Trung Quốc nâng hạn mức tín dụng để thúc đẩy phát triển hạ tầng

Việc hỗ trợ các dự án hạ tầng tại những tỉnh của Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các biện pháp phòng dịch COVID-19 được xem là công cụ chủ chốt để tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.
Người dân di chuyển trên một đường phố ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin nước này đã thiết lập hạn mức tín dụng 120 tỷ USD cho các dự án hạ tầng trong nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng dịch COVID-19.

Trong những tháng vừa qua, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại nhiều do các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt khiến nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động và gây gián đoạn chuỗi cung ứng.

Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi thúc đẩy mức tăng trưởng kinh tế phù hợp trong quý 2 năm nay. Việc hỗ trợ các dự án hạ tầng tại những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất được xem là công cụ chủ chốt để tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các địa phương.

Ngày 1/6, Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì đã chủ trì một cuộc họp của Quốc vụ viện với việc thông qua khoản ngân sách lớn để phát triển hạ tầng. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã nêu bật tầm quan trọng của việc nâng hạn mức tín dụng tại các ngân hàng chính sách thêm 800 tỷ nhân dân tệ (tương đương 120 tỷ USD).

Các chuyên gia cho rằng thông báo trên nhiều khả năng sẽ giúp các chính quyền tỉnh đáp ứng mục tiêu về hỗ trợ tăng trưởng mà Chính phủ Trung Quốc đề ra.

[Trung Quốc công bố gói bao gồm 33 biện pháp hỗ trợ kinh tế]

Theo chuyên gia Betty Wang và Zhaopeng Xing của ngân hàng ANZ, kế hoạch này sẽ đem lại sự hỗ trợ dài hạn cho các dự án hạ tầng khác nhau, từ đó tăng cường các hoạt động kinh doanh theo chuỗi cung ứng.

Theo các chuyên gia phân tích của tập đoàn Nomura, con số trên gần bằng một nửa hạn mức tín dụng 1.650 tỷ nhân dân tệ (247 tỷ USD) vào năm 2021 và tương đương 20% các khoản vay trung hạn cho đến dài hạn trong lĩnh vực hạ tầng năm 2021.

Làn sóng dịch bệnh vừa qua là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất của Trung Quốc kể từ đầu đại dịch COVID-19 khiến thành phố Thượng Hải, trung tâm kinh tế quan trọng của nước này, phải phong tỏa trong 2 tháng.

Mặc dù thành phố này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế khi số ca nhiễm giảm xuống song quá trình phục hồi sẽ diễn ra từ từ khi nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại về nguy cơ tái diễn các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai và hiện vẫn còn lượng lớn hàng hóa bị ùn tắc tại cảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục