Trung Quốc phản đối phương Tây gia tăng trừng phạt Nga

Trung Quốc phản đối việc áp đặt trừng phạt hay đe dọa áp đặt trừng phạt, cho rằng biện pháp này có thể khiến tình hình Ukraine càng thêm leo thang căng thẳng.
Nhóm G-7 nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc đã ra tuyên bố phản đối các biện pháp áp đặt gói trừng phạt bổ sung đối với Nga liên quan tới các diễn biến trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine, sau khi nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7), gồm Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản nhất trí thông qua gói trừng phạt này.

Phát biểu với báo giới ngày 28/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết Bắc Kinh đã duy trì trao đổi với tất cả các bên kể từ thời điểm bùng nổ cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Ông Tần Cương khẳng định trên phương diện quan hệ quốc tế, Trung Quốc phản đối việc áp đặt trừng phạt hay đe dọa áp đặt trừng phạt, cho rằng biện pháp này không phải là chìa khóa tháo gỡ vấn đề, không mang lại lợi ích cho bên nào mà ngược lại có thể khiến tình hình càng thêm leo thang căng thẳng.

Do đó, Bắc Kinh kêu gọi các bên tiếp tục theo đuổi con đường đối thoại và đàm phán để giải quyết bất đồng, thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Tuyên bố trên của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây đang chuẩn bị công bố một loạt các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Moskva.

Cùng ngày, phát biểu họp báo ở Manila (Philippines), Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo tối ngày 28/4, nước này sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào những cá nhân, công ty, ngân hàng và các chủ thể quốc phòng công nghệ cao của Nga.

Trước đó, thông báo chung của G-7 ngày 26/4 cho biết lãnh đạo Nhóm G-7 đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga nhằm trừng phạt việc Nga không tuân thủ Thỏa thuận bốn bên về giải quyết khủng hoảng ở Ukraine.

Một quan chức cấp cao của Mỹ, yêu cầu giấu tên, cho biết mỗi nước G7 sẽ tự đưa ra biện pháp trừng phạt của mình, có thể phối hợp với nhau, nhưng không nhất thiết các biện pháp phải giống nhau.

Các biện pháp có thể nhằm vào cá nhân hoặc các công ty có ảnh hưởng trong các khu vực quan trọng của nền kinh tế Nga như năng lượng và ngân hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục