Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang bị cô lập ở châu Âu?

Ưu tiên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là định hình lại Khu vực đồng euro, tuy nhiên những kế hoạch của ông Macron có thể dẫn tới nguy cơ bị cô lập ở châu Âu, từ đó làm ông bị suy yếu ở Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo Trung tâm cải cách châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng EU không tồn tại được nếu không có cải cách triệt để. Ưu tiên của ông là định hình lại Khu vực đồng euro nhưng Đức đang ngăn cản những ý định táo bạo hơn của ông. Ông có nguy cơ bị cô lập ở châu Âu, điều có thể khiến ông bị suy yếu ở trong nước.

Trong một chuỗi bài phát biểu vào năm đầu làm Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron đã không chỉ tìm cách định nghĩa những khái niệm lớn như "chủ quyền châu Âu" và "một châu Âu bảo vệ," mà còn đề xuất hàng chục sáng kiến cụ thể, từ một cơ quan tiến hành đổi mới, thuế carbon, cho tới một lực lượng can thiệp.

Ông đặc biệt quan tâm đến Khu vực đồng euro, nơi ông tin là không bền vững trong dài hạn nếu không có một cơ chế quản lý mang tính liên bang hơn.

Ông Macron có một kế hoạch rõ ràng để đạt được mục tiêu đó. Thứ nhất, cải cách nền kinh tế Pháp, giành lại uy tín với Berlin; trong nhiệm kỳ tổng thống của Francois Hollande, sự yếu kém của Pháp đã khiến mối quan hệ Pháp-Đức mất cân bằng. Sau đó, thuyết phục Đức và các nước thành viên chủ chốt khác xây dựng một Khu vực đồng euro mạnh mẽ hơn.

Phần đầu của kế hoạch này đã tương đối hiệu quả. Ông Macron đã tiến hành một cuộc cải cách lớn các thị trường lao động của Pháp, và cũng đã giải quyết vấn đề đào tạo, bảo hiểm thất nghiệp và một số phần của hệ thống giáo dục. Ông đã cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp, thu nhập đầu tư, tài sản và việc làm trong một nỗ lực nhằm đẩy mạnh đầu tư. Ông hiện đang bận rộn với cải cách đường sắt và có nhiều ý tưởng khác đang được phát triển.

Vấn đề là ở phần thứ hai của kế hoạch. Macron muốn tăng cường liên minh ngân hàng bằng cách củng cố Cơ chế ổn định châu Âu (ESM), quỹ cứu trợ vốn rất thiếu thốn của EU, và biến nó thành cơ chế hỗ trợ cho Quỹ giải quyết thống nhất đối với các ngân hàng. Ông ủng hộ các kế hoạch của Ủy ban châu Âu cho một cơ chế đảm bảo tiền gửi ngân hàng trên toàn châu Âu. Ông muốn có một ngân sách Khu vực đồng euro - tách biệt với ngân sách EU - trị giá "vài điểm phần trăm" trong GDP (các quan chức của ông sẽ hài lòng với 1%).

Trong dài hạn, ông muốn có một Bộ trưởng Tài chính châu Âu, với quyền ra quyết định, chịu trách nhiệm trước một cơ quan quốc hội của Khu vực đồng euro.

Nhưng các cải cách ở Pháp đã không khiến người Đức sẵn sàng nghe theo Macron. Năm ngoái, các quan chức cấp cao ở Berlin cảm thấy họ cần phải đem đến cho Macron điều gì đó, củng cố vị thế của ông trước những người hoài nghi châu Âu của Pháp. Năm nay tâm trạng đã khác.

Theo một quan chức Berlin: "Tại sao chúng ta phải trả giá cho cải cách ở Pháp? Pháp đang cải cách vì Pháp cần cải cách". Có 4 lý do giải thích tại sao Đức đang kháng cự các kế hoạch của Macron cho đồng euro.

Thứ nhất, cơ quan tài chính của Đức tiếp tục tin rằng Khu vực đồng euro sẽ ổn. Đức và nhiều thành viên khác đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây. Các quan chức Đức nói rằng nếu các nước khác vướng phải rắc rối, thì họ nên thực hiện trách nhiệm của mình, tuân thủ các nguyên tắc ngân sách và tiến hành cải cách cơ cấu, giống như Tây Ban Nha. Họ không nhận thấy sự yếu kém hệ thống nào trong việc quản trị Khu vực đồng euro.

Thứ hai, ngay dù bà Angela Merkel muốn nhượng bộ trước một số đòi hỏi của Macron, thì bà cũng không thể thực hiện được nhiều điều. Chỉ 364 nghị sỹ trong Quốc hội Đức bỏ phiếu ủng hộ bà làm thủ tướng, chỉ hơn 9 phiếu so với mức 355 cần thiết cho đa số. Một cuộc nổi loạn nhỏ trong hàng ngũ của bà sẽ đem đến thất bại. Các đồng minh ở cả đảng Liên minh xã hội Cơ đốc giáo lẫn cánh hữu ngày càng hùng mạnh trong đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo của chính bà (do Bộ trưởng Y tế Jens Spahn dẫn đầu) phản đối một cách đầy thù địch việc chia sẻ rủi ro bên trong Khu vực đồng euro.

Thứ ba, một nhóm gồm 8 nước phía Bắc của EU, đứng đầu là Hà Lan, đang hành động để củng cố "xương sống" của Đức trong việc đối phó với Pháp. "Liên minh Hanse" mới này có chung phân tích về Khu vực đồng euro với Berlin và sẽ ngăn chặn những ý tưởng cấp tiến hơn của Macron nếu Đức trở nên mềm mỏng.

Thứ tư, chính phủ mới của Italy, chiếm phần lớn là đảng Liên đoàn và Phong trào 5 sao hoài nghi châu Âu, thù địch với Đức, các nguyên tắc ngân sách Khu vực đồng euro và cải cách cấu trúc. Điều này khiến các chính trị gia ở Đức và các đồng minh của nước này vô cùng lo ngại trước bất kỳ kế hoạch nào có thể kéo theo việc chuyển tiền xuống phía Nam.

Pháp tự tin rằng Đức sẽ đồng ý để ESM hỗ trợ Quỹ giải quyết thống nhất. Liệu ESM có thể phát triển thành một Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF), như một số người Đức, kể cả Merkel trong bài phỏng vấn mới đây của bà trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ), đã đề xuất hay không? Dù không phản đối EMF về thực chất, nhưng người Pháp lo lắng về ý tưởng của Đức rằng nó nên mang tính liên chính phủ thuần túy và đảm nhận một số nhiệm vụ của Ủy ban châu Âu là giám sát các nền kinh tế và các gói cứu trợ. Pháp sẽ không đồng ý tái cơ cấu tự động nợ công nếu ESM/EMF cho vay, như mong muốn của một số người Đức, vì sợ rằng điều đó khiến các thị trường sợ hãi (bà Merkel đã đề xuất trao cho EMF quyền tiến hành tái cơ cấu).

Pháp muốn một ESM/EMF lớn hơn và muốn nó có thể dễ dàng trao các dòng tín dụng "phòng ngừa" - cho một nước chưa ở trong tình trạng xấu - hơn là ESM có thể làm hiện nay. Các quan chức Đức có thể chấp nhận cả hai ý tưởng, nhưng nhấn mạnh rằng hiệp ước ESM sẽ cần phải được sửa đổi. Họ nói thêm rằng các dòng tín dụng sẽ có điều kiện kèm theo.

[Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ kế hoạch cải cách Eurozone]

Đức không cho thấy dấu hiệu đồng ý với bảo hiểm tiền gửi ngân hàng liên châu Âu. Giống như các đồng minh của mình trong nhóm do Hà Lan đứng đầu, nước này coi đây là một kế hoạch của Nam Âu nhằm nắm lấy tiền tiết kiệm của các nước phía Bắc.

Bản thân ông Macron rất trung thành với một ngân sách Khu vực đồng euro, bên cạnh một ESM lớn hơn. Ý nghĩa của ESM là cho một nước vay khi nước đó không tiếp cận được các thị trường trái phiếu nữa.

Ngược lại, ngân sách này sẽ khuyến khích sự hội nhập và đầu tư Khu vực đồng euro, và giúp ổn định các nước thành viên vốn chịu những cú sốc bất đối xứng (những cú sốc tác động đến chỉ một nước). Nó sẽ được chi cho những thứ như đào tạo cũng như nghiên cứu và phát triển. Pháp muốn tất cả các nước đóng góp vào ngân sách trong thời điểm bình thường; các nước đang bị suy thoái, và vì thế cần giúp đỡ từ ngân sách này, sẽ được miễn đóng góp; và các đợt phát hành trái phiếu sẽ bù vào thâm hụt. Khi các nước gặp rắc rối tăng trưởng trở lại, họ sẽ trả lại cho ngân sách. ESM sẽ gây quỹ và Ủy ban châu Âu sẽ quyết định về chuyện giải ngân.

Đức có thể chấp nhận ý tưởng về một ngân sách thúc đẩy đầu tư, nhưng không phải chức năng bình ổn, và không phải các đợt phát hành trái phiếu mà có thể giống với "trái phiếu châu Âu" đáng sợ (gồm cả việc biến nợ công “thành của chung”). Ngay cả đối với chức năng đầu tư, Đức không nhận thấy tại sao Khu vực đồng euro lại điều hành ngân sách thay vì toàn bộ EU. Họ không thích ý tưởng Khu vực đồng euro trở thành một bên tham gia chính trị trên tư cách riêng, không bao gồm các nước không sử dụng đồng euro.

Ủy ban châu Âu mới đây đã công bố các kế hoạch cho một "chức năng bình ổn đầu tư châu Âu" trị giá 30 tỷ euro thuộc ngân sách EU rộng hơn, nhằm giúp các nước trong Khu vực đồng euro vượt qua những cú sốc bất cân xứng. Người Đức không thích mục đích đó, trong khi người Pháp kêu ca rằng đề xuất của Ủy ban châu Âu quá nhỏ (chỉ 0,25% của GDP Khu vực đồng euro). Kế hoạch của Ủy ban châu Âu sẽ khiến tiền phải đi kèm với điều kiện tuân thủ các nguyên tắc của hiệp ước bình ổn và tăng trưởng, và quy trình xử lý tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô, để bảo đảm với Đức rằng ngân sách sẽ không tạo ra rủi ro về đạo đức. Các quan chức Pháp sẽ đặt ra điều kiện đi kèm tương tự với ngân sách của họ. Nhưng người Đức vẫn phản đối bất kỳ kiểu ngân sách nào để xử lý các cú sốc bất cân xứng, ngay cả với điều kiện đi kèm.

Liên minh Hanse mới phản đối ngân sách của Macron giống như Đức. Các quan chức Italy đã ủng hộ Pháp và có thể đoán rằng các bậc thầy chính trị mới của họ sẽ thích những khoản cho vay từ ngân sách này, thậm chí là cả điều kiện đi kèm. Tây Ban Nha đã tập trung nhiều hơn vào liên minh ngân hàng nhưng chính phủ Xã hội mới của họ chắc chắn sẽ đồng cảm với suy nghĩ của Macron.

Một quan chức Đức cảnh báo rằng một ngân sách Khu vực đồng euro sẽ không bao giờ được Quốc hội Đức thông qua. Ông cho biết: "Chúng tôi sẽ thảo luận việc cải thiện ESM với 19 nước và ngân sách EU với 27 nước - ngân sách EU có thể chia nhỏ cho Khu vực đồng euro", và nói thêm rằng "trong trường hợp có một ngân sách EU lớn hơn (để giúp cho Khu vực đồng euro), chúng tôi sẽ xem xét."

Bà Merkel cho tờ FAZ hay rằng vẫn chưa rõ liệu ngân sách đầu tư Khu vực đồng euro nên được quản lý bên trong hay bên ngoài ngân sách EU, và nó có thể ở mức thấp vào "khoảng vài chục tỷ." Điều này khó có khả năng làm hài lòng Macron. Một quan chức Pháp phản ứng với bài phát biểu của bà khi nói "về EMU, rõ ràng nó đi đúng hướng nhưng không đủ - chúng tôi muốn vượt hẳn lên."

Paris và Berlin đã nhiều lần tức giận với nhau trong những tháng gần đây. Người Đức nghĩ Macron bị ám ảnh quá mức với đồng euro so với các vấn đề khác, như nhu cầu để nền kinh tế châu Âu cải tiến hơn và vấn đề di cư. Người Pháp đã thất vọng với sự bất lực của bà Merkel - trước bài phỏng vấn của tờ FAZ - để phản ứng với Macron.

Trong cuốn sách tiểu sử Macron mới rất xuất sắc của Sophie Pedder, ông nói với tác giả Pedder: "Đức phải đối mặt với một lựa chọn thật sự: Liệu nước này có muốn một mô hình châu Âu với một nước Đức bá quyền vốn không lâu bền, vì nó một phần phụ thuộc vào những cải cách dũng cảm mà Đức đã tiến hành 12 năm trước, và một phần vào những sự mất cân bằng trong Khu vực đồng euro. Hoặc liệu Đức có muốn cùng Pháp tham gia một bộ máy lãnh đạo châu Âu mới để tái cân bằng châu Âu, với nhiều sự đoàn kết hơn và cũng là một dự án hội nhập rõ rệt hơn."

Ông Macron nói với Pedder rằng nếu những sự mất cân bằng tiếp tục, "châu Âu sẽ rạn nứt." Ông tin rằng thặng dư ngân sách và tài khoản vãng lai của Đức là những sự mất cân bằng có nguy cơ làm bất ổn Khu vực đồng euro. Vì thế vào tháng Năm, khi bà Merkel trao cho ông giải thưởng Charlemagne ở Aachen, ông đã chỉ trích "Đức liên tục tôn sùng thặng dư ngân sách và tài khoản vãng lai, vì họ luôn tạo thặng dư nhờ nước khác chịu thiệt." Điều đó làm mất lòng Berlin, nơi thặng dư được coi là dấu hiệu của thành công quốc gia mà các nước khác nên làm theo.

Một quan chức của Berlin phản ứng: "Êkíp của Macron thật khó chịu, họ tìm cách bắt nạt Đức với những tuyên bố công khai rằng Merkel yếu kém hơn - việc đó đã phản tác dụng và không xây dựng được lòng tin. Sẽ tốt hơn nếu ông ấy nói với chúng tôi về việc thực hiện các ý tưởng chung. Trong bất kỳ trường hợp nào, nhiều sáng kiến của Macron là những ý tưởng cũ kỹ của Pháp và chủ yếu là về lợi ích của Pháp thay vì của châu Âu."

Đúng là các kế hoạch của Macron về một loạt thể chế mới, hoặc về một nhóm nòng cốt để lãnh đạo quá trình hội nhập Khu vực đồng euro, hoặc những giới hạn gần như mang tính bảo hộ trước đầu tư nước ngoài, đều rất Pháp. Nhưng ông cũng sẵn sàng nhượng lại quyền lực cho các thể chế EU, vốn có truyền thống ít mang chất Pháp hơn.

Bài phỏng vấn trên tờ FAZ của bà Merkel thừa nhận rất ít điều thực chất về Khu vực đồng euro, dù giọng điệu lịch sự của bài phỏng vấn đã giúp cải thiện không khí giữa Berlin và Paris. Nhưng sự thúc giục đã tiếp tục, đáng chú ý là về cách đối phó với chủ nghĩa bảo hộ của Donald Trump. Một số người Đức đổ lỗi một phần cho Pháp vì Trump áp đặt thuế quan đánh vào thép và nhôm của EU, nói rằng lập trường cứng rắn của Pháp trong cuộc tranh chấp này có thể đã ngăn cản một biện pháp thỏa hiệp. Tuy nhiên một số người Pháp đổ lỗi cho người Đức vì các loại thuế quan này: Bằng cách rất sẵn lòng thỏa hiệp, Đức đã thể hiện sự yếu kém, vì thế khuyến khích Trump, mà theo quan điểm của Pháp là người coi trọng sức mạnh, áp dụng một đường lối cứng rắn.

Pháp và Đức đương nhiên sẽ gặp nhau tại Hội đồng châu Âu vào cuối tháng 6, nơi sẽ phải giải quyết không chỉ vấn đề đồng euro mà còn Trump và thương mại, Brexit, các biện pháp trừng phạt Nga, cách xử lý chính phủ mới của Italy và cải cách quy chế tị nạn. Paris và Berlin biết rằng họ buộc phải tìm cách để làm việc cùng nhau, bất kể họ khiến nhau khó chịu đến mức nào. Thất bại của hội nghị thượng đỉnh G7 Quebec, mà sau đó Trump đã rút khỏi thông cáo chung, đã tạo ra cảm giác đoàn kết giữa Paris và Berlin.

Các quan chức Pháp đang tìm cách tô vẽ một vẻ bề ngoài tích cực cho quan hệ với Berlin, nhấn mạnh rằng họ đã làm việc cùng nhau để cải cách chỉ dẫn người lao động ở nước ngoài, họ muốn đánh thuế đối với những người khổng lồ công nghệ Mỹ, họ sẽ hợp tác về trí tuệ nhân tạo và họ đồng ý về một quỹ phòng thủ EU mới.

Về phòng thủ, bà Merkel đang hành động theo những cách làm hài lòng người Pháp. Bà nói với FAZ rằng bà sẽ ủng hộ "Sáng kiến can thiệp châu Âu" của Macron, một nhóm phòng thủ tiên phong mà trước đây Đức đã phản đối. Lý do căn bản của ông cho kế hoạch này là sự hợp tác cấu trúc lâu dài của EU - một câu lạc bộ thay thế do Đức ủng hộ - khó có thể đạt được một thỏa thuận lớn, vì với 25 thành viên, kết quả có khả năng là mẫu số chung nhỏ nhất. Macron muốn một nhóm chọn lọc hơn mà có thể hành động nhanh hơn, nằm ngoài cấu trúc EU, và có thể mở cửa để Anh tham gia. Bỉ, Estonia, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh muốn gia nhập.

Nhưng Sáng kiến can thiệp châu Âu khó có thể đủ để Macron cho thấy ông đang giành chiến thắng ở châu Âu. Đoàn tùy tùng của ông tin rằng nếu ông bị nhìn nhận là thất bại ở EU, và đáng chú ý là về cải cách Khu vực đồng euro, sẽ khó để ông tái đắc cử - một phần vì ông đã lớn tiếng về nghị trình châu Âu của mình khi chạy đua cho chức tổng thống.

Trong trung hạn, sự thất bại sẽ là một màn thể hiện tồi trong cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 5/2019 - hoặc đảng Tập hợp dân tộc (trước đây là Mặt trận dân tộc) giành nhiều phiếu hơn đảng Cộng hòa tiến bước của Macron, hoặc những người hoài nghi châu Âu sẽ trở thành khối lớn nhất trong Nghị viện châu Âu. Những quan ngại về cuộc bầu cử này giải thích phần nào sự cứng rắn trong lập trường của Pháp về Brexit: Cử tri phải thấy rằng việc rời khỏi EU mang theo những hậu quả rõ ràng và tiêu cực, vì lo sợ họ có thể bị lôi kéo bỏ phiếu cho Frexit (Pháp rút khỏi EU).

Những lo ngại đó ảnh hưởng đến các kế hoạch đầy tham vọng mà Macron duy trì để tái định hình bối cảnh địa chính trị châu Âu. Các cố vấn của ông nói việc Macron "phá hoại" chính trị châu Âu giống cách ông đã phá hoại hệ thống đảng của Pháp. Họ tin rằng cấu trúc hiện tại của các đảng hoạt động trên toàn EU - gồm Đảng các dân tộc châu Âu (EPP) trung hữu, Đảng xã hội châu Âu... - không bền vững và nên được cải tổ. Đảng Cộng hòa tiến bước chưa liên kết với những người theo đường lối tự do hay bất kỳ nhóm nào khác trong Nghị viện châu Âu.

Ông Macron, giống bà Merkel và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác, không thích hệ thống Spitzenkandidaten, theo đó ứng viên của đảng có nhiều nghị sĩ châu Âu nhất tự động trở thành chủ tịch Ủy ban châu Âu (Jean-Claude Juncker là chủ tịch đầu tiên được lựa chọn theo cách này). Mặc dù các đảng châu Âu có khả năng lựa chọn những ứng cử viên hàng đầu, nhưng các cố vấn của Macron tin rằng hệ thống này có thể không hiệu quả sau bầu cử. Họ nói về chuyện những nghị sĩ châu Âu rời bỏ các đảng đã tồn tại từ trước bằng cách gia nhập nhóm mới mang phong cách Macron, vốn cam kết với cải cách EU. Họ ám chỉ rằng Macron có thể trực tiếp lôi kéo cử tri các nước thành viên khác, hơn là cái đầu của các lãnh đạo nước họ.

Điều đó sẽ không được lòng bà Merkel và nhiều nhà lãnh đạo EU khác, đặc biệt là những người trong EPP, vốn muốn tiếp tục nắm các vị trí cấp cao của họ trong EU. Một quan chức Đức nói rằng cách tiếp cận như vậy sẽ khiến những người đứng đầu chính phủ không sẵn sàng ủng hộ các kế hoạch cải cách của Macron. Nhưng châu Âu sẽ phải quen với tham vọng không ngừng của ông Emanuel Macron./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục