Triển vọng chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump

Nếu có sự “bế tắc” ở Washington, vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm rất có thể sẽ càng táo bạo hơn trong chính sách đối ngoại bởi ông tin rằng chiến thắng đối ngoại sẽ giúp ông xây dựng vị thế ở trong nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng lowyinstitute.org, có thể nói, khi lên nắm quyền, Donald Trump có thế giới quan rõ ràng hơn rất nhiều so với các tổng thống Mỹ tiền nhiệm. Trong nhiều thập kỷ qua, Trump luôn giữ vững 4 niềm tin cốt lõi về thế giới.

Thứ nhất, Trump chế giễu cam kết lâu nay của Mỹ đối với sự hợp tác và lãnh đạo quốc tế. Kể từ những năm 1940 của thế kỷ trước, các tổng thống Mỹ luôn đánh giá cao lợi thế của việc lãnh đạo toàn cầu. Còn Trump dường như đã phớt lờ lợi thế này.

Thứ hai, Trump không có ấn tượng với mạng lưới liên minh, mà nhờ nó Washington đã gia tăng tầm ảnh hưởng của mình, cho dù Trung Quốc hay Nga đều khát khao có một liên minh quyền lực và hiệu quả như của Mỹ.

Thứ ba, Trump tỏ ra căm ghét các hiệp định tự do thương mại (hoặc các thỏa thuận được đàm phán bởi những người khác).

Cuối cùng, Trump có một tình cảm yêu mến kỳ lạ đối với những nhân vật quyền lực như Tổng thống Nga Vladimir Putin chẳng hạn. Trong khi đó, ông lại tỏ ra thờ ơ với hầu hết các nhà lãnh đạo dân chủ.

Khi bước chân vào Nhà Trắng, xét về nhiều khía cạnh, bản năng của Trump đã thấm nhuần các chính sách của Mỹ.

Trump phá vỡ thỏa thuận Iran, rút Mỹ khỏi Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu. Trump thậm chí hối thúc nước Anh thực hiện tiến trình “Brexit” (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)), đồng thời kêu gọi các quốc gia khác noi gương Anh rời khỏi EU.

Ông cũng cảnh báo rằng nước Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm ngắn và tầm trung (INF) với Nga. Trump liên tục từ chối xác nhận đảm bảo an ninh tập thể của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đe dọa nước Mỹ sẽ “đi con đường riêng” nếu các thành viên NATO “cố tình” không tăng ngân sách quốc phòng.

Đồng thời, Trump tỏ thái độ nước đôi đối với các liên minh song phương Mỹ-Hàn, Mỹ-Australia.

Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và áp thuế đối với 350 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tất nhiên, Trump đã gặt hái được những thành công nhất định trong chính sách đối ngoại của mình.

["Cơn tam bành" của Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp đến?]

Ông liên tục gây áp lực buộc các nước thành viên NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng. Ông buộc các đồng minh như Canada và Mexico phải đàm phán lại các thỏa thuận thương mại. Ông cũng gây chấn động thế giới khi đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.


Cái giá phải trả cho những thành công này là gì?

Thế giới quan của Trump đã làm thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ và làm suy yếu xã hội quốc tế. Cả hai yếu tố này đã làm hạn chế ảnh hưởng của Trump đối với chính sách đối ngoại.

Đầu tiên phải kể tới sự phản đối trong chính nội bộ chính quyền Trump. “Những người cùng phe cánh” đã ngăn Trump làm tổn hại các đồng minh và các mối quan hệ đối ngoại của Mỹ.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, phần lớn "những người cùng phe cánh" đó đã bị Trump phế truất. Có tin đồn rằng Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng sẽ sớm rời nhiệm.

Thứ hai, Trump là người thiếu kiên nhẫn, không có kỷ luật và không thực sự tập trung thực hiện ý chí của mình. Trump không thực sự quan tâm tới việc giải quyết các vấn đề về chính sách. Ông chỉ quan tâm đến việc được công nhận là người chiến thắng.

Tom Wright, thuộc Viện nghiên cứu Brookings và Viện nghiên cứu chính sách Lowy, gần đây nói rằng phong cách làm việc của Trump là: đưa ra một quyết định táo bạo và bất ngờ về một vấn đề, sau đó tuyên bố chiến thắng và chuyển sang một vấn đề khác.

Khi sự tự tin của Trump tăng lên thì ảnh hưởng của các cố vấn của Trump giảm xuống, khiến cho khả năng mắc sai lầm của Trump có lẽ vì thế ngày càng lớn hơn.

Kết quả bầu cử giữa kỳ tại Mỹ ảnh hưởng thế nào đến Trump?

Người dân Mỹ đã đưa ra “một cái tát” chứ không phải “một cú đấm.” Trump tuy không bị chìm trong "làn sóng xanh", nhưng mực nước đã dâng tới đầu gối của ông ta.

Trump có thể sẽ phải học cách kiềm chế, giống như cựu Tổng thống George W. Bush từng làm trong nửa sau của nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Trump có thể phải mời "những người cùng phe cánh" trở lại làm việc.

Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra. Nếu có sự “bế tắc” ở Washington, vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm rất có thể sẽ càng táo bạo hơn trong chính sách đối ngoại bởi ông tin rằng chiến thắng đối ngoại sẽ giúp ông xây dựng vị thế ở trong nước.

Tóm lại, thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng cho cả 2 khả năng nói trên. Có một điều chắc chắn là nước Mỹ sẽ không nhanh chóng trở lại trạng thái "bình thường"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục