Tổng thống Mỹ Obama họp kín với các đại gia công nghệ

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp kín tại Nhà Trắng với các nhà lãnh đạo của các công ty công nghệ thông tin hàng đầu. 
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi họp với các đại gia công nghệ, người ngồi bên cạnh là CEO của Yahoo Marissa Mayer (Nguồn: Nhà Trắng)

Với hy vọng sẽ tháo gỡ những trở ngại mà Đạo luật cải cách y tế (thường gọi là Obamacare) đang gặp phải, cũng như những rắc rối từ vụ bê bối do thám gần đây của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), ngày 17/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp kín tại Nhà Trắng với các nhà lãnh đạo của các công ty công nghệ thông tin hàng đầu.

Cuộc gặp cũng nhằm giải tỏa những căng thẳng trong mối quan hệ giữa ngành công nghiệp công nghệ thông tin với Washington xung quanh các vấn đề trên, trong khi lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lo ngại rằng chương trình do thám của NSA đã vượt giới hạn "đỏ" của luật pháp.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết cuộc họp lần này có sự tham gia của các Giám đốc điều hành các tập đoàn công nghệ lớn như Sheryl Sandberg của Facebook, Tim Cook của Apple, Marissa Mayer của Yahoo, Dick Costolo của Twitter và Chủ tịch điều hành Eric Schmidt của Google. 

Tại cuộc họp, Tổng thống Obama cùng các nhà lãnh đạo thảo luận về sự cố kỹ thuật của trang mạng Healthcare.gov - "bộ mặt" của chương trình Obamacare, những vấn đề xung quanh chương trình giám sát của NSA và vai trò của ngành công nghệ thông tin đối với tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. 

Ngoài ra, mối quan tâm về an ninh quốc gia và những tác động kinh tế do hậu quả của việc rò rỉ thông tin tình báo cũng là những nội dung trọng tâm được bàn thảo tại cuộc họp lần này.

Cuộc họp diễn ra một tuần sau khi một loạt hãng công nghệ lớn có trụ sở tại Mỹ đã viết một bức thư kêu gọi Tổng thống Obama và các thành viên của Quốc hội nhanh chóng kiện toàn các đạo luật liên quan đến ngành tình báo cũng như các chính sách giám sát người dùng đang được triển khai trên toàn cầu, trong đó có các công dân Mỹ. 

Mới đây nhất, ngày 16/12, Thẩm phán liên bang Mỹ khu vực thủ đô Washington, ông Richard Leon, tuyên bố chương trình bí mật của NSA nhằm nghe trộm điện thoại của người dân Mỹ là vi phạm Hiến pháp, xâm phạm điều luật về quyền riêng tư của các cá nhân, đồng thời ra lệnh chấm dứt các hoạt động này đối với khách hàng của một số công ty dịch vụ điện thoại. 

Tuy nhiên, phán quyết này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của một số nghị sỹ Quốc hội, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein. 

Phát biểu trước báo giới ngày 17/12, bà Feinstein đã chỉ ra những trường hợp do thám bí mật nhằm chống lại các phần tử khủng bố có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, khẳng định hoạt động tình báo này là hợp pháp. Nữ nghị sỹ đảng Dân chủ cũng cho biết có ít nhất 15 thẩm phán của các tòa án khu vực không đồng tình với phán quyết của thẩm phán Leon, đồng thời nhấn mạnh chỉ Tòa án Tối cao mới có thể quyết định về tính hợp pháp của chương trình do thám của NSA.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/12, cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden, người đã tiết lộ hàng loạt thông tin mật liên quan đến chương trình do thám bí mật của NSA và đang tị nạn tạm thời tại Nga, đã gửi một bức thư đến chính phủ Brazil, trong đó ngỏ ý sẵn sàng giúp điều tra các hoạt động do thám của Mỹ trên lãnh thổ nước này nếu được trao quyền tị nạn vĩnh viễn.

Trong bức thư được công bố trên báo Folha de S.Paulo của Brazil, Snowden khẳng định "sẵn sàng trợ giúp đối với những lời đề nghị hợp lý và hợp pháp," song nhấn mạnh sẽ chỉ thực hiện điều đó nếu Brazil chấp nhận cho cựu nhân viên kỹ thuật CIA này tị nạn vĩnh viễn bởi chính phủ Mỹ vẫn không ngừng theo dõi và can thiệp mọi hoạt động của ông.

Snowden cũng bày tỏ sự đánh giá cao những phản ứng mạnh mẽ của chính phủ Brazil trước những thông tin do ông tiết lộ về chương trình do thám của Mỹ nhằm vào mạng Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn cầu, trong đó có điện thoại của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. 

Phản ứng trước nội dung bức thư của Snowden, chính quyền Brazil cùng ngày cho biết nước này chỉ có thể xem xét cấp quy chế tị nạn cho Snowen cho đến khi nhận được yêu cầu chính thức từ cựu nhân viên kỹ thuật CIA.

Trước đó, Snowden cũng đã từng xin tị nạn tại một loạt nước, trong đó có Brazil, song chính quyền nước này đã từ chối./. 

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục