Ông Obama đệ trình Quốc hội dự luật trao quyền tấn công IS

Tổng thống Mỹ đệ trình Quốc hội dự luật trao quyền tấn công IS

Theo các nghị sỹ và trợ lý nghị sỹ Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đệ trình Quốc hội dự luật cho phép sử dụng vũ lực có giới hạn tấn công lực lượng IS tự xưng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo các nghị sỹ và trợ lý nghị sỹ Mỹ, ngày 11/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đệ trình Quốc hội dự luật cho phép sử dụng vũ lực có giới hạn tấn công lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với thời hạn kéo dài trong 3 năm. Quốc hội sẽ sớm tổ chức điều trần về vấn đề này và bỏ phiếu trong thời gian từ ngày 16-20/2. 

Dự luật này dựa trên sự điều chỉnh những nội dung của Đạo luật năm 2002 - trao quyền cho Tổng thống George W. Bush phát động cuộc chiến tại Iraq, đồng thời bao hàm các điều khoản về việc trao quyền chính thức cho Tổng thống sử dụng các lực lượng vũ trang trong Đạo luật năm 2001 (được thông qua ngay sau khi xảy ra sự kiện ngày 11/9).

Dự luật cho phép Tổng thống sử dụng lực lượng đặc biệt và cố vấn quân sự, song không bao gồm việc “sử dụng lực lượng bộ binh lâu dài”.

Tuy nhiên, dự luật không giới hạn về mặt địa lý đối với các chiến dịch tấn công IS. Nếu được thông qua, Tổng thống Obama sẽ có được sự chấp thuận chính thức của Quốc hội trong việc sử dụng các lực lượng Mỹ tấn công IS, đồng thời có thể tiến hành tấn công lực lượng phiến quân al-Qaeda ở Yemen và Somalia bằng máy bay không người lái và bắn tên lửa. 

Động thái này đang mở ra cuộc tranh luận trong chính giới Mỹ về cách thức triển khai lực lượng quân đội Mỹ và việc mở rộng sự can dự của Mỹ ở Iraq và Syria. 

Nhiều thành viên của đảng Dân chủ cho rằng họ đã “mệt mỏi” sau hơn một thập kỷ chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, do đó, họ sẽ phản đối bất kỳ việc trao quyền phát động chiến tranh nào cho Tổng thống, bao gồm việc “đưa quân tham chiến”.

Thượng nghị sỹ Chris Murphy bày tỏ lo ngại về quyền tấn công có thể được các Tổng thống kế tiếp sử dụng để đưa quân Mỹ vào Trung Đông. Một số nghị sỹ Dân chủ khác yêu cầu dự luật cần giới hạn phạm vi địa lý và các lực lượng vũ trang sẽ được điều động tham chiến.

Trong khi đó, số nghị sỹ cực hữu đảng Cộng hòa phản đối việc giới hạn quyền của Tổng thống với tư cách là Tổng Tư lệnh quân đội, trong đó có việc cấm triển khai lực lượng bộ binh Mỹ. Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, cho rằng dự luật cần cho phép Tổng thống quyền triển khai lực lượng bộ binh nếu cần thiết và nhấn mạnh việc triển khai bộ binh là cần thiết để đánh bại IS.

Một số nghị sỹ Cộng hòa khác kêu gọi việc trao quyền lớn hơn như cho phép Mỹ bảo vệ lực lượng đối lập tại Syria - hiện do các lực lượng Mỹ đào tạo - trên thực địa và có thể đáp trả các cuộc không kích từ phía Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Thượng nghị sỹ Lindsey Graham - nghị sỹ có ảnh hưởng lớn về chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa, cho rằng nếu việc trao quyền này không nhằm chống lại các cuộc không kích từ Chính quyền Assad, nó sẽ là sự thất bại. 

Để vận động cho việc thông qua dự luật, Chính quyền Mỹ đã tổ chức một số cuộc tham vấn kín với các nghị sỹ chủ chốt của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về vấn đề này.

Đến nay, Nhà Trắng vẫn từ chối thảo luận khung thời gian cụ thể hoặc chi tiết của dự luật trên, song nhấn mạnh những ngôn từ trong dự luật sẽ có nội dung đa nghĩa và cân bằng được quan điểm khác nhau giữa các nghị sỹ về sự cần thiết phải triển khai lực lượng bộ binh.

Sau các cuộc tham vấn gần đây, Thượng nghị sỹ Bob Menendez, nghị sỹ có uy tín trong các vấn đề đối ngoại của đảng Dân chủ, cho biết Tổng thống Obama và đảng này đã thống nhất về quan điểm chỉ duy trì việc trao quyền sử dụng vũ lực cho Tổng thống trong thời hạn 3 năm, đồng thời chấm dứt Đạo luật năm 2002 nhưng chưa rõ khả năng có kết thúc Đạo luật năm 2001 hay không.

Từ tháng 8/2014, Tổng thống Obama đã phê chuẩn các cuộc không kích của Mỹ vào Iraq và Syria theo Đạo luật năm 2001 và Đạo luật năm 2002 . Tuy nhiên, do không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, Tổng thống Obama đang đối mặt với những cáo buộc vượt quá thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục