Nạn cướp giật trên đường phố luôn là vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặc dù lực lượng Công an thành phố có nhiều nỗ lực trong công tác truy quét loại tội phạm này và đã từng bước giảm dần số vụ nhưng các đối tượng có nhiều thủ đoạn mới khiến người dân lo lắng.
Những “chiêu” cướp giật mới
Nói về tình hình cướp giật trên địa bàn quận 1, Thiếu tá Đỗ Thế Chính, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an quận 1 cho biết ngoài các thủ đoạn cũ như đối tượng cướp giật sử dụng xe phân khối lớn để áp sát nạn nhân, giật tài sản rồi bỏ chạy hoặc chặn đầu xe nạn nhân (thường là phụ nữ đi một mình) trong đêm khuya để cướp giật, thời gian gần đây bọn tội phạm có nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi, táo tợn nhằm vào các du khách ở khu vực trung tâm.
Điển hình là băng nhóm của Nguyễn Thành Tây (26 tuổi, quê Cần Thơ, tạm trú quận 7) mới bị Công an quận 1 bắt giữ ngày 16/7, quy tụ khá nhiều đối tượng nam chuyển giới “bắt mắt.”
Nhóm của Thành Tây không gây án kiểu băng nhóm mà thường đi hai tên trên một xe gắn máy. Các đối tượng chuyển giới tiếp cận nam du khách đang đi dạo tìm gái bán hoa.
Trong lúc "ôm vai bá cổ," chúng nhanh chóng rút trộm ví tiền, điện thoại di động hoặc táo bạo hơn là giật tài sản của nạn nhân, leo lên xe gắn máy của đồng bọn tẩu thoát.
Một đặc điểm nguy hiểm của tội phạm cướp giật trong thời gian gần đây là các đối tượng gây án có sử dụng ma túy “đá” khi hành sự.
Đơn cử vào tháng 8/2014, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá một băng nhóm cướp giật gồm nhiều đối tượng nghiện ma túy “đá.” Băng nhóm này tụ tập sống "bầy đàn" và thay phiên nhau đi cướp giật để có tiền tiêu xài.
Không ít lần chúng hành động trong lúc đang phê ma túy nên phóng xe bạt mạng, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng người đi đường.
Cũng do đang "phê" ma túy, những tên tội phạm này thường hành động một cách liều lĩnh với nạn nhân.
“Thủ lĩnh” nhóm cướp giật là Lưu Văn Lộc (tự Lộc “đen,” 22 tuổi, ngụ hẻm 401 Trần Bình Trọng, phường 1, quận 10), từng ngồi tù ba năm rưỡi về tội cướp giật tài sản.
Sau nhiều tháng kiên trì đeo bám, các trinh sát thuộc Đội 3 - Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã kịp thời bắt giữ các đối tượng, ngăn chặn mối hiểm nguy mà băng nhóm táo tợn này gây ra.
Cần sự phối hợp của người dân
“Nhằm đẩy lùi nạn cướp giật đường phố tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự tham gia phối hợp giữa lực lượng công an và người dân là rất quan trọng. Bên cạnh tăng cường tuần tra của các trinh sát đặc nhiệm trên đường phố, những tin báo của người dân khi thấy những đối tượng khả nghi là rất hữu ích,” Thiếu tá Đỗ Thế Chính khẳng định.
Theo một cán bộ Đội 3 - Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, người dân bị cướp cần khắc phục tâm lý e ngại, chủ động đến cơ quan công an để trình báo sự việc. Người dân nên chú ý ghi lại biển số xe, ghi nhận đặc điểm nhận dạng của kẻ cướp, thời gian và địa điểm bị cướp. Những chi tiết hữu ích này sẽ giúp lực lượng công an xử lý thông tin dễ dàng hơn.
Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định việc trình báo này sẽ mang lại rất nhiều tác dụng cho người dân khi tìm lại tài sản. Có thể trước mắt lực lượng công an chưa tìm thấy tài sản của người bị hại ngay, nhưng nhờ những chi tiết hồ sơ mà người dân khai báo, có những vụ cướp giật tài sản có tổ chức mà lực lượng công an khám phá sau đó đã tìm ra hàng chục tài sản của các nạn nhân.
Đồng thời, nếu đi trên đường, người dân phát hiện thấy những đối tượng khả nghi, nên báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, hoặc lực lượng phản ứng nhanh 113.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo Công an Thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm; đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; hạn chế thấp nhất các vụ xâm hại tài sản, tính mạng của người dân và du khách.
Lực lượng Công an Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh tuần tra ở cả các địa bàn vùng ven, phối hợp với những đội trật tự trên các địa bàn này.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu Ủy ban Nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, kiểm soát địa bàn; xác định địa điểm cấm bán hàng rong, đặc biệt tại khu vực các điểm tham quan, du lịch; chấm dứt tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường; thông báo số điện thoại đường dây nóng về an ninh trật tự du lịch.
Riêng Ủy ban Nhân dân quận 1 cần khẩn trương đưa dự án lắp đặt camera giám sát giao thông và phòng chống tội phạm vào hoạt động trước Tết Ất Mùi 2015./.