát biểu của mình, Tổng thống Rouhani cảnh báo Iran sẽ tiến hành bước thứ ba trong việc giảm các cam kết hạt nhân vào ngày 5/9 tới nếu các nước châu Âu không thực hiện lời hứa cứu vãn JCPOA. Ông nêu rõ: "Nếu các nước châu Âu có thể mua hoặc đặt mua trước dầu mỏ của Iran và chúng tôi có thể tiếp cận tiền của mình, điều này sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng và chúng tôi có thể thực thi đầy đủ thỏa thuận... nếu không chúng tôi sẽ tiến hành bước thứ ba."

Iran đã bắt đầu giảm bớt các cam kết về hạt nhân kể từ tháng Năm vừa qua và cảnh báo sẽ triển khai các bước đi tiếp theo vào ngày 5/9 tới với mục đích gia tăng sức ép đối với các nước châu Âu còn lại tham gia JCPOA nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế của Tehran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Giới chức Iran đã nói rằng bước đi tiếp theo sẽ "mạnh hơn" và có thể bao gồm việc làm giàu urani lên mức 20% hoặc tái khởi động các máy ly tâm làm giàu urani.

Trong tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho rằng có "một cơ hội thật sự tốt" khi ông có thể sớm gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani để thảo luận về căng thẳng leo thang, mặc dù nhà lãnh đạo Tehran muốn Washington dỡ bỏ trừng phạt trước khi nhất trí với cuộc hội đàm như vậy.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định Mỹ phải tôn trọng thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 và ngừng thực hiện chính sách "khủng bố kinh tế" chống lại người dân Iran nếu muốn đàm phán với Tehran.

Căng thẳng Mỹ-Iran tái bùng phát kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA vì cho rằng thỏa thuận chưa chặt chẽ. Từ đó, Mỹ từng bước tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán.

Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran cũng tuyên bố điều chỉnh phạm vi tuân thủ các cam kết nêu trong thỏa thuận hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục