Theo dự báo của các công ty chứng khoán, trong những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu, thị trường chứng khoán có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ, song sẽ nhanh chóng quay trở lại đà tăng trong trung và dài hạn.
Lựa chọn cổ phiếu có tiềm năng
Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên điều chỉnh mạnh nhất trong lịch sử vào cuối tháng 1/2021 cùng bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần 3. Kết thúc tháng 1/2021, các chỉ số chứng khoán trên HOSE đều có sự điều chỉnh giảm.
Cụ thể, chỉ số VN Index đạt 1.056,61 điểm, giảm 4,28% so với cuối năm 2020; VNAllshare đạt 1.014,95 điểm, giảm 1,69%; VN30 đạt 1.048,31 điểm, giảm 2,1% so với cuối tháng 12/2020.
Bước sang đầu tháng 2/2021, VN-Index có dấu hiệu phục hồi khi duy trì sắc xanh liên tiếp trong những phiên gần đây. Thanh khoản thị trường chứng khoán vẫn ở mức cao đạt khoảng 15.000 tỷ đồng/phiên nhờ lực cầu bắt đáy cổ phiếu sau nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua.
Tuy vậy, các công ty chứng khoán khuyên nhà đầu tư giữ thái độ thận trọng trong ngắn hạn, nhất là trong bối cảnh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang cận kề.
Theo các chuyên gia của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ và nhanh chóng quay trở lại đà tăng; đồng thời, thị trường vẫn đang có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy, dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho nên chiến lược ngắn hạn là chú ý đến xu hướng ở từng cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn.
[Thanh khoản trên sàn HOSE tăng kỷ lục trong tháng 1/2021]
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm nhẹ và vẫn nằm trong vùng bi quan cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên duy trì tỷ trọng thấp. Yuanta khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng dần tỷ trọng cổ phiếu với tỷ trọng dưới 50% danh mục và nên giải ngân mới với tỷ trọng thấp.
Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) khuyên nhà đầu tư thận trọng trong quyết định giao dịch và chỉ mua khi các cổ phiếu dời về những ngưỡng hỗ trợ mạnh, đồng thời áp lực bán suy giảm.
Đồng thời, có thể cân nhắc nắm giữ lâu dài các nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận tốt như ngân hàng, bán lẻ, bất động sản và nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ thông tin vắcxin như dầu khí.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, các phiên tăng điểm gần đây cho thấy sự chú ý của dòng tiền đầu tư dài hạn đang dần quay trở lại thị trường chứng khoán khi mà giá của nhiều cổ phiếu đã có sự chiết khấu đáng kể so với mức cao nhất từ đầu năm 2021 và mức chiết khấu này đã được duy trì liên tục trong một khoảng thời gian tương đối dài.
Do vậy, nhà đầu tư đã có thể cân nhắc giải ngân trở lại với tỷ trọng vừa phải. Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư chưa nên sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này với kỳ vọng thị trường sẽ diễn biến tích cực hơn và sắc xanh dần quay trở lại sau khi kỳ nghỉ Tết Âm lịch dài ngày kết thúc.
Động lực từ kết quả kinh doanh khả quan
Diễn biến thị trường trong những ngày cuối tháng 1/2021 được xem là giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn sau chuỗi tăng điểm khá dài của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020.
Dù tâm lý thị trường vẫn còn khá thận trọng, song các phân tích cho thấy, thị trường chứng khoán trong quý 1/2021 vẫn có nhiều tín hiệu khả quan. Đặc biệt là từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 4/2020 tích cực hơn so với các dự báo trước đó.
Thống kê mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho thấy, tổng lợi nhuận quý 4/2020 của các doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn (HOSE, HNX, UPCOM) ước tăng 15,6% so với cùng kỳ; trong đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) tăng mạnh 19,1%; nhóm doanh nghiệp trong rổ VN30 có mức tăng trưởng lợi nhuận 15% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, lợi nhuận quý 4/2020 của các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ tăng vọt 42,7% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng của các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng; các nhà máy thủy điện nhỏ…
Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, kết quả kinh doanh quý 4/2020 của các doanh nghiệp niêm yết vừa công bố cho thấy không quá tiêu cực như dự báo trước đó.
Ngoại trừ một số ngành bị ảnh hưởng nặng của đại dịch COVID-19 như du lịch, khách sạn, hàng không… thì phần lớn các ngành đều có kết quả kinh doanh khả quan.
Ông Phương cho biết ngay cả ngành may mặc bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, song nhờ sự thích nghi chuyển đổi mà lợi nhuận ghi nhận khả quan trong quý 4.
Đây là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường chứng khoán phục hồi trở lại sau phiên lao dốc kỷ lục vào cuối tháng 1/2021.
Đáng chú ý, mới đây Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng về 2,9%/năm; 6-9 tháng còn 3,8%/năm; kỳ hạn dài 24-60 tháng giảm về 5,3%/năm… giảm 0,1 điểm % so với biểu lãi suất trước.
Với lần điều chỉnh trên, Vietcombank kéo mặt bằng lãi suất của ngân hàng này về mức thấp nhất so với các ngân hàng khác trong hệ thống.
Theo dự báo của một số công ty chứng khoán, trong năm 2021, lãi suất huy động và cho vay có thể giảm tiếp từ 20-50 điểm % trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát hạ nhiệt.
Việc tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp như trên sẽ kích thích dòng vốn giá rẻ tiếp tục chảy vào kênh đầu tư chứng khoán.
Thêm vào đó, định giá cổ phiếu P/E của chứng khoán Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn sau đợt điều chỉnh vừa qua. Điều này thể hiện dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng quay trở lại thị trường trong những phiên gần đây sau nhiều tháng liên tục bán ròng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ngoài ra, với lịch sử kiểm soát dịch rất tốt cùng chính sách thúc đẩy đầu tư công, sắp triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp lần 2… cùng với yếu tố vĩ mô ổn định cũng giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng trong thời gian tới./.