Trung Quốc ứng dụng AI trong tầm soát ung thư cổ tử cung

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển mô hình sàng lọc tích hợp công nghệ AI, có thể chẩn đoán ung thư với độ chính xác hơn 90% và thời gian chỉ bằng 1/10 thời gian xét nghiệm thông thường.
Mô hình sàng lọc bằng AI chỉ cần 36 giây để xét nghiệm mẫu tế bào ung thư cổ tử cung. (Nguồn: fortune.com)

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển một mô hình sàng lọc giúp chẩn đoán nhanh và chính xác ung thư cổ tử cung, căn bệnh gây tử vong thường gặp ở nữ giới.

Dựa trên hơn 200.000 hình ảnh bệnh lý lựa chọn từ 43,5 triệu mẫu tế bào sàng lọc ung thư cổ tử cung, các chuyên gia thuộc KingMed Diagnostics, công ty nghiên cứu chẩn đoán y tế có trụ sở ở thành phố Quảng Châu, cùng các kỹ sư máy tính của tập đoàn công nghệ Huawei, trong hơn một năm qua đã phát triển mô hình sàng lọc tích hợp công nghệ AI, có thể chẩn đoán căn bệnh này với độ chính xác hơn 90% và thời gian chỉ bằng 1/10 thời gian xét nghiệm thông thường.

Trưởng nhóm nghiên cứu Luo Pifu cho biết các bác sỹ mất trung bình 6 phút để xét nghiệm mẫu tế bào ung thư cổ tử cung dưới kính hiển vi, trong khi mô hình sàng lọc bằng AI chỉ cần 36 giây.

Trong khi đó, Giám đốc thông tin của KingMed, Li Yinghua, cho rằng phương pháp sàng lọc với sự hỗ trợ của AI sẽ giúp bù đắp sự thiếu hụt các bác sỹ có chuyên môn tốt, cũng như mở rộng phạm vi tầm soát ung thư cổ tử cung ở Trung Quốc.

Để "đào tạo" và thử nghiệm mô hình sàng lọc AI, các nhà phát triển đã cung cấp cho mô hình này 32.000 mẫu tế bào được thu thập tại sáu tỉnh ở Trung Quốc trong 12 năm qua.

Mô hình sàng lọc này được xây dựng trên cơ sở nền tảng phát triển AI mang tên ModelArts do Huawei Cloud phát triển.

Nền tảng này sẽ biến các dữ liệu chẩn đoán được các bác sĩ cập nhật vào máy thành các thuật toán. Mô hình AI có thể tự động hoàn tất quy trình chẩn đoán, trong khi các bác sỹ chỉ cần xem lại và xác nhận các trường hợp dương tính với ung thư cổ tử cung.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư cổ tử cung, do virus HPV gây ra, là căn bệnh ung thư thường gặp thứ 4 ở phụ nữ trên thế giới, với khoảng 570.000 ca nhiễm mới và 311.000 trường hợp tử vong trong năm 2018. Ở Trung Quốc, con số cũng ở mức cao, lần lượt là 106.000 và 48.000 trường hợp.

Phương pháp hiện nay để phát hiện các tế bào cổ tử cung bất thường là sàng lọc tế bào, còn gọi là xét nghiệm Pap. Đây là một xét nghiệm đơn giản, thường được thực hiện ở các phòng khám phụ khoa, và là bước đầu tiên trong bộ ba xét nghiệm dùng để tầm soát đồng thời cũng để chẩn đoán ung thư cổ tử cung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục