Trải lòng của "Công chúa Hàng Đào" - người Việt chuyển giới đầu tiên

Hành trình tìm lại bản thân ở tuổi 54 của cô Tuấn, người được biệt danh là "Công chúa Hàng Đào," trong những năm 90 thế kỷ trước và cách cô sống để lại cho người viết một ấn tượng đặc biệt.

Người dân khu ven Hồ Gươm, hoặc những người thích càphê phố cổ ai cũng biết cô Tuấn, người phụ nữ đặc biệt có biệt danh vui là “Công chúa Hàng Đào.”

Cô Tuấn cũng được cộng đồng LGBT mặc định là người chuyển giới đầu tiên của Việt Nam.

Hành trình tìm lại bản thân ở tuổi 54 của cô Tuấn trong những năm 90 thế kỷ trước và cách cô sống để lại cho người viết một ấn tượng đặc biệt.

“Công chúa Hàng Đào” sống trong căn nhà chưa đầy 5m2, người cao quá 1m6, muốn bước vào phải khom lưng, một nơi bí bách đến nỗi cứ vào nhà là điện thoại mất sóng. Nhưng “không thể không đẹp” là tuyên ngôn của người phụ nữ 72 tuổi mỗi lần bước chân ra phố.

Công chúa Hàng Đào - gương mặt thân quen của người dân phố cổ, khu vực ven Hồ Gươm.

"Phố cổ là một phần đời của tôi, và tôi chỉ thích những nơi ồn ào, đông đúc," cô Tuấn nhắc lại nhiều lần điều ấy trong cuộc trò chuyện với người viết. Có lẽ, đó là một phần quan trọng giúp cô quên đi những thứ khó bù đắp của một người đã nỗ lực sống, nỗ lực vui vầy với cuộc đời, bất chấp có những lúc cuộc sống không dành cho cô nụ cười.

Đợi về hưu để tìm lại chính mình

- Chỉ có một mình cô sống ở đây sao?

- Tôi sống một mình ở Hàng Đào, có một cậu em trên phố Hàng Đường, còn lại gia đình đã chuyển hết vào Sài Gòn, sau năm 1975.

- Cô có giọng lạ lắm – nó có nguyên nhân đặc biệt nào không?

​- Từ lúc bố mẹ sinh ra, giới tính của tôi đã bị ngược. Giọng nói khác, thân hình khác, tâm tư khác. Một ngày tôi nhận ra, giới tính mình cũng khác. Tôi là một cô gái nhưng đã sống trong thân hình đàn ông hơn nửa thế kỷ. Mãi đến ngoài 50 tuổi, nghỉ dạy (trước đó cô Tuấn là giáo viên dạy tiếng Pháp – PV), tôi mới quyết định tìm về bản ngã.

Tôi phẫu thuật chuyển giới những năm 90 ở thế kỷ trước. Ngày ấy, chuyện đó không đơn giản như bây giờ, nhưng tôi đã nghĩ suốt bao năm, trời sinh mình ra như thế, phải sống đúng như thế chứ. Dù tôi biết, cái cây mọc hơi nghiêng một tí không thể sửa lại cho thẳng được. Nhưng kệ đời, phải sống cho mình.

- Những ngày tháng trong vỏ bọc đàn ông, cô sống thế nào?

- Lúc đó người đời chưa thông cảm, họ nhìn mình bằng những ánh nhìn lạ lẫm. Gia đình biết nhưng chỉ thương thôi, chẳng ai sống thay mình được. Có lúc bố mẹ khuyên tôi lấy vợ với hy vọng biết đâu sẽ thay đổi được tâm lý. Nhưng tôi hiểu bản thân, không thể làm thế được.

Hình ảnh cô Tuấn thời khi mới phẫu thuật chuyển giới thành công.

Khi đi học, thấy mình trắng trẻo, điệu đà, các bạn gọi là Tuấn “gái.” Nhà có mấy người cùng tên Tuấn, nhưng chỉ cần gọi Tuấn “gái” là tôi đi ra.

Ngày tôi đi dạy học vẫn đang là kháng chiến chống Mỹ, nhỏ nhắn lắm, có 39kg thôi. Lúc sơ tán chỉ được mặc hai màu đen, nâu, chân đi dôi dép cao su lộ ra làn da trắng, ai nhìn vào cũng bảo sao đẹp thế, yêu thế. Nhiều sinh viên mê thầy nhưng tôi biết phận mình, chỉ dám có cảm tình.

Tôi đến bệnh viện 108, bác sỹ khuyên sang Thái Lan vì lúc đó ở Việt Nam chưa đủ kinh nghiệm thực hiện. Ở vai một người mang vải đi may, chiếc áo có thể bị hỏng nhưng cũng có thể đẹp, mình phải liều.

Tôi một mình sang Thái Lan tìm hiểu về quy trình, mặt lợi và hại. Lúc quyết định phẫu thuật, bạn trai cùng đi với tôi sang đó, hai đứa ở lại 4 tháng. Đó là quãng thời gian đau đớn nhưng hạnh phúc nhất, vì có người yêu ở bên chăm sóc, động viên như một tri kỷ. Nhờ thế, tôi đi qua những lúc cơn đau tưởng chết đi sống lại.

Tôi nghĩ hạnh phúc ở ngay sát bên rồi, được trở thành con gái, chìm đắm trong tình yêu, bàn tay thô dần thon lại, thích ơi là thích.

Khoảnh khắc chứng kiến cơ thể thay đổi cùng người yêu kỳ diệu lắm, không diễn tả đủ bằng lời. Nhưng, hạnh phúc có lẽ luôn là cái đích không dễ của con người.

Cuộc đời đối với mình ra sao cứ kệ đời ở đấy!

- Điều gì đã xảy ra sau khi cô tìm thấy chính mình?

- Đời là hiện thực, đôi khi nó quá phũ phàng. Khi đang được sống những ngày hạnh phúc thì gia đình người yêu bắt anh ấy đi lấy vợ, vì họ biết tôi dù xinh đẹp cũng không thể sinh con. Anh ấy nói một câu mà tôi buồn đến tận hôm nay: "Bây giờ dù trong hình hài phụ nữ em vẫn không đẻ được. Bố mẹ anh muốn có một đứa cháu nối dõi tông đường, em không làm được nên chúng ta chia tay.”

Tôi nhận ra sự thật rằng đàn ông dù yêu quý mình đến đâu cũng không chấp nhận được mình, vì gia đình sẽ bắt họ phải thực hiện nghĩa vụ “nối dõi.” Tôi ngày càng hiểu phụ nữ rất thiệt thòi, nếu không tự yêu thì sẽ… chết (cười).

- Bây giờ, người chyển giới ngày càng nhiều hơn, xã hội cũng công nhận họ hơn. Cô thì thấy sao?

- Vẻ ngoài là thế chứ tôi nghĩ mọi thứ không khác nhiều. Nếu đàn ông yêu bạn, rồi vẫn sẽ đến một ngày họ rời xa bạn. Tôi đã thấy hầu hết người chuyển giới ở Việt Nam không ai hạnh phúc. Người ta có thể không ném cho họ cái nhìn như người xa lạ, nhưng chấp nhận thì không. Tôi biết và quen hầu hết họ, từ Cindy Thái Tài, Hương Giang Idol hay Lâm Chi Khanh, có mấy ai hạnh phúc dài lâu trong một mối tình đâu.

Thế giới tưởng rất công bằng nhưng chúng tôi vẫn cô đơn lắm. Đó là lý do tụi tôi tìm đến nhau, kết nối với nhau để ít ra tìm được sự đồng cảm cùng nhau.

- Vẫn thấy cô yêu đời và trẻ trung ở tuổi 70, con đường của cô là gì?

- Đời không cho mình niềm vui mình phải tự tìm chứ. Tôi đi hát ở các phòng trà hoặc đi chơi. Có một sự thật là, nếu mình mở lòng với mọi người, mình sẽ thu về niềm vui. Ai không thích, mình bỏ qua, đừng để già đi vì suy nghĩ. Tôi cũng biết sự thật là, mình được sống với con người thật là hạnh phúc lắm rồi, có nhiều người không làm được vậy, tại sao ta không chan hòa với cuộc đời. Cuộc đời đối với mình ra sao thì kệ đời ở đấy là được rồi. Đúng không?

Khi già quá, nếu không đi chơi được nữa thì vào viện dưỡng lão. Viện thì ở xa trung tâm, không đông đúc như khu phố này. Nhưng ở trong đó, sinh hoạt các cụ với nhau có thể nảy sinh tình bạn lắm chứ, hội họp trong những phòng chung rồi này nọ… Vậy cũng được rồi.

'Ra phố là phải… đẹp' - tuyên ngôn của “Công chúa Hàng Đào” về thời trang.

Thời trang của tôi á? Phải mặc theo… thời tiết!

- Chúng tôi tìm thấy cô trên phố, bị cô mê hoặc vì những bộ đồ cô khoác trên người đấy. Cô học ở đâu cách phối đồ đẹp vậy?

- Tôi tự nghĩ thôi. Mặc đồ soi gương thấy cái gì chưa ăn nhập là phải sửa. Chỉ chuẩn bị đi bộ ngoài đường với bạn tôi cũng nghĩ phải mặc bộ này kết hợp với dây chuyền nào, đi đôi giày kiểu gì. Nếu buổi chiều thì phải mặc ra sao và… lên đồ theo thời tiết nữa. Trời mưa phải mặc thế nào cho hợp, nắng thì phối cách gì…

Tôi nghĩ cứ như vậy hình thành một phong cách riêng, không giống ai và không ai bắt chước được.

- Cô có màu đặc biệt yêu thích chứ?

- Chả có nguyên tắc cụ thể, tôi tin vào việc người ta phải có mắt nhìn thật tốt. Như mấy hình này (cô Tuấn chỉ chỉ cho xem hình - PV), nếu mặc với măngtô dài phần cổ phải có lông để không bị trơ mà vẫn sang, mặc măngtô nâu thì áo trong phải là màu đen hoặc màu vàng cho trẻ trung. Nếu mặc cả cây đen người sẽ bị dài thượt, mà mình cao nên phải thêm thắt lưng để tạo điểm nhấn. Mặc váy hoa, cách tạo dáng đi đứng phải mềm mại uyển chuyển hơn…

Không rõ mọi người thế nào, từ bé tôi đã ý thức được cơ thể mình ra sao để lựa đồ. Dáng tôi cao, gầy nên chọn những trang phục hơi rộng, có họa tiết để nhìn đỡ thô cứng. Tất nhiên cũng có thể do tham gia nghệ thuật nên tôi nhạy cảm về thời trang hơn.

- Biệt danh “Công chúa Hàng Đào” của cô bắt nguồn từ đâu?

​- Tôi ra đường, mỗi ngày một mốt, có những đồ tự nghĩ kiểu may, có đồ đi mua. Ai cũng bảo tôi dùng đồ có một không hai, có nghĩa là lạ, khác người bình thường. Có thể do mình sinh ra trong một gia đình nề nếp nên dáng dấp, phong cách của tôi không bị hòa lẫn với nhiều người. Biệt danh “công chúa Hàng Đào” dần dần từ đó mà ra.

Già rồi không ăn mặc màu sắc như hồi trẻ được nữa. Nhưng nguyên tắc bất dịch từ trẻ là phải… đẹp.

- Gọi là “công chúa” chắc gia đình cô hẳn khá giả lắm!?

- Nhà tôi làm kinh doanh, ngày xưa gia đình tôi sở hữu Tràng Tiền Plaza. Bố mẹ từng có chuỗi cửa hàng vàng với đồng hồ Omega Đức Minh - Đức Âm, thế hệ người Hà Nội cũ chắc đều biết. Nhà tôi ở khu hồ Ha-le (hồ Thiền Quang) rộng lắm, đến 800m2. Hồi đó chưa có ai bán nhà được ​1.000 cây vàng mà nhà tôi bán được 1.200 cây, nhờ thế tôi mới mua được cái nhà Hàng Đào này.

- Cảm ơn những chia sẻ của cô!

Sau khi nghỉ dạy tiếng Pháp, cô Tuấn (tên thật Bùi Tuấn Anh) chuyển giới và tham gia hát tại nhiều phòng trà Hà Nội dưới nghệ danh Kiều Lan.

Là một trong số bảy người con của ông Đức Minh (tên thật Bùi Đình Thản), vốn là một thương gia có tiếng trong nghề kim hoàn ở đất Hà Thành và dân “chơi tranh” có tiếng thời trước năm 1954.

Tràng Tiền Plaza ngày nay chính là một trong những dấu vết cũ về cửa hàng của thương hiệu kim hoàn Đức Minh-Đức Âm thời đó. Gia đình cô Tuấn sở hữu một ngôi biệt thự rộng 800m2 bên hồ Hale (hồ Thiền Quang).

Năm 1999, sau khi quyết định chuyển vào Sài Gòn, gia đình bán căn biệt thự với giá cao kỷ lục thời đó là 1.200 cây vàng. Cô Tuấn phẫu thuật chuyển giới cũng vào thời gian này.

Bài: Mai Hiên-Kim Huệ
Ảnh: Trần Việt

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục