Triều Tiên kêu gọi tinh thần tự lực tự cường trước các lệnh trừng phạt

Báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên - khẳng định một nền kinh tế quốc gia độc lập là yếu tố then chốt giúp thúc đẩy sự phát triển và quyết định số phận của quốc gia này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Nguồn Yonhap/TTXVN)

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ rơi vào thế bế tắc, ngày 20/5, truyền thông Triều Tiên đã kêu gọi người dân nước này nỗ lực tự giải quyết những thách thức trước các lệnh trừng phạt "nghiêm khắc", nhấn mạnh không nên có tâm lý chờ đợi đến khi những biện pháp hạn chế kinh tế được dỡ bỏ.

Trong một bài xã luận, báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên - đã nhấn mạnh tinh thần tự lực tự cường, đồng thời khẳng định một nền kinh tế quốc gia độc lập là yếu tố then chốt giúp thúc đẩy sự phát triển và quyết định số phận của quốc gia này.

Theo tờ báo này, trong lịch sử phát triển của mình, Triều Tiên luôn đương đầu với các sức ép trừng phạt, song chiến lược cô lập và gây sức ép được thực hiện trong những năm gần đây rất "khắc nghiệt cả về quy mô và mức độ, đủ để hủy diệt đất nước và người dân". Do đó, báo Rodong Sinmun kêu gọi người dân Triều Tiên cần gạt bỏ suy nghĩ chờ đợi, dựa dẫm hay khuynh hướng phụ thuộc vào nhập khẩu, thay vào đó cần phát huy tinh thần tự giải quyết mọi vấn đề bằng công nghệ cũng như nguồn lực trong nước.

[Đại sứ Hàn Quốc: Triều Tiên phát tín hiệu muốn đàm phán với Mỹ]

Lời kêu gọi trên được đưa ra sau những nỗ lực bất thành của Triều Tiên nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2 vừa qua. Cuộc gặp này đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào đạt được, khi hai bên không tìm thấy tiếng nói chung về quy mô các biện pháp phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và việc dỡ bỏ trừng phạt của Mỹ. 

Mới đây nhất, trong hai ngày 4 và 9/5, Triều Tiên đã gây bất ngờ khi liên tiếp phóng các vật thể bay về phía biển Nhật Bản mà Hàn Quốc cho rằng có thể là tên lửa tầm ngắn, trong khi Mỹ nghĩ đó là tên lửa đạn đạo. Những động thái quân sự liên tiếp này, cùng với tuyên bố của Triều Tiên về một cuộc diễn tập "tấn công tầm xa" và thử nghiệm “vũ khí chiến thuật có điều khiển loại mới”, đã làm tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên nóng lên sau một thời gian dài bình yên khi Bình Nhưỡng ngừng  thử hạt nhân và tên lửa để tham gia các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa.

Động thái của Triều Tiên được giới phân tích cho là nhằm phát đi nhiều thông điệp trong bối cảnh đàm phán hạt nhân bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục