Tranh cãi việc thu giữ các thiết bị điện tử của bà Mạnh Vãn Châu

Việc cơ quan chức năng Canada thu giữ các thiết bị điện tử của Giám đốc Tài chính (CFO) Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Châu đang gây ra tranh cãi trong các phiên tòa gần đây.
Bà Mạnh Vãn Châu (trái) rời tòa án ở Vancouver, Canada. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trong phiên toà ngày 1/10 tại Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia, Canada ngày 1/10, luật sư đại diện cho Chính phủ Canada, Diba Majzub cho rằng các nhân viên của Cơ quan Biên phòng Canada đã sơ suất khi cung cấp cho Cảnh sát Hoàng gia Canada mật khẩu của các thiết bị điện tử cá nhân của Giám đốc Tài chính (CFO) Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Châu.

Ông Majzub nhấn mạnh đây không phải là hành động có chủ ý, mà là một sơ suất.

Những thông tin công bố tại tòa cho biết các nhân viên của Cơ quan Biên phòng Canada đã thẩm vấn bà Mạnh 3 giờ tại sân bay Vancouver ngày 1/12/2018, trước khi Cảnh sát Hoàng gia Canada thực hiện lệnh tạm giam vị CFO này. Các nhân viên của Cơ quan Biên phòng Canada đã thu giữ điện thoại di động, máy tính bảng, cùng một số thiết bị khác và viết mật khẩu của bà Mạnh vào một mảnh giấy, sau đó chuyển giao cho Cảnh sát Hoàng gia Canada. Cơ quan Biên phòng Canada sau đó đã phát hiện ra sơ suất trên và yêu cầu Cảnh sát Hoàng gia Canada không được dùng hay chia sẻ mật khẩu này. Cảnh sát Hoàng gia Canada cho biết cơ quan này đã không sử dụng mật khẩu, nhưng không thể đưa trả lại vì đây là một phần bằng chứng trước tòa.

Chính quyền Washington đã yêu cầu Ottawa dẫn độ bà Mạnh về Mỹ với cáo buộc bà vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Iran. Các luật sư của bà Mạnh cho rằng các nhân viên công vụ của Cơ quan Biên phòng Canada, Cảnh sát Hoàng gia Canada và Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã “hiệp lực” tiến hành điều tra “lén lút” thân chủ của mình tại sân bay Vancouver ngày 1/12/2018, vi phạm các quyền của bà Mạnh theo hiến pháp. Ông Majzub giải thích rằng Cơ quan Biên phòng Canada có nhiệm vụ phải xem xét các nguy cơ liên quan đến tội phạm nước ngoài một cách nghiêm túc. Cơ quan Biên phòng Canada thu giữ các thiết bị điện tử của bà Mạnh nhưng không tiến hành lục soát các thiết bị này.

[Tiến trình dẫn độ CFO của Huawei sang Mỹ có thể kéo dài tới 2020]

Nỗ lực đấu tranh chống lại lệnh dẫn độ của Mỹ, bà Mạnh và đội ngũ pháp lý của mình đang tìm kiếm thêm tài liệu phục vụ cho phiên tòa xem xét dẫn độ bà được mở vào tháng 1/2020 và dự kiến sẽ kéo dài tới tháng 10 hoặc tháng 11 năm 2020.

Việc bà Mạnh bị Ottawa bắt giữ đã đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc vào tình trạng khủng hoảng. Ngay sau khi bà Mạnh bị Ottawa bắt giữ, Trung Quốc đã tiến hành giam giữ hai công dân Canada với cáo buộc làm gián điệp, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với một loạt nông sản Canada./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục