TP.HCM: Giảm thuế hàng nghìn tỷ đồng để "nuôi dưỡng" nguồn thu

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay, chính sách giảm thuế sẽ là phương thuốc trợ lực rất hiệu quả, "cấp cứu" ngay cho doanh nghiệp.
Làm thủ tục nộp thuế. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Dù tình hình thu ngân sách trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang diễn ra theo dự toán được giao, tuy nhiên số thu có dấu hiệu sụt giảm so với cùng kỳ trên cả 3 khoản thu chính.

Đặc biệt, số thu nội địa sụt giảm cho thấy tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức, cần có chính sách "nuôi dưỡng" nguồn thu hợp lý cũng như hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Thu ngân sách đã thực hiện 1/3 chặng đường

Theo số liệu của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt trên 170.021 tỷ đồng, đạt 36,2% dự toán và giảm 3,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do cả 3 khoản thu chính là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu đều sụt giảm so với cùng kỳ.

Cụ thể, thu nội địa ước thực hiện 118.346 tỷ đồng, đạt 38,5% dự toán, chiếm 69,6% tổng thu cân đối và giảm 1,9% so với cùng kỳ.

Trong khoản thu này, thu từ doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện 11.573 tỷ đồng, đạt 37,2% dự toán, chiếm 6,8% tổng thu và tăng 4,7%; thu từ khu vực ngoài Nhà nước ước thực hiện 39.494 tỷ đồng, đạt 45,3% dự toán, chiếm 23,2% tổng thu và tăng 11,2%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 10 ước thực hiện 28.738 tỷ đồng, đạt 45,3% dự toán, chiếm 16,9% tổng thu và tăng 2,4%.

Thu dầu thô ước thực hiện 8.585 tỷ đồng, đạt 53,7% dự toán, chiếm 5,1% tổng thu cân đối và giảm 6,6%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 43.090 tỷ đồng, đạt 29,6% dự toán, chiếm 25,3% tổng thu cân đối và giảm 6%.

Với tiến độ thu ngân sách hiện nay, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh nhận định thành phố có thể đảm bảo thu đủ theo dự toán gần 470.000 tỷ đồng mà Trung ương và Hội đồng Nhân dân thành phố đã giao cho năm 2023.

[Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí]

Tuy nhiên, nếu tính riêng số thu hàng ngày lại ghi nhận giảm dần. Theo ông Minh, lượng tiền mặt đổ về kho bạc đã giảm dần. Để đạt được tổng mức thu gần 470.000 tỷ đồng theo kế hoạch, trước đây mức thu bình quân mỗi ngày của Thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 1.700 đến 1.800 tỷ đồng, đến cuối tháng Ba và tháng Tư vừa qua, mức thu chỉ còn khoảng 1.500 tỷ đồng/ngày.

Đại diện Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nguyên nhân lớn nhất khiến số thu sụt giảm là do có liên quan đến khoản thu ở lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Năm 2022 khoản thu từ chuyển nhượng bất động sản và chứng khoán đang vận hành tốt. Tuy nhiên với những diễn biến thị trường đã xảy ra, hiện mức thu từ các hoạt động bất động sản đã giảm trên 50%, bao gồm cả thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và thu từ hoạt động chuyển nhượng của các công ty bất động sản. Bên cạnh đó, khoản thu từ dịch vụ chứng khoán cũng ghi nhận giảm trên 70% do thanh khoản thị trường sụt giảm sâu.

Dù đã đi qua 1/3 chặng đường và khả năng sẽ hoàn thành dự toán được giao, tuy nhiên áp lực lên hoạt động thu ngân sách ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn hiện hữu rất lớn khi kinh tế thành phố còn không ít khó khăn, thách thức.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng Tư vừa qua, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn giảm 9,6% về số lượng và giảm gần 25% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, số vốn doanh nghiệp đăng ký đầu tư bổ sung cũng giảm 59%. Tính chung, tổng vốn đăng ký và bổ sung trong tháng Tư vừa qua là hơn 240.000 tỷ đồng, giảm tới 43,33 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động trong tháng Tư ghi nhận tăng gần 24%, với gần 15.000 doanh nghiệp và chỉ có hơn 5.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 26% so với cùng kỳ; và có 1.207 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Mặt khác, đầu tư nước ngoài vốn là một trong những điểm sáng của Thành phố Hồ Chí Minh trước đây, hiện đang có chiều hướng giảm.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, thành phố thu hút được gần 980 triệu USD, giảm 23,45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tạo động lực từ chính sách tài khóa

Với tình hình khó khăn hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh các giải pháp thu đúng thu đủ, vấn đề nuôi dưỡng nguồn thu sẽ là trọng tâm mà Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ngành tài chính cần có giải pháp tập trung triển khai thực hiện trong những tháng còn lại của năm nay. Trong đó, chính sách tài khóa vẫn đóng vai trò quan trọng, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi và chống chịu với những tác động từ thách thức mới đặt ra.

Mới đây, ngày 14/4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Chính sách này đang được cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng sớm triển khai để doanh nghiệp có thêm cơ hội trụ qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh Lê Duy Minh cho biết theo tính toán của ngành thuế, những khoản hỗ trợ này sẽ dồn vào tháng 11-12/2023, có thể một phần qua tháng 1/2024.

Thành phố sẽ có khoảng 17.000 tỷ đồng tiền giảm thuế, đây sẽ là động lực giúp bổ sung ngay tài chính cho doanh nghiệp. Trong đó, tiền thuế giá trị gia tăng là 8.000 tỷ đồng, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp 7.000 tỷ đồng…

Mặt khác, hiện Chính phủ đang đề xuất quốc hội thông qua chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, từ 10% xuống còn 8%. Nếu chính sách này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, in ấn… như năm ngoái, các doanh nghiệp có thể được hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng khoảng 10.000 tỷ đồng trong năm 2023.

Tuy nhiên, nếu chính sách áp dụng giảm 2% cho tất cả các lĩnh vực chịu thuế giá trị gia tăng, khoản hỗ trợ này sẽ rất lớn. Hiện thành phố vẫn chưa tính toán được, tuy nhiên con số hỗ trợ có thể lên đến 15.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn còn có thể được hỗ trợ giảm thuế thông qua chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường; Quyết định 01/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

"Tổng số tiền giảm thuế trong năm 2023 ước tính lên tới 23.000 tỷ đồng, đây sẽ là nguồn lực hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, người dân Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua giai đoạn khó khăn này," ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc giảm thuế về cơ bản sẽ tác động đến tiến độ thu ngân sách được giao. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay, chính sách giảm thuế sẽ là phương thuốc trợ lực rất hiệu quả, "cấp cứu" ngay cho doanh nghiệp.

Việc thực hiện các chính sách này đã có tác động tích cực thúc đẩy duy trì và mở rộng sản xuất-kinh doanh, đồng thời tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó tăng thêm nguồn thu cho ngân sách… Đây cũng là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu căn cơ nhất ở thời điểm hiện nay.

Ngoài chính sách giảm thuế theo quy định của quốc hội, Chính phủ, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công cũng đang được lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện.

Tại hội nghị kinh tế-xã hội tổ chức mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong tháng Năm này và những tháng tiếp theo, các, sở, ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công, phấn đấu đến hết quý 2 giải ngân đầu tư công đạt 35% kế hoạch cả năm.

Thành phố tập trung giải ngân toàn bộ số vốn đã đăng ký và được giao cho các dự án; đề xuất điều chuyển vốn giữa các dự án đang triển khai hoặc bố trí mới cho các dự án chưa có trong kế hoạch vốn trước ngày 30/6 tới.

Song song đó, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các sở, ngành tập trung tháo gỡ tháo gỡ khó khăn về thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu; nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất thành phố tháo gỡ theo đúng thẩm quyền.

Những giải pháp này không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn làm cho người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, mà còn là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục