Ngày 19/7, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega khẳng định đã đẩy lui "âm mưu" do Mỹ hậu thuẫn nhằm lật đổ chính phủ nước này sau khi cảnh sát và các lực lượng ủng hộ chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn Masaya, khu vực cuối cùng bị phe biểu tình chống đối chiếm giữ.
Phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 39 năm cuộc Cách mạng Sandino thành công, Tổng thống Ortega nêu rõ tình trạng bạo động tại quốc gia Trung Mỹ này qua là một "cuộc chiến đau thương" và gọi đây là một âm mưu có vũ trang được các lực lượng phản động trong nước và các lực lượng thù địch nước ngoài tài trợ. Ông cũng cáo buộc "đế chế Bắc Mỹ" cùng với giới lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ cánh hữu trong nước đã hậu thuẫn cho âm mưu này.
Cùng ngày, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã bày tỏ sự ủng hộ người đồng cấp Nicaragua. Chia sẻ trên trang Twitter cá nhân, ông Maduro đã chúc mừng nhân dân Nicaragua và chính phủ nước này đã đẩy lui "âm mưu khủng bố và đảo chính."
[Bạo lực tiếp diễn tại Nicaragua, thêm 12 người thiệt mạng]
Từ ngày 16/4, biểu tình nổ ra tại hầu hết các thành phố của Nicaragua sau khi chính phủ ban hành sắc lệnh cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, trong đó tăng mức đóng góp bắt buộc đối với cả các doanh nghiệp, người lao động và người hưu trí.
Chính phủ Nicaragua cáo buộc nhiều nhóm bán quân sự cực hữu và các nhóm tội phạm được trả tiền để kích động tình trạng bạo lực này. Ngày 16/5, chính phủ và đại diện giới doanh nhân, sinh viên, nông dân của quốc gia Trung Mỹ này bắt đầu tiến hành cuộc đối thoại dân tộc vì hòa bình do Hội đồng Giám mục Thiên chúa giáo làm trung gian. Đàm phán đã bị hoãn sau khi bạo lực bùng phát trở lại hôm 30/5 vừa qua khiến nhiều người thiệt mạng.
Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, với 21 phiếu thuận trong tổng số 34 thành viên, hội đồng thường trực Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS) đã thông qua nghị quyết yêu cầu Chính phủ Nicaragua “hậu thuẫn lịch trình bầu cử mới,” nói cách khác là đồng ý tiến hành bầu cử tổng thống sớm.
Nghị quyết trên được một nhóm bảy quốc gia do Mỹ dẫn đầu đưa ra. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Nicaragua Denis Moncada đã lên tiếng phản đối nghị quyết, khẳng định quốc gia Trung Mỹ này đang phải đối diện một “cuộc đảo chính” và làm xáo trộn trật tự hiến pháp. Ông cũng tố cáo Mỹ âm mưu can thiệp vào Nicaragua như đã từng làm trong những năm 80 của thế kỷ trước.
Trước đó, Tổng thống Ortega khẳng định lập trường sẵn sàng đàm phán về mọi vấn đề, kể cả bầu cử sớm, khi và chỉ khi các hành vi bạo lực chấm dứt hoàn toàn.
Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ, thuộc OAS, cho biết trong ba tháng biểu tình bạo lực đã có 273 người thiệt mạng tại Nicaragua, trong khi con số này của chính phủ và các “tổ chức nhân quyền độc lập” dao động từ gần 200 tới hơn 300 người./.