Truyền thông Triều Tiên kiềm chế chỉ trích Hàn Quốc trong gần 2 tuần

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động cầm quyền và Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên không đưa tin tiêu cực nào về Hàn Quốc trong 12 ngày qua.
Binh sỹ Hàn Quốc tuần tra tại khu phi quân sự ở biên giới liên Triều. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các cơ quan truyền thông nhà nước của Triều Tiên đã kiềm chế chỉ trích Hàn Quốc trong gần 2 tuần qua, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất ngờ dừng kế hoạch hành động quân sự chống lại Hàn Quốc sau nhiều tuần đe dọa bằng những lời lẽ cay nghiệt.

Trong 12 ngày qua, truyền thông Triều Tiên đã tăng tải ít bài báo và bài bình luận chỉ trích Seoul.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động cầm quyền và Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên không đưa tin tiêu cực nào về Hàn Quốc trong thời gian này.

Một số cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên vẫn đăng một số bài báo chỉ trích Hàn Quốc, song chủ yếu hướng vào các đối tượng cụ thể, chẳng hạn như quân đội hoặc các chính đảng.

[Triều Tiên cảnh báo có thêm hành động sau khi phá văn phòng liên lạc]

Điều này trái ngược hoàn toàn với việc truyền thông Triều Tiên đã đăng khoảng 50 bài báo chỉ trích Hàn Quốc gần như mỗi ngày trong tháng 6, sau khi Kim Yo-jong, người em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đưa ra tuyên bố đầu tiên vào ngày 4/6 thể hiện sự tức giận trước hành động rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng của những người đào tẩu Triều Tiên ở Hàn Quốc.

Căng thẳng liên Triều cũng đã dịu đi đôi chút, mặc dù Triều Tiên không cho thấy có phản ứng nào trước cam kết mới của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm hồi sinh các trao đổi liên Triều và kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh nữa giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Ông Kim Jong-un đã không đề cập đến mối quan hệ liên Triều trong cuộc họp Bộ Chính trị đảng Lao động cầm quyền hôm 2/7 vừa qua.

Sau đó, vào ngày 4/7, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên, bà Choe Son-hui, đã tuyên bố rằng Triều Tiên cảm thấy không cần phải gặp Mỹ, cáo buộc Washington chỉ lợi dụng đối thoại giữa hai nước như một "công cụ để vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị" của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục