TP.HCM: Kiên quyết bài trừ tín dụng đen,​ hỗ trợ cấp vốn cho công nhân

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như truy quét tội phạm “tín dụng đen,” bóc xóa quảng cáo trái quy định, tăng cường các giải pháp tài chính, hỗ trợ tín dụng người lao động.
Các ban ngành, đoàn thể Quận 12 gỡ bỏ quảng cáo "tín dụng đen." (Ảnh: TTXVN phát)

Thời gian qua, lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân, người lao động, nhất là trong bối cảnh giảm, giãn việc làm, nạn cho vay nặng lãi hoành hành với những hình thức tinh vi, biến tướng, gây nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân.

Trước thực trạng trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: truy quét tội phạm “tín dụng đen,” ra quân bóc xóa quảng cáo trái quy định của các “ngân hàng cột điện;” tăng cường các giải pháp tài chính, hỗ trợ tín dụng… tạo điều kiện thuận lợi để người lao động dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn sạch, không vướng vào bẫy “tín dụng đen.”

Triệt phá nhiều ổ nhóm “tín dụng đen”

Hình ảnh quảng cáo cho vay tiêu dùng dán trên cột điện, tường nhà, phát tờ rơi quảng cáo, danh thiếp… với những nội dung như thủ tục đơn giản, nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản đã không còn xa lạ với người dân Thành phố Hồ Chí Minh, tiềm ẩn nguy cơ cho những người gặp khó khăn về tài chính rơi vào bẫy "tín dụng đen.”

Từ việc rà soát, bóc gỡ tờ rơi quảng cáo. thu gom số điện thoại cho vay tiền nhanh ở các khu vực dân cư, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá nhiều vụ cho vay lãi nặng do những băng nhóm “tín dụng đen,” “ngân hàng cột điện” thực hiện.

Mới đây, Công an thành phố Thủ Đức đã triệt phá hai “ngân hàng cột điện” thông qua việc rà soát các tờ rơi quảng cáo “tín dụng đen.”

Cụ thể, Đội Cảnh sát Hình sự Công an thành phố Thủ Đức phối hợp Công an phường Linh Trung tuần tra trên đường Kha Vạn Cân (phường Linh Trung), phát hiện hai đối tượng Phạm Duy Anh (30 tuổi), Đào Trọng Đức (27 tuổi), cùng quê Hải Phòng, đang đi dán tờ rơi với nội dung cho vay “tín dụng đen.”

Qua kiểm tra nhanh, lực lượng chức năng phát hiện số điện thoại 07854xxx quảng cáo cho vay các tờ rơi dán trên các cột điện, bờ tường... trùng với số điện thoại của Duy Anh nên đã đưa cả hai về trụ sở Công an làm việc.

Tại cơ quan Công an, Duy Anh thừa nhận đã cho 31 người vay tiền với hình thức tiền góp, lãi suất từ 142%/năm đến 1.825%/năm, tức là gấp từ 7,1 lần đến 91,25 lần so với quy định cho vay trong giao dịch dân sự; thu lợi bất chính hơn 122 triệu đồng.

Cũng qua công tác tuần tra, Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Thủ Đức phát hiện 2 đối tượng đang dán tờ rơi cho vay.

Làm việc với Công an, hai người này khai nhận đã cho khoảng 36 người vay với lãi suất từ 24-30%/tháng, cao gấp 11,7-18 lần so với lãi suất quy định. Tính tới thời điểm bị phát hiện, các đối tượng đã thu lợi bất chính từ những người vay tiền là hơn 119,2 triệu đồng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an Thành phố về việc kiên quyết truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng hành nghề “tín dụng đen,” cho vay lãi nặng, cùng với tuần tra, rà soát trực tiếp, Công an các quận huyện còn tăng cường nắm thông tin, khai thác mở rộng từ các vụ việc an ninh trật tự trên địa bàn.

Mới đây trên địa bàn Quận 12, từ một vụ tạt chất bẩn vào nhà hàng xóm để trả thù cá nhân, Công an Quận 12 tiếp tục mở rộng điều tra, qua đó phát hiện một đối tượng cho vay lãi suất cao với vỏ bọc tiểu thương.

Trước đó, tại phường Tân Thới Hiệp, Quận 12 xảy ra vụ tạt chất bẩn vào nhà, do Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1982, ngụ phường Tân Thới Hiệp, Quận 12) thuê người thực hiện vì mâu thuẫn giữa hai bên hàng xóm.

Công an quận Bình Tân yêu cầu 2 đối tượng gỡ quảng cáo "tín dụng đen." (Ảnh: TTXVN phát)

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an phát hiện Nguyễn Thanh Tùng là đối tượng chuyên sống bằng nghề cho vay lãi nặng, núp bóng dưới vỏ bọc người bỏ mối gà thịt cho các quán ăn.

Một “khách hàng” thường xuyên của Tùng là chị Lê Thị Thảo (sinh năm 1989, ngụ phường Hiệp Thành, Quận 12) làm nghề buôn bán ở một chợ đầu mối.

Biết chị Thảo đang hụt tiền và rất cần vay vốn làm ăn nên Tùng nhiều lần tiếp cận, mồi chài cho vay tiền và chị Thảo đã đồng ý. Khoảng tháng 5/2022, Tùng cho chị Thảo vay 200 triệu đồng với lãi suất 6%/tháng (tương đương tiền lãi là 12 triệu đồng/tháng), yêu cầu thế chấp xe ôtô nhãn hiệu Huyndai.

Tùng cắt lại lãi tháng 5/2022 số tiền 12 triệu đồng và đưa cho chị Thảo 188 triệu đồng. Trong hai tháng 6 và 7/2022, chị Thảo trả cho Tùng số tiền lãi là 12 triệu đồng/tháng.

Đến tháng 8/2022, sau khi đóng tiền lãi được 3 tháng với tổng số tiền 36 triệu đồng, chị Thảo trả cho Tùng số tiền đã vay là 200 triệu đồng, sau đó Tùng giao chiếc xe ôtô trên lại cho Thảo. Tùng thu lợi từ việc cho chị Thảo vay tiền là 36 triệu đồng.

Cũng với hình thức cho vay thế chấp xe ôtô trên, Nguyễn Thanh Tùng đã cho chị Thảo vay nhiều lần khác.

Từ kết quả điều tra xác minh và tài liệu thu thập được, Công an Quận 12 nhận thấy hành vi của Nguyễn Thanh Tùng cho vay tiền với lãi suất từ 12-20%/ tháng, tương đương từ 144 - 240%/năm, gấp từ 7-12 lần so với lãi suất cho phép quy định trong Bộ luật Dân sự là 20%/năm).

Cơ quan điều tra Công an quận đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thanh Tùng.

Phối hợp thực hiện tốt từ cơ sở

Bên cạnh việc chủ động đấu tranh tội phạm, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng Công an phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân... đồng loạt triển khai bóc gỡ, xóa các sản phẩm quảng cáo sai quy định, quảng cáo "tín dụng đen," lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, tập hợp các số điện thoại, địa chỉ, thông tin các đối tượng trên các tờ rơi... báo cho lực lượng Công an phường, xã, thị trấn để tập hợp về Công an thành phố phục vụ công tác điều tra, xử lý.

Để thực hiện tốt công tác ngay từ cơ sở, thời gian qua lực lượng Công an phường, xã trên toàn Thành phố đã tập trung đấu tranh bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, nhanh chóng tóm gọn những đối tượng đi dán quảng cáo, rao vặt… góp phần bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội, chỉnh trang mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố.

Ghi nhận tại Công an phường Võ Thị Sáu (Quận 3), để làm tốt công tác ngay từ cơ sở, Ban Chỉ huy Công an phường Võ Thị Sáu chỉ đạo lực lượng tham mưu, phối hợp các ngành chức năng đề xuất Ủy ban Nhân dân cùng cấp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi dán, vẽ quảng cáo sai quy định thông qua trích xuất hình ảnh từ camera an ninh tại địa bàn (theo thẩm quyền quy định của pháp luật); tổ chức ký cam kết hoặc chương trình phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội ở cơ sở để duy trì các đợt ra quân xử lý các tờ rơi, quảng cáo sai quy định tại nơi công cộng.

Các ban ngành, đoàn thể quận 12 gỡ bỏ quảng cáo "tín dụng đen." (Ảnh: TTXVN phát)

Lực lượng Công an cũng tăng cường kiểm tra, tổ chức cho các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ photocopy, in ấn ký cam kết không in ấn, sản xuất các sản phẩm quảng cáo liên quan đến cho vay tài chính trái pháp luật nhằm phòng ngừa tội phạm "tín dụng đen" lợi dụng hoạt động.

Công an phường cũng phối hợp Đội Cảnh sát Hình sự Công an Quận 3 tổ chức tập huấn nội dung tuyên truyền liên quan phòng, chống tội phạm "tín dụng đen" cho người dân trên địa bàn; in ấn các tờ rơi nhận diện về hoạt động này, phục vụ công tác tuyên truyền; định kỳ tổ chức họp rút kinh nghiệm, nhân rộng các giải pháp hay, cách làm hiệu quả...

Theo Trung tá Trần Văn Lơ, Phó trưởng Công an phường Võ Thị Sáu, Công an phường đã hướng dẫn việc tập hợp các số điện thoại, địa chỉ, thông tin các đối tượng "tín dụng đen" trên các tờ rơi; cung cấp các hình ảnh, clip tư liệu khi phát hiện các đối tượng được thuê dán trái phép các tờ rơi; tố giác địa điểm tổ chức hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn dân cư, báo cáo về Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố để tiến hành các hoạt động nghiệp vụ có liên quan.

Cách làm hay của Công an phường Võ Thị Sáu, Quận 3 đã được nhiều địa phương khác học hỏi, áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, Trưởng ban Chỉ đạo 138 Quận 12 chia sẻ hoạt động này cần được các ban ngành, đoàn thể và hệ thống chính trị địa phương, người dân sinh sống trên địa bàn quận hỗ trợ cùng lực lượng Công an thường xuyên tổ chức để tạo thành thói quen, hình thành nếp sống văn minh đô thị.

Hỗ trợ quản lý hiệu quả chi tiêu

Theo khảo sát của Tổ chức Tài chính Vi mô CEP (trực thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh), có hơn 90% công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhận biết được thế nào là "tín dụng đen" và tác động tiêu cực nếu vay lãi suất cao.

Trên 46% người được khảo sát cho biết bản thân hoặc người quen từng là nạn nhân của "tín dụng đen," hơn một nửa số người vay từng bị đe dọa, hành hung.

Đặc biệt, gần 20% người được khảo sát cho biết vẫn sẽ cân nhắc hoặc vay "tín dụng đen" do gặp rủi ro đột xuất trong cuộc sống, cần tiền để trang trải quá gấp mà không có dự phòng, vay tiền ở các tổ chức tài chính chính quy nhiều thủ tục, thời gian lâu...

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trao vốn CEP cho công nhân, người lao động. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Từ khảo sát trên, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Tổng Giám  đốc CEP cho biết đơn vị cùng tổ chức Công đoàn xây dựng đề án “Tổ chức Công đoàn phòng, chống tín dụng đen trong công nhân lao động," trọng tâm là tư vấn, tuyên truyền tác hại “tín dụng đen," hướng dẫn quản lý chi tiêu gia đình, giới thiệu sản phẩm-dịch vụ CEP, tặng quà hỗ trợ đoàn viên Công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

“Điểm nhấn của đề án là chương trình cho vay khẩn cấp, hỗ trợ khách hàng khoản vay nhỏ ngắn hạn để giải quyết các nhu cầu cấp thiết do bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh với lãi suất 0,5%/tháng; thủ tục, hồ sơ vay vốn đơn giản, dễ dàng. Chương trình tiết kiệm theo khoản vay nhằm giúp người lao động tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống…," ông Nguyễn Tấn Đạt chia sẻ.

CEP đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng với lãi suất thấp từ 0,4-0,72%/tháng và hoàn trả linh hoạt (hàng tuần hoặc tháng).

Các nhân viên CEP tận tình tư vấn sản phẩm phù hợp, phục vụ tại nơi ở hay nơi làm việc của khách hàng mà không thu thêm bất kỳ khoản phí nào trong suốt quá trình người lao động tham gia vay vốn.

Chị Chu Thị Thanh Thủy, người lao động vay vốn từ CEP cho biết với phương thức hoàn trả phù hợp, lãi suất thấp, vốn vay từ CEP giúp nhiều gia đình tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Nhiều người sau khi vay đã giới thiệu cho những người khác, nhất là lao động nghèo để nhận được sự trợ giúp an toàn.

Từ những khoản vay của CEP, nhiều người lao động đã sửa được nhà, chữa bệnh, đóng học phí cho con... Thông qua nguồn vốn kịp thời, CEP đã can thiệp kịp thời các trường hợp lún sâu vào “tín dụng đen.”

Ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức Tài chính Vi mô (CEP) trao vốn cho công nhân của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Topopto-Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7. (Ảnh: TTXVN phát)

Đồng hành cùng công nhân lao động trong nhiều năm qua, ông Võ Khắc Bình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 7 cũng xác nhận việc hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời với thủ tục nhanh gọn góp phần giải tỏa những bức bách cũng như hạn chế tối đa trường hợp người lao động tìm đến “tín dụng đen.”

Đặc biệt, việc tư vấn rõ, cụ thể phương pháp hoàn trả linh hoạt, hướng dẫn giải pháp tiết kiệm, quản lý chi tiêu gia đình hiệu quả giúp công nhân, người lao động không chỉ hiểu mà còn hình thành thói quen trong sinh hoạt, đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài.

Theo Liên đoàn Lao động thành phố, bình quân sau 3 năm tiếp cận nguồn vốn, công nhân, người lao động thành thị tăng thu nhập 38%, ở khu vực nông thôn tăng 22%.

Hoạt động của CEP góp phần cải thiện an sinh xã hội cho công nhân, người lao động, nhất là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen.”

Tăng nguồn vốn vay, mở rộng phạm vi, đối tượng

Hiện nay, ngoài hệ thống ngân hàng, ngân hàng chính sách, trên phạm vi cả nước có nhiều tổ chức tài chính hỗ trợ công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vay vốn hoặc mua sắm hàng hóa tiêu dùng gia đình trả góp.

Các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp với nhiều đối tác tổ chức hoạt động kết nối, tạo điều kiện để ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp tiếp cận, cung cấp dịch vụ phù hợp công nhân lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Công ty Tài chính Trách nhiệm Hữu hạn Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT) và Công ty Tài chính Trách nhiệm Hữu hạn HD Saison (HD Saison) thuộc HDBank triển khai gói vay ưu đãi 20.000 tỷ đồng.

Chương trình không chỉ trợ vốn cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp mà còn hướng đến xây dựng thói quen vay tiêu dùng văn minh, quản lý tài chính lành mạnh, hiệu quả...

Theo ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các hoạt động trên nhằm tăng cường nguồn vốn, mở rộng phạm vi, đối tượng; giải quyết nhu cầu vay vốn cấp thiết của công nhân, người lao động.

[Công an TP.HCM khởi tố 6 vụ và 32 bị can liên quan đến 'tín dụng đen']

Các cam kết giữa tổ chức Công đoàn và tổ chức tài chính không chỉ hỗ trợ lãi suất mà còn tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục thông thoáng giúp người lao động tiếp cận nguồn vốn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen.”

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn HD Saison chia sẻ về ưu đãi dành cho công nhân, người lao động như thủ tục nhanh gọn, lãi suất khoảng 15%.

Tổ chức Công đoàn giữ vai trò kết nối để người lao động tiếp cận gói vay với mức lãi suất thấp trên thị trường cho vay tín chấp hiện nay.

Tổ chức Tài chính Vi mô cùng Liên đoàn Lao động 9 tỉnh thực hiện nghi thức ký kết. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Mới đây, Tổ chức Tài chính Vi mô CEP đã ký kết phối hợp phòng, chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động với Liên đoàn Lao động 9 tỉnh phía Nam.

Trong giai đoạn 2023-2028, CEP đặt mục tiêu cung cấp sản phẩm tín dụng cho 1,4 triệu lượt công nhân, hộ gia đình với hơn 50.000 tỷ đồng.

Các đơn vị tham gia ký kết tăng cường phối hợp, cam kết, trách nhiệm và hiệu quả trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, giảm thiểu tác hại “tín dụng đen."

Các bên ký kết tăng khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ của CEP cho người lao động; nâng cao kiến thức tài chính, phòng tránh “tín dụng đen” và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân; bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động.

Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, các hoạt động của tổ chức tài chính đã và đang góp phần phòng, chống “tín dụng đen” trong công nhân hiệu quả, thiết thực.

Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động.

Để phòng chống “tín dụng đen," đáp ứng nhu cầu vay vốn, phát triển của đoàn viên Công đoàn và người lao động, tổ chức tài chính cần tăng nguồn vốn, tăng tỷ lệ cho vay, mở rộng phạm vi hoạt động.

Các đơn vị cần có chiến lược phát triển bài bản, đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ, quản trị rủi ro, nhất là quản trị thanh khoản, tính toán phù hợp về nguồn vốn, dòng tiền, cơ cấu cho vay dài hạn, ngắn hạn… để luôn đảm bảo an toàn.

Ngân hàng Nhà nước sớm công khai tên các tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động giúp công nhân, người lao động khi có nhu cầu vay vốn dễ dàng chọn lọc, tránh bị rơi vào bẫy “tín dụng đen”...

Theo Liên đoàn Lao động thành phố, để bảo vệ quyền lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động và cán bộ Công đoàn, giúp họ yên tâm lao động sản xuất góp phần giữ vững an ninh trật tự, các cấp Công đoàn đang phát huy vai trò của mình, tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen," giúp công nhân lao động nhận biết, cảnh giác, tố giác.

Công đoàn chủ động triển khai nhiều chương trình phúc lợi đoàn viên; tập trung chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động về lương, thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ, có chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn…

Có thể thấy, việc đồng loạt ra quân phòng, chống “tín dụng đen” của các cấp, ngành chức năng, Mặt trận, đoàn thể thành phố cùng tổ chức tài chính, tín dụng ngân hàng và chính quyền địa phương đã góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, không để “tín dụng đen” thâm nhập vào trong cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục