TP.HCM tăng cường quy chế phối hợp để kéo giảm tai nạn lao động

Việc thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công tác điều tra tai nạn lao động.

Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Quy chế phối hợp nhằm giảm tai nạn lao động. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Quy chế phối hợp nhằm giảm tai nạn lao động. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chiều 11/12, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm trên địa bàn Thành phố.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết việc tổ chức, thực hiện nghiêm túc Luật An toàn, Vệ sinh lao động, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, Vệ sinh lao động của Chính phủ sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, nhất là tai nạn gây chết người, có dấu hiệu tội phạm.

Đặc biệt, việc thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công tác điều tra tai nạn lao động, giúp Đoàn điều tra tai nạn lao động Thành phố kết luận các vụ tai nạn lao động nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hiệu quả, giải quyết tốt các chế độ cho người lao động.

"Tuy số vụ tai nạn lao động có chiều hướng giảm nhưng qua thanh tra, kiểm tra, điều tra cho thấy, việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của một số doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sử dụng lao động vẫn chưa đảm bảo theo quy định. Công tác chỉ đạo, phân tích, dự báo tình hình, phối hợp triển khai các nội dung quản lý Nhà nước giữa các sở, ban, ngành và địa phương chưa đạt hiệu quả theo yêu cầu, cần phải khắc phục...," ông Dương Anh Đức chia sẻ.

Từ thực tiễn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường khả năng phân tích, dự báo, cập nhật kịp thời tình hình an toàn, vệ sinh lao động; nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; kịp thời khen thưởng, nhân rộng các điển hình trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị Sở Y tế tổ chức hướng dẫn, thực hiện các văn bản về vệ sinh lao động; vận động thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe người lao động, đảm bảo môi trường, điều kiện, các chế độ cho người lao động; tham mưu xây dựng các chế độ, chính sách vệ sinh lao động phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Liên đoàn Lao động chỉ đạo Công đoàn cơ sở, Ban Quản lý Khu công nghệ Cao và Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ Cao Thành phố thực hiện tốt chức năng giám sát, đảm bảo các chế độ, bảo vệ quyền lợi người lao động; tuyên truyền thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và địa bàn quản lý.

Đối với lực lượng Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân, ông Dương Anh Đức yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tai nạn lao động, nâng cao hiệu quả, tính chính xác của hoạt động điều tra tai nạn lao động; thực hiện tốt công tác phối hợp, phản hồi kết quả điều tra đối với các vụ tai nạn đã được kiến nghị khởi tố.

Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá công tác phối hợp điều tra tai nạn lao động, trao đổi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế; từ đó, góp ý sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp điều tra tai nạn lao động phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, những năm gần đây Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương đứng đầu cả nước về số vụ tai nạn lao động, số vụ tai nạn chết người, trong đó có một phần nguyên nhân do quy mô dân số, quy mô lao động rất lớn.

Kết quả giám sát của Sở cho thấy thái độ chấp hành quy định pháp luật về vệ sinh, an toàn lao động của các chủ đầu tư, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là công nhân tham gia trục tiếp quá trình xây dựng, sản xuất chưa cao. Nguyên nhân khác là do công tác phối hợp chưa tốt, xử lý vi phạm chưa hiệu quả, chưa đủ sức răn đe nên tình hình chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp, người lao động chưa thực sự tốt.

Tại Hội nghị, lãnh đạo 3 ngành đã lấy ý kiến góp ý, tổng hợp quy chế sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp điều tra tai nạn lao động; xây dựng quy chế mới với quy định hoàn thiện hơn.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ 1/1/2019 đến 30/10/2023, Công an Thành phố đã thụ lý điều tra 32 vụ án, 40 bị can vi phạm quy định về an toàn lao động, về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; đề nghị truy tố 25 vụ án, 38 bị can.

Trong giai đoạn này, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố thụ lý 27 vụ án với 27 bị can, khởi tố về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” và truy tố 24 vụ với 27 bị can, đưa ra xét xử 23 vụ với 26 bị can.

Nhân dịp này, lãnh đạo 3 ngành đã tiến hành ký kết Quy chế phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục