Ngày 3/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký ban hành luật chống khủng bố sửa đổi nhằm tăng cường các nỗ lực chống khủng bố trong nước.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Tổng thống Philippines, ông Harry Roque, cho biết dự luật trên được ký ban hành sau khi Tổng thống Duterte và nhóm công tác pháp lý hoàn tất quá trình xem xét, đánh giá.
Tuyên bố nhấn mạnh khủng bố là một tội ác chống lại loài người, do đó, cuộc chiến chống khủng bố đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện nhằm kiểm soát các mối đe dọa.
[Tổng thống Philippines tuyên bố ngừng bắn với lực lượng nổi dậy]
Việc ký ban hành dự luật thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Philippines nhằm loại trừ các tổ chức khủng bố vốn lâu nay gieo rắc nỗi đau thương và khiếp sợ cho nhiều người dân nước này.
Luật chống khủng bố mới của Philippines, thay thế luật chống khủng bố ban hành năm 2007, sẽ nghiêm trị những đối tượng có hành vi xúi giục, kích động, hoặc âm mưu, tham gia lên kế hoạch, huấn luyện, chuẩn bị cho các vụ tấn công khủng bố, cũng như những đối tượng cung cấp tài chính và phụ trách tuyển mộ thành viên cho các tổ chức khủng bố.
Cụ thể, các đối tượng đe dọa tiến hành khủng bố, hoặc kích động, xúi giục người khác thực hiện các hành động khủng bố sẽ phải chịu mức án 12 năm tù giam, trong khi các đối tượng tự nguyện gia nhập một tổ chức khủng bố cũng đối mặt với mức án tương tự.
Ngoài ra, những đối tượng bị buộc tội âm mưu tiến hành khủng bố sẽ phải chịu mức án chung thân không ân xá.
Luật này cũng bao gồm một điểm gây tranh cãi đó là cho phép bắt giữ các nghi can khủng bố trong 14 ngày, có thể gia hạn thêm 10 ngày, mà không cần chờ lệnh.
Luật mới cũng mở đường cho việc thành lập một hội đồng chống khủng bố, có nhiệm vụ thực thi pháp luật.
Tổng thống Philippines ký ban hành luật chống khủng bố mới trong bối cảnh nước này tiếp tục đối mặt với các mối đe dọa từ các nhóm khủng bố trong nước, trong đó nguy hiểm hơn cả là nhóm Abu Sayyaf.
Một số nhóm khủng bố ở nước này thừa nhận có quan hệ với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng./.