Theo South China Morning Post, các chuyên gia và nguồn tin quân sự cho biết, Trung Quốc đang phát triển một chiến đấu cơ mới cho các tàu sân bay để thay thế tiêm kích hạm J-15, sau một loạt trục trặc máy móc và tai nạn, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực mở rộng “hải quân nước xanh" có thể hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
J-15 được chế tạo dựa trên nguyên mẫu của chiến đấu cơ siêu việt trang bị hai động cơ phản lực Su-33 của Nga. Đây là một mẫu thiết kế máy bay thế hệ thứ tư khá mạnh, nhưng đã có tuổi đời hơn 30 năm.
J-15 là sản phẩm của Tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương, trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc. Với trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 33 tấn, J-15 là một trong những tiêm kích hạm nặng nhất thế giới. J-15 hiện đang được sử dụng trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh.
[Trung Quốc triển khai máy bay tiêm kích chặn máy bay giám sát Mỹ]
Theo chuyên gia hải quân Lý Kiệt, Trung Quốc cần phải chế tạo mẫu tiêm kích hạm mới nhằm đáp ứng yêu cầu của 4 nhóm tác chiến tàu sân bay để có thể cụ thể hóa tham vọng thống trị đại dương.
Chuyên gia này chia sẻ, tiêm kích tàng hình FC-31 có thể được nhắm tới để thay thế J-15. F-31 là mẫu tiêm kích tàng hình lần đầu bay thử nghiệm năm 2012 và nhẹ hơn nhiều so với J-15.
Trong khi đó, Trung tướng Zhang Honghe, Phó Tư lệnh Không quân Trung Quốc, tiết lộ: "Mẫu tiêm kích hạm mới thay thế J-15” đang được phát triển.
Theo các chuyên gia, một lý do khác khiến Trung Quốc đẩy mạnh việc phát triển tiêm kích hạm mới là bởi hàng loạt những trục trặc, thậm chí tai nạn chết người liên quan đến J-15.
Nguồn tin giấu tên tiết lộ, ít nhất 4 vụ tai nạn chết người liên quan đến J-15 đã xảy ra trong những năm qua. Các phi công dày dạn kinh nghiệm tử nạn trên chiếc J-15 được coi là tổn thất không thể khắc phục./.