Trung Quốc đe dọa tầm ảnh hưởng của Ấn Độ tại Nam Á

Từ Tây Bắc Afghanistan cho đến Bắc Nepal, rồi đến Đông Bangladesh, Trung Quốc không chỉ mở rộng ảnh hưởng ở Nam Á, mà họ đang tiến rất gần đến việc trở thành một cường quốc thống trị khu vực này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nepal và Tổng thống nước chủ nhà Bidhya Devi Bhandari. (Nguồn: AP)

Theo trang mạng theprint.in, Trung Quốc không chỉ đang tràn sang lãnh thổ Ấn Độ mà dường như họ còn đang tiến vào bên trong và xung quanh Ấn Độ.

Từ Tây Bắc Afghanistan cho đến Bắc Nepal, rồi đến Đông Bangladesh, Trung Quốc không chỉ mở rộng ảnh hưởng ở Nam Á, mà họ đang tiến rất gần đến việc trở thành một cường quốc thống trị khu vực này.

Ngày 24/8, Ấn Độ đã tiếp nhận một cú sốc nữa giáng vào những tham vọng khu vực của mình khi mà Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi mời đặc phái viên của Trung Quốc tại Afghanistan Liu Jian đến Islamabad để giúp nước này chấm dứt cuộc chiến tranh đã kéo dài 19 năm tại đây.

Ngày 25/8, Qureshi gặp gỡ một phái đoàn Taliban do Mullah Abdul Ghani Baradar dẫn đầu. Mullah Abdul Ghani Baradar bị Pakistan giam lỏng trong suốt hơn 8 năm trước khi được thả trở về với lực lượng Taliban năm 2018 để mở đường cho cuộc gặp với Liu.

Nhìn sang phía Đông, tại Bangladesh, Trung Quốc đã “ve vãn” với Thủ tướng Sheikh Hasina và quân đội hùng mạnh của bà nhiều đến mức bà phải cân nhắc một khoảng cách tương đồng giữa Bắc Kinh và New Delhi.

Một sự pha trộn phức tạp của các hợp đồng sân bay (Trung Quốc đã thắng thầu để xây dựng một nhà ga thứ hai ở Sylhet, gần Ấn Độ), các thỏa thuận quốc phòng- vốn bao gồm một căn cứ tàu ngầm siêu hiện đại có tên BNS Sheikh Hasina tại Cox’s Bazaar, một căn cứ hải quân mới ở Patkhauli và chuyển giao một tàu Hộ tống nhỏ của Trung Quốc nhằm củng cố sức mạnh hải quân của nước này- và một sự cắt giảm thuế nhập khẩu cho 97% hàng hóa Bangladesh, tất cả đã khiến Trung Quốc không chỉ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Bangladesh mà còn là nhà đầu tư lớn nhất cho nước này.

[Trung Quốc-Nepal nâng cấp quan hệ lên đối tác hợp tác chiến lược]

Trong khi đó tại Nepal, các tin tức cho biết Trung Quốc đã sở hữu những khu đất rộng lớn thuộc 7 tỉnh biên giới của đất nước - Dolakha, Gorkha, Darchula, Humla, Sindhupalchowk, Sankhuwasabha and Rasuwa- đẩy đường biên giới Nepal dịch thêm xuống phía Nam.

Bắc Kinh còn thúc ép Kathmandu ký một biên bản ghi nhớ nhằm chứng thực cho một dự thảo thỏa thuận cho phép hai nước khảo sát và vẽ bản đổ Núi Everest.

Bangladesh gửi đi một thông điệp

Vì vậy, ngay cả khi Trung Quốc vẫn kiên định ở Ladakh, củng cố cơ sở hạ tầng vật chất và lực lượng vận tải hàng không để bảo vệ Đường Kiểm soát thực tế (LAC), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tuần trước vẫn điều Ngoại trưởng Harsh Shringla tới Bangladesh trên một chiếc máy bay chiến đấu đặc biệt với các thông điệp hòa bình và hữu nghị.

Dĩ nhiên, có gì đó đặc biệt về Bangladesh. Có một mối quan hệ máu thịt năm 1971, thực tế rằng Bangladesh bám trụ ở Vịnh Bengal và sớm chuyển dịch sang Đông Nam Á. Khi Ấn Độ nhìn sang phía Đông, Bangladesh là nước đầu tiên họ trông thấy.

Tuy nhiên, khi máy bay của Ngoại trưởng Shringla hạ cánh, không có quan chức cấp cao hay giữ chức vụ quan trọng nào đến đón tiếp ông, hay nhìn ông hạ cánh. Trái ngược với đó, khi một đội ngũ 10 bác sỹ Trung Quốc đến Dhaka để hỗ trợ Bangladesh chiến đấu với virus Corona chủng mới hồi tháng 6, Ngoại trưởng A.K. Abdul Momen đã đến sân bay để đón họ.

Theo truyền thông Bangladesh, Hasina đã để ông Shringla chờ đợi vài tiếng đồng hồ rồi mới gặp mặt ông. Đã không có bức ảnh nào về cuộc gặp của họ được đăng tải lên truyền thông- chỉ có một bức duy nhất được lên báo là bức ảnh ông Shringla ở Dhaka hồi tháng 3.

Cũng không có một cuộc họp báo nào với truyền thông Bangladesh sau cuộc họp tại văn phòng bà Hasina, ngoại trừ hai tuyên bố nằm trong dự đoán. Shringla đã đến và đi một cách lặng lẽ.

Nếu đây là một sự khiển trách ngoại giao của Hasina thì thông điệp này thật quá nặng nề và rõ ràng. Thực tế là Shringla rất được ưa thích tại Dhaka, nơi ông từng là Cao ủy trong gian đoạn 2016-2019. Ông biết tất cả mọi người trong bộ máy chính trị ở đây, Và có lẽ là sự khiển trách ngầm này không mang tính cá nhân.

Sự rạn nứt trong mối quan hệ

Một lý do mấu chốt gây ra sự lạnh lẽo trong mối quan hệ này là lời cáo buộc của Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah về vụ việc năm 2018 mà trong đó mô tả những người nhập cư bất hợp pháp ở Assam giống như những “con mối” đã “gặm nhấm” việc làm của người dân địa phương; Shah đã nhắc lại vụ việc này tại Tây Bengal trong chiến dịch tranh cử năm 2019, đồng thời nói thêm rằng nếu đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) lên cầm quyền thì sẽ ném tất cả những kẻ thâm nhập trái phép ra Vịnh Bengal.

Đối với một thủ tướng mà đảng Liên đoàn Awami của bà đã gia nhập mái nhà với Ấn Độ từ năm 1971 thì những tuyên bố của Shah không chỉ là một gáo nước lạnh, mà còn khiến vị thế của bà suy yếu.

Chúng đã đe dọa sự tín nhiệm của toàn thể một chính đảng đang cầm quyền tại một tiểu lục địa mà Ấn Độ muốn sở hữu.

Bà Hasina cũng đã bị lôi kéo bởi sự hào phóng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình- 24 tỷ USD- khi ông tới thăm nước bà vào năm 2016. Khi bà tới Trung Quốc hồi giữa năm 2019, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc phù hợp hơn với chiến lược phát triển của Bangladesh.

Cách đây khoảng 2 tuần lễ, Trung Quốc đã đồng ý tài trợ cho một dự án lớn quản lý sông Teesta trị giá gần 1 tỷ USD - một con sông chảy vào Bangladesh từ phía Bắc Bengan.

Thời điểm đã đến

Chắc chắn là Ấn Độ vẫn chưa mất Bangladesh - ít nhất là chưa phải bây giờ - bất chấp tất cả những đường mật mà Trung Quốc mang lại cho Bangladesh.

Có một số dự án kết nối vẫn đang được thực hiện, và gần đây nhất là dự án vận chuyển hàng hóa từ Kolkata sang Agartala, thông qua cảng Chittagong. Điều này cũng giống như thực tế là Ấn Độ chưa mất Afghanistan- ít nhất cũng là trong thời điểm này - bất chấp thực tế rằng Pakistan đang có xu hướng quay trở lại cuộc chơi khi củng cố một tương lai với những người bạn tốt Taliban của mình thông qua một chút hỗ trợ từ "người anh lớn" Trung Quốc.

Rõ ràng, New Delhi đang lo ngại rằng các nước láng giềng từng nằm trong ảnh hưởng của Ấn Độ có thể đang trượt dần khỏi sự kiểm soát của mình. Và dĩ nhiên mấu chốt nằm ở sự cải thiện quan hệ của Thủ tướng Modi với lãnh đạo các nước láng giềng và khả năng duy trì được sự kiểm soát với xu hướng “lai tạp” của BJP của ông. Nhưng quan trọng là liệu ông có đủ khả năng để làm điều đó?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục