Trang Sputniknews dẫn Tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin sớm nhất là nửa đầu năm 2018, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ đưa vào hoạt động tên lửa đạn đạo liên lục địa đa đầu đạn mới Đông Phong-41 (DF-41), có thể nhắm tới "bất cứ đâu trên thế giới."
DF-41 được cho là có thể đạt tới tốc độ siêu thanh Mach 10 và sử dụng pháo mồi để đánh lừa những hệ thống phòng không của kẻ thù.
Còn theo tờ India Times, vũ khí quân sự mới nhất này đã được thử nghiệm tám lần kể từ năm 2012, khiến các chuyên gia tin rằng DF-41 phải đạt được những tiến bộ đáng kể nếu PLA sẵn sàng thông báo tên lửa đã có khả năng hoạt động.
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết cuộc thử nghiệm thứ 8 của DF-41 có thể đã diễn ra vào đầu tháng 11 tại một khu vực sa mạc ở miền Đông Trung Quốc, song không tiết lộ địa điểm cụ thể.
[Trung Quốc triển khai tên lửa liên lục địa gần biên giới với Nga?]
Phát biểu trên CCTV, ông Xu Guangyu, cố vấn cấp cao thuộc Hiệp hội giải trừ quân bị và Kiểm soát Vũ khí Trung Quốc cho biết DF-41 là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn ba giai đoạn với tầm bắn tối thiểu 12.000km, như vậy DF-41 có thể bắn tới bất cứ đâu trên thế giới từ một địa điểm bắn trên đất liền. Vũ khí tối tân này còn có thể "mang theo 10 đầu đạn hạt nhân mà mỗi đầu đạn có thể nhắm vào những mục tiêu riêng rẽ."
Trong khi đó, ông Song Zhongping, cựu binh sỹ Quân đoàn Pháo binh 2 PLA (Lực lượng tên lửa) hiện là nhà phân tích trên kênh Phoenix TV cho rằng DF-41 có thể đã sẵn sàng đi vào hoạt động, đồng thời lưu ý Trung Quốc không muốn tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang và sẽ không cạnh tranh với bất kỳ quốc gia nào vì bất kỳ mục đích như vậy.
Đối với Trung Quốc, phát triển tên lửa đạn đạo nhằm bảo vệ những lợi ích riêng vì nước này vẫn đứng sau Mỹ ở một khoảng cách rất xa về số lượng vũ khí hạt nhân./.