Những ngày gần đây, nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kiến ba khoang - loại côn trùng phát triển mạnh vào mùa mưa tấn công.
Các bác sỹ khuyến cáo, khi bị nhiễm độc tố của kiến ba khoang, người dân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị đúng cách, hạn chế sử dụng các bài thuốc truyền miệng có thể khiến độc tố lây lan rộng.
Năm nào cũng thế, cứ đến mùa mưa là gia đình chị Trần Thị Thanh Linh, ngụ thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, lại khổ sở vì kiến ba khoang.
“Hầu như năm nào gia đình chúng tôi cũng bị viêm da do độc tố của kiến ba khoang, có những năm cả gia đình 3 người đều bị. Lúc nhẹ thì chỉ là một vùng viêm da nhỏ, thì chỉ bôi thuốc tầm khoảng 10 ngày đến 14 ngày sẽ hết; cá biệt, năm ngoái chồng tôi bị viêm da nặng, lan rộng, sốt cao phải nhập viện cấp cứu,” chị Linh kể. Chị Linh cho biết thêm, không chỉ gia đình chị mà nhiều người dân trong chung cư chị sinh sống cũng bị kiến ba khoang tấn công.
Đưa con trai đến Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh để khám bệnh, bà Phạm Ngọc Loan, ngụ tại một chung cư trên địa bàn quận 8, cho biết thời gian gần đây trong nhà bà xuất hiện rất nhiều kiến ba khoang.
Bà chia sẻ: “Con trai tôi tưởng là kiến bình thường nên bắt giết kiến bằng tay không, sau đó cháu không để ý nên dùng tay sờ khắp nơi lên mặt mình. Sáng mai ngủ dậy, mắt sưng húp, nổi mụn mủ, đỏ ngầu, hai tai cũng nổi mụn nước, ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống và bôi nhưng không cải thiện nên tôi đưa cháu đến bệnh viện khám.”
Bác sỹ Phạm Thị Uyển Nhi, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp thuộc Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thời gian gần đây, Bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Trung bình mỗi ngày có từ 50-70 trường hợp đến khám. Nhiều trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng rất nặng do áp dụng những phương pháp dân gian, tự điều trị hoặc điều trị tại những cơ sở không uy tín, gây tình trạng bội nhiễm và bệnh ngày càng nặng hơn. Đặc biệt, nhiều người nhầm tưởng bệnh zona thần kinh và viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang do chúng có những đặc điểm giống nhau.
Theo bác sỹ Uyển Nhi, mùa mưa có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho kiến ba khoang sinh sản và phát triển mạnh. Độc tố Pederinba có trong kiến ba khoang có thể gây rộp, phỏng da, viêm ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Tình trạng này sẽ bị lan rộng nếu việc chăm sóc vết thương không đúng cách, hoặc cào gãi chỗ vết thương.
Để hạn chế độc tố của kiến ba khoang, đầu tiên người dân nên rửa sạch vùng dịch tiết do kiến ba khoang tiết ra. Lưu ý rửa nhẹ nhàng, không chà xát mạnh, nhằm làm trôi bớt dịch độc của kiến ba khoang, nếu chà xát mạnh sẽ vô tình làm lây lan dịch tiết của kiến ba khoang khiến bệnh nặng thêm.
Người dân cũng nên hạn chế cào, gãi, chà xát, làm vỡ những mụn nước do kiến ba khoang gây ra. Khi thấy tình trạng da xuất hiện các mảng mụn nước, phồng rộp lớn, ngày càng có dấu hiệu lan rộng thì nên đến khám tại bệnh viện hoặc các bác sĩ chuyên khoa để được uống thuốc và sử dụng thuốc bôi đặc hiệu.
Bác sỹ Uyển Nhi cũng lưu ý khi bị độc tố của kiến ba khoang tấn công, người dân tuyệt đối không đắp lá, đắp thuốc, sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ… Điều này không những cải thiện tình hình mà còn làm cho tình trạng viêm da nặng hơn, có thể dẫn đến nhiễm trùng, vết thương sẽ lan rộng hơn.
Do kiến ba khoang có tập tính thích nơi khô ráo nên mùa mưa kiến ba khoang thích đi vào nhà người dân. Một đặc điểm đặc biệt của kiến ba khoang là chúng rất thích ánh sáng điện, đặc biệt là ánh sáng từ đèn huỳnh quang.
Các bác sỹ khuyến cáo trong mùa mưa người dân nên lắp đặt lưới phòng, chống côn trùng, giảm bớt ánh đèn trong nhà để hạn chế thu hút kiến ba khoang. Việc vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là những nơi dễ ẩn náu của các loại côn trùng như khe cửa, những vị trí ẩm thấp trong góc kẹt nhà, hạn chế phơi áo quần ban đêm… cũng sẽ góp phần ngăn chặn kiến ba khoang./.