Ngày 8/7, Kỳ họp thứ 6, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã bế mạc sau hơn 2 ngày làm việc, thông qua 40 Nghị quyết quan trọng nhằm tạo đà tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong 6 tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo.
Phát biểu bế mạc, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết kỳ họp thứ 6 đã thảo luận và biểu quyết thông qua 40 nghị quyết; trong đó có 4 nghị quyết về chế độ, cơ chế chính sách về xã hội-y tế-giáo dục, 3 nghị quyết về kế hoạch đầu tư, phân bổ vốn, 22 nghị quyết về chủ trương triển khai dự án và 11 nghị quyết về một số nội dung quan trọng khác.
Đây là những Nghị quyết rất quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân thời gian tới.
Thay mặt Hội đồng Nhân dân thành phố, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị ủy ban nhân dân thành phố, các cấp, ngành, địa phương thời gian tới tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tuyệt đối không chủ quan.
[Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công trên 95%]
Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị ủy ban nhân dân thành phố trong những tháng còn lại của năm 2022 tập trung giải quyết nhanh, hiệu quả một số nội dung chủ yếu như tiếp tục triển khai chiến lược y tế và theo dõi diễn biến dịch bệnh thế giới, trong nước; tăng cường khả năng phân tích, dự báo, chủ động các tình huống, biện pháp ứng phó khẩn cấp khi tình hình có diễn biến xấu; đẩy mạnh truyền thông, vận động mọi người đi tiêm vaccine.
Thành phố cần tăng cường, củng cố, bảo vệ hệ thống y tế các tuyến, nhất là tuyến cơ sở, rà soát hệ thống y tế tư nhân, củng cố lại hệ thống quân dân y, hệ thống Đông Tây y toàn thành phố; khẩn trương đưa trung tâm mua sắm vào hoạt động, tổ chức mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh theo thẩm quyền được giao, ổn định giá, quyết tâm không để ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đồng thời, thành phố triển khai tích cực các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của Thành ủy, ủy ban nhân dân thành phố trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội; chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn cung đầu vào cho sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, ổn định thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát; kiểm soát giá cả trên thị trường thông qua chương trình bình ổn giá của thành phố; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về giá.
Thành phố kiến nghị các bộ, ngành cần có giải pháp tổng thể để đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu, sắt thép dài hạn ổn định cho nền kinh tế.
Những tháng cuối năm, thành phố tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, giải quyết xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn tăng thêm sau khi Quốc hội, Chính phủ xem xét thông qua, cụ thể hóa giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng tốc thực hiện các dự án, nhất là dự án đã có chủ trương và chủ trương điều chỉnh đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Cùng với đó, thành phố tập trung triển khai các dự án đầu tư mới, dự án tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng, tập trung hoàn thành dự án đã kéo dài nhiều năm như, dự án bờ hữu sông Sài Gòn, Rạch Xuyên Tâm, dự án chống ngập, các công trình, dự án trọng điểm của thành phố, có tác động liên ngành, liên vùng (Vành đai 2, 3), hoàn chỉnh hệ thống giao thông công cộng: tuyến metro số 1, dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài…
Hội đồng Nhân dân thành phố yêu cầu tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, nhất là người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19; hỗ trợ, tạo điều kiện phục hồi và phát triển cho doanh nghiệp, ổn định thị trường lao động; thu hút người lao động trở lại thành phố làm việc.
Cùng với đó là đẩy nhanh thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, tập trung các chương trình kích cầu tiêu dùng, tiếp cận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội…
Bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh cần quan tâm tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; “quyết liệt hơn trong quản trị thực thi” nhằm góp phần giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, xem đây là công cụ hữu hiệu, cơ chế giúp đánh giá cán bộ khách quan, bảo vệ cán bộ có tinh thần “đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.”
Đặc biệt, cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho thành phố theo các chỉ số đô thị thông minh, thành phố toàn cầu của các tổ chức quốc tế đang đánh giá…
Lãnh đạo hội đồng nhân dân thành phố bày tỏ tin tưởng, với sự đồng tình ủng hộ, đồng tâm hiệp lực của người dân, sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, nhất là ý thức chính trị, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực để hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2022, chuẩn bị tiền đề cho năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025./.