Cái gọi là "Trật tự thế giới tự do" dường như đã trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết với việc Chiến tranh Lạnh kết thúc và sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng giờ đây, 1/4 thế kỷ sau đó, tương lai của nó lại trở nên không chắc chắn.
Việc Mỹ quyết định từ bỏ vai trò "Sen đầm thế giới" mà nước này đảm đương trong hơn bảy thập kỷ qua đánh dấu một bước ngoặt. Trật tự thế giới tự do giờ đây không thể tự tồn tại được nữa, do các nước khác không những không còn quan tâm mà còn thiếu phương tiện để duy trì nó.
Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng các Quan hệ đối ngoại, tác giả cuốn "Một thế giới hỗn loạn," đã đưa ra nhận định như vậy trong bài viết "Trật tự thế giới tự do-Hãy yên giấc ngàn thu."
Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.
Sau quãng thời gian kéo dài liên tục trong gần 1.000 năm, theo như cách nói châm biếm của Voltaire - nhà triết học đồng thời là nhà văn người Pháp, Đế chế La Mã thần thánh mờ nhạt đã không còn thần thánh, không còn là La Mã, cũng như không còn là một đế quốc nữa.
Giờ đây, khoảng hai thế kỷ rưỡi sau đó, nếu diễn giải theo cách nói của Voltaire, thì vấn đề rắc rối hiện nay là trật tự thế giới tự do hiện không mang tính tự do, không mang phạm vi toàn cầu, cũng như không còn trật tự nữa.
Mỹ, phối hợp chặt chẽ với Anh và các nước khác, đã thiết lập ra trật tự thế giới tự do tiếp sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Mục đích của việc làm này là đảm bảo rằng những điều kiện mà chúng đã dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới trong 30 năm trước đó sẽ không bao giờ xuất hiện trở lại.
Nhằm mục tiêu đó, các nước “dân chủ” bắt đầu lập ra một hệ thống quốc tế tự do, theo nghĩa là nó dựa trên sự cai trị của pháp luật và tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các quyền con người sẽ được bảo vệ. Tất cả những điều này sẽ được áp dụng đối với toàn bộ hành tinh đồng thời việc tham gia hệ thống này được để ngỏ cho tất cả các quốc gia và mang tính tự nguyện.
Các thể chế được xây dựng nhằm bảo vệ hòa bình (Liên hợp quốc), phát triển kinh tế (Ngân hàng Thế giới), và thương mại và đầu tư (Quỹ Tiền tệ Quốc tế và cái mà nhiều năm sau này trở thành Tổ chức Thương mại Thế giới).
Tất cả những điều này và nhiều thứ khác nữa đã được hỗ trợ bởi sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ, bởi một mạng lưới các liên minh trải khắp châu Âu và châu Á, và bởi vũ khí hạt nhân, thứ có tác dụng răn đe những hành vi xâm lăng. Trật tự thế giới tự do khi đó không chỉ dựa trên những ý tưởng mà các nền dân chủ theo đuổi mà còn dựa trên quyền lực cứng nữa.
[Giới chức châu Âu cảnh báo nước Mỹ đang đe dọa trật tự thế giới]
Cái gọi là Trật tự thế giới tự do dường như đã trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết với việc Chiến tranh Lạnh kết thúc và sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng giờ đây, 1/4 thế kỷ sau đó, tương lai của nó lại trở nên không chắc chắn. Quả thực, ba thành phần cấu thành lên nó - chủ nghĩa tự do, tính chất phổ quát, và việc duy trì bản thân trật tự đó - đang gặp phải những thách thức như chưa bao giờ gặp phải trước đây trong lịch sự tồn tại 70 năm của nó.
Chủ nghĩa tự do đang lùi bước. Các nền dân chủ đang cảm nhận những tác động của chủ nghĩa dân túy đang tăng lên. Các đảng chính trị cực đoan đã xuất hiện trở lại ở châu Âu. Việc nước Anh bỏ phiếu rời khỏi châu Âu là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của giới lãnh đạo đã mất đi như thế nào.
Thậm chí, nước Mỹ hiện đang trải nghiệm những cuộc công kích chưa từng có từ chính vị tổng thống của mình nhằm vào phương tiện truyền thông, tòa án, và các cơ quan thực thi pháp luật của chính nước Mỹ. Các chế độ độc tài thậm chí đã trở nên mất cân bằng hơn trong tư duy. Các quốc gia như Hungary và Ba Lan dường như không còn quan tâm đến số phận của các nền dân chủ non trẻ của họ nữa.
Ngày càng khó nói về thế giới như thể nó đã từng là một khối như trước đây. Chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của các trật tự - hay như được nói đến nhiều ở Trung Đông, là tình trạng mất trật tự - mang tính khu vực với những đặc tính riêng của mỗi khu vực.
Những nỗ lực nhằm xây dựng các khuôn khổ toàn cầu đang thất bại. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang nổi lên; vòng đàm phán thương mại toàn cầu mới nhất không hề mang lại thành quả nào. Hiện có rất ít quy định quản lý việc sử dụng mạng không gian.
Đồng thời, sự đối đầu giữa các siêu cường đang quay trở lại. Sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy một phần là hành động phản ứng trước việc thu nhập dậm chân tại chỗ cũng như công ăn việc làm bị mất, phần lớn điều này có nguyên nhân từ sự xuất hiện của công nghệ mới nhưng lại được rộng rãi coi là bắt nguồn từ việc nhập khẩu và người nhập cư.
Chủ nghĩa dân tộc là một công cụ ngày càng được các nhà lãnh đạo tăng cường sử dụng nhằm hỗ trợ cho quyền lực của họ, đặc biệt trong bối cảnh gặp khó khăn về kinh tế và chính trị. Các thể chế toàn cầu đã thất bại trong việc thích nghi với những sự cân bằng quyền lực mới cũng như những công nghệ mới.
Tuy nhiên, sự suy yếu của trật tự thế giới tự do, hơn bất cứ điều gì khác, có nguyên do từ sự thay đổi thái độ của Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã quyết định phản đối hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris. Nước này còn đe dọa từ bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ cũng như thỏa thuận hạt nhân Iran.
Mỹ đã đơn phương áp đặt thuế đánh vào sản phẩm thép và nhôm, dựa vào lý do biện minh (an ninh quốc gia) mà các quốc gia khác cũng có thể sử dụng và điều này có nguy cơ đặt thế giới vào một cuộc chiến tranh thương mại. Chính quyền Mỹ đã nêu những câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với NATO và các quan hệ đồng minh khác. Và chính quyền này hiếm khi nói về dân chủ hay quyền con người. “Nước Mỹ trên hết” và trật tự thế giới tự do dường như không thể tương thích với nhau.
Quan điểm của tôi không có ý chọn riêng nước Mỹ ra để chỉ trích. Các cường quốc quan trọng khác hiện nay, trong đó có EU, Nga, Trung Quốc, Ắn Độ và Nhật Bản, cũng có thể bị chỉ trích về những gì họ làm, không làm, hoặc về cả hai. Nhưng nước Mỹ còn là một quốc gia khác trong đó. Mỹ là kiến trúc sư chính của trật tự thế giới tự do và là người hỗ trợ chính đối với trật tự đó. Mỹ cũng là một nước được hưởng lợi chính từ trật tự đó.
Việc Mỹ quyết định từ bỏ vai trò mà nước này đảm đương trong hơn bảy thập kỷ qua như vậy đánh dấu một bước ngoặt. Trật tự thế giới tự do giờ đây không thể tự tồn tại được nữa, do các nước khác không những không còn quan tâm mà còn thiếu phương tiện để duy trì nó. Hậu quả sẽ là một thế giới ít tự do hơn, ít thịnh vượng hơn, và ít hòa bình hơn đối với người Mỹ cũng như đối với những người thuộc những quốc gia khác./.