Tổng thống Trump đề nghị Tòa án Tối cao chặn hàng triệu phiếu bầu

Đề nghị của Tổng thống Trump được đưa ra không lâu sau khi quan chức phụ trách tư pháp ở bang Texas khởi kiện ở 4 bang chiến địa Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin về những vi phạm bầu cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 9/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng 17 bang ở Mỹ đã bày tỏ ủng hộ vụ kiện của bang Texas, đề nghị Tòa án Tối cao nước này chặn hàng triệu phiếu bầu ở 4 bang "chiến địa" gồm Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.

Ông Trump đề nghị 9 thẩm phán Tòa án Tối cao cho phép ông can thiệp và trở thành bên nguyên đơn trong vụ kiện của bang Texas nhằm vào 4 bang chiến địa nói trên về những vi phạm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.

Nếu các thẩm phán cho phép ông Trump tham gia vụ kiện, đây sẽ là lần đầu tiên một Tổng thống đương nhiệm đề nghị Tòa án Tối cao ra quyết định không tính hàng triệu phiếu bầu ở 4 bang trên. Đây là những bang mà ông Trump từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, nhưng lại thất bại trước ông Biden trong cuộc bầu cử năm nay. 

Trong một diễn biến riêng rẽ, các luật sư của 17 bang do Tổng Chưởng lý Cộng Hòa bang Missouri, Eric Schmitt, đứng đầu cũng kêu gọi các thẩm phán Tòa án Tối cao thụ lý vụ kiện trên.

Đây là vụ kiện mới nhất trong một loạt thách thức pháp lý mà đội ngũ tranh cử của ông Trump và những người ủng hộ ông đặt ra từ sau cuộc bầu cử đến nay. Vụ việc lần này do Tổng Chưởng lý bang Texas, ông Ken Paxton khởi kiện, với lý do việc 4 bang trên kéo dài thời gian bỏ phiếu qua bưu điện do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là phạm pháp.

Ông Paxton đề nghị Tòa án Tối cao lập tức ngăn chặn 4 bang này sử dụng kết quả bỏ phiếu này để chọn đại cử tri, đồng thời đề nghị tòa hoãn việc cử tri đoàn chính thức bầu tổng thống ngày 14/12 tới.

Bên cạnh bang Missouri, các bang ủng hộ Texas gồm Alabama, Arkansas, Florida, Indiana, Kansas, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Utah và West Virginia. Tất cả các bang này đều đang do đảng Cộng hòa đại diện khởi kiện, dù chỉ có 3 bang trong số này có thống đốc thuộc đảng Cộng hòa.

Phản ứng trước diễn biến trên, giới chức bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin cho rằng vụ kiện trên là một cuộc tấn công liều lĩnh vào nền dân chủ, trong đó bên đơn đã khiếu kiện vượt cấp lên thẳng Tòa án Tối cao thay vì qua các tòa cấp thấp hơn theo quy định.

Các chuyên gia về luật bầu cử nhận định vụ kiện của bang Texas có ít cơ hội chiến thắng và thiếu căn cứ pháp lý. Một giáo sư về luật bầu cử ở Đại học Loyola Law tại bang California thậm chí cho rằng vụ kiện của bang Texas "không có cơ hội được Tòa án Tối cao thụ lý."

[Tòa án Tối cao Mỹ bác nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử ở Pennsylvania]

Trước đó, hầu hết mọi nỗ lực pháp lý hòng đảo ngược kết quả bầu cử của ông Trump đều đã thất bại.

Trong một diễn biến khác, toàn bộ 50 tiểu bang và thủ đô Washington DC đã hoàn tất việc chứng nhận kết quả bầu cử, bước tiếp theo để các đại cử tri đại diện cho bang của mình bỏ phiếu bầu Tổng thống mới vào ngày 14/12.

Truyền thông Mỹ dự báo, ông Joe Biden sẽ giành 306 phiếu đại cử tri, còn Tổng thống Trump chỉ được 232 phiếu. Theo lịch trình, ngày 20/1/2021 sẽ diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 46.

Liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, theo phóng viên TTXVN tại Washington, nền tảng chia sẻ video YouTube ngày 9/12 cấm đăng tải những video mới có nội dung cáo buộc giả mạo về tình trạng gian lận bầu cử, viện dẫn rằng đã có đủ các bang chính thức xác nhận ông Biden là tổng thống tiếp theo của Mỹ.

YouTube nêu rõ: “Đã có đủ các bang xác nhận kết quả bầu cử để đưa cựu Phó Tổng thống Biden trở thành người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Do đó, chúng tôi sẽ bắt đầu gỡ bỏ bất cứ nội dung nào đăng tải từ ngày hôm nay nếu những nội dung đó đánh lừa mọi người bằng cách cáo buộc rằng tình trạng gian lận trên diện rộng đã làm thay đổi kết quả bầu cử”.

Giới phê bình từ lâu đã kêu gọi nền tảng xã hội thuộc sở hữu của tập đoàn Google ngừng lưu trữ các video truyền bá những thông tin sai lệch về kết quả bầu cử. YouTube cho biết việc này phù hợp với điều họ đã làm trong các cuộc bầu cử trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục