Truyền thông Bangladesh phân tích lợi thế của ngành may mặc Việt Nam

Một trong những yếu tố tạo nên lợi thế cho ngành may mặc Việt Nam được truyền thông Bangladesh phân tích, đó chính là chất lượng vải tốt và Việt Nam chủ trương tập trung vào thị trường cao cấp.
May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Báo The Daily Star của Bangladesh mới đây đăng bài viết nêu bật các yếu tố nền tảng tạo nên lợi thế của ngành may mặc Việt Nam, trong đó có thời gian sản xuất ngắn, chất lượng vải tốt và sự tập trung vào thị trường cao cấp.

Điều này không chỉ giúp Việt Nam thâm nhập những thị trường được đánh giá là "khó tính" như châu Âu (EU), Mỹ, mà còn mang lại doanh thu ngày một cao hơn.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm đối thoại chính sách (CPD) tháng Hai vừa qua, riêng trong năm 2020, mỗi 100kg áo phông xuất sang EU, Việt Nam thu về 2.157,9 USD, trong khi doanh thu sản phẩm tương ứng của Bangladesh chỉ là 1.091,5 USD.

Năm 2019, mức doanh thu của mỗi nước lần lượt là 2.099,7 USD và 1.097,5 USD.

Tương tự tại thị trường Mỹ, hàng may mặc của Việt Nam cũng được đánh giá cao so với một số nước khác.

Lý giải điều này, Giám đốc nghiên cứu CPD, ông Golam Moazzem, khẳng định điều dễ thấy là chất lượng vải của Việt Nam về cơ bản tốt hơn đáng kể, trong khi một bộ phận người tiêu dùng có sở thích dùng hàng cao cấp.

Theo ông, việc sử dụng vải chất lượng cao hơn giúp các nhà sản xuất Việt Nam có giá tốt hơn. Chưa kể, Việt Nam có nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ sản phẩm cao cấp hơn.

Cũng theo ông Moazzem, dù quy mô còn hạn chế, song các công ty may mặc Việt Nam đã chủ trương tập trung vào thị trường cao cấp.

Mặc dù là nước đi sau trong lĩnh vực kinh doanh hàng may mặc toàn cầu, song Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một nhân tố lớn.

[Doanh nghiệp dệt may ra quân sản xuất phù hợp với tình hình mới]

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có một vị thế tốt và xếp hạng tương đối cao trên bảng Chỉ số môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, đặc biệt là quốc gia Đông Nam Á này có xu hướng hướng tới việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về nhân quyền và bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, ông AK Azad, Giám đốc điều hành Tập đoàn may mặc hàng đầu Bangladesh Ha-Meem, cho rằng Việt Nam sử dụng tốt nguồn nguyên liệu có sẵn với chất lượng hàng đầu, trong khi thời gian sản xuất ngắn.

Ước tính tổng thời gian Việt Nam vận chuyển hàng may mặc tới châu Âu mất khoảng 30 ngày, trong khi các nước khác, trong đó có Bangladesh, cần thời gian vận chuyển lâu hơn.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Viynticx Group, ông KM Rezaul Hasanat, lại cho rằng Việt Nam có thế mạnh về sản xuất áo khoác ngoài cho người dân sống ở vùng có khí hậu lạnh, cùng với đó là áo blazer chất lượng cao, áo sơ mi dệt công sở và quần tây cho thị trường EU và Mỹ.

Không chỉ vậy, các nhà cung cấp Việt Nam tập trung sản xuất các sản phẩm phức tạp, trong khi một số quốc gia tập trung các mặt hàng cơ bản như áo phông và quần tây.

Vì vậy, giá các mặt hàng may mặc của Việt Nam có giá trị cao hơn sản phẩm từ các quốc gia khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn sản xuất rất nhiều quần áo thể thao mà giá của các sản phẩm này rất cao, góp phần giúp giá trung bình của các mặt hàng may mặc Việt Nam ở mức cao.

Hiện hầu hết các thương hiệu và nhà bán lẻ quần áo thể thao nổi tiếng toàn cầu đều tìm nguồn sản phẩm từ Việt Nam.

Hiện Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 70 trên 190 nền kinh tế thế giới có môi trường kinh doanh thuận lợi trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục