Chúng tôi đi trên Quốc lộ 22 và 22B trở lại R (chiến khu D - Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia) vào tiết trời giữa Thu tràn ngập nắng vàng.
Bước vào mùa mưa Nam Bộ, những vạt rừng cao su thay lá mới ngút ngàn một màu xanh thẳm. Cánh rừng khộp dọc biên giới Campuchia trải qua mùa khô rụng hết lá, sau những trận mưa đầu mùa bắt đầu đâm chồi, nẩy lộc, bung xòe lá.
Đường về R nay tốt hơn trước rất nhiều. Tuy vậy, mỗi lần có ôtô đi qua là bụi đỏ bay lên mù mịt cuốn hút theo xe.
Dòng chảy ký ức
Thật thú vị, trong chuyến trở về R , chúng tôi bất ngờ gặp lại Phạm Văn Sĩ, nguyên là giao liên Thông tấn xã Giải Phóng, hiện sinh sống tại xã biên giới Tân Lập, ngay sát khu rừng Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát (xã Tân Bình, huyện Tân Biên, Tây Ninh) - nơi đặt Bia kỷ niệm của Thông tấn xã Giải phóng.
Tấm bia kỷ niệm này nằm ngay ven đường tuần tra biên giới ở khu rừng Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát (xã Tân Bình, huyện Tân Biên, Tây Ninh). Trên Bia này ghi: “Nơi đây là căn cứ chống Mỹ, cứu nước của Thông tấn xã Giải Phóng từ 12/10/1960 đến ngày 30/4/1975. Thông tấn xã Giải phóng được Trung ương cục Miền Nam tặng 16 chữ vàng:
Cần cù dũng cảm
Tự lực cánh sinh
Khắc phục khó khăn
Hoàn thành nhiệm vụ
Từ năm 1976, Thông tấn xã Giải phóng hợp nhất với Việt Nam Thông tấn xã thành Thông tấn xã Việt Nam.”
Chúng tôi đã thắp hương tại Bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp Thông tấn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Anh em ngoài Bắc, trong Nam lâu ngày gặp nhau, tay bắt mặt mừng, sau hơn 4 thập niên xa cách, nay mới có dịp gặp nhau. Chúng tôi cùng nhau ôn lại những tháng năm gian khổ tại căn cứ kháng chiến năm xưa.
Giữa năm 1973, lớp phóng viên GP10 chúng tôi từ Hà Nội, sau khi vượt Trường Sơn vào nhận công tác làm phóng viên biên tập Thông tấn xã Giải phóng tại R (mật danh của Trung ương Cục miền Nam) ở về phía tây bắc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam-Campuchia, cách thành phố tỉnh lỵ Tây Ninh khoảng 60km.
Phạm Văn Sĩ sinh năm 1957, lúc đó mới 16 tuổi, mới học trung học cơ sở (lớp 7) không có điều kiện học thêm nữa, đã tham gia kháng chiến, dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn, được bố trí làm giao liên cho B7/3 (Ban biên tập tin Thông tấn xã Giải phóng).
Sĩ vốn là con em Việt kiều Campuchia, bố mẹ gốc Bắc, là dân phu đồn điền cao su từ thời Pháp thuộc. Em vẫn nói tiếng Bắc chứ không nói tiếng Nam Bộ.
Rừng ở chiến khu Tây Ninh từng bị Mỹ rải chất độc hóa học, tiến hành trận càn Junction City đầu năm 1967 đánh vào đầu não kháng chiến của ta ở Nam Bộ.
Khi đó, Mỹ ngụy đã huy động 3 sư đoàn bộ binh với 45.000 quân cùng hàng nghìn xe, pháo, 500 máy bay các loại, trong đó có cả máy bay B-52 rải thảm bom nhằm hủy diệt căn cứ Trung ương Cục, trong đó có Thông tấn xã Giải phóng và chủ lực ta nhưng chúng đã thảm bại.
Trong cuộc chiến này, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 14.233 quân địch (chủ yếu là quân Mỹ), phá huỷ, phá hỏng 992 xe (có 775 xe tăng và xe thiết giáp), 112 khẩu pháo từ 105mm trở lên, bắn rơi và bắn hỏng 160 máy bay (có 144 trực thăng), tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ.
Đây là thất bại lớn nhất của Mỹ tính đến thời điểm đó. Nhiều cán bộ, phóng viên biên tập, nhân viên tại Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng ở chiến khu Tây Ninh đã sát cánh cùng Quân giải phóng kiên cường chiến đấu đánh trả quân địch trong trận càn Junction City.
Điển hình như đồng chí Trần Ngọc Đặng, tháng 3/1967, tại căn cứ Tây Ninh, đã bắn cháy 2 xe bọc thép Mỹ và anh dũng hy sinh, được tuyên dương danh hiệu “Dũng sỹ diệt cơ giới.” Đồng chí Trần Văn Minh (chiến đấu cùng đồng chí Đặng) bị thương nặng, bị Mỹ bắt và cưa chân.
Chiến thuật “tìm diệt” của Mỹ ở miền Nam khi đó bị phá sản.
Sau 45 năm, những hố bom đạn đã bị khỏa lấp, rừng đã khép tán, lối mòn đi về B7/1 (Tổ chức cán bộ), B7/2 (Văn phòng), B7/3 (Ban biên tập tin), B8/1 (Kỹ thuật), B8/2 (Đài thu phát tin), B22 (Ban biên tập ảnh)... của Thông tấn xã Giải phóng đều rất khó nhận ra dấu tích của căn cứ địa năm xưa.
Ký ức không thể nào quên nhớ về cảnh đói cơm nhạt muối, chia nhau củ sắn lùi, sống chết có nhau cách nay gần nửa thế kỷ được nhắc tới.
Anh em chúng tôi không chỉ lo hoàn thành công tác chuyên môn mà phải cùng nhau đi làm rẫy trồng sắn, trồng rau, săn bắt, hái lượm bên bờ sông Vàm Cỏ để cải thiện đời sống.
Thiếu thốn trăn bề, những bữa cơm ở trong rừng thời ấy rất đạm bạc, thường chỉ có canh bí đỏ, cá khô, cơm độn mỳ (sắn) hoặc độn đỗ xanh.
Có lúc bộ phận hậu cần không chạy được gạo, chúng tôi đã phải ăn đậu xanh cả tuần thay cơm, thiếu chất, ruột gan cứ cồn cào, chỉ thèm được ăn bát cơm tẻ với rau muống luộc chấm nước mắm.
Rồi những lúc bị sốt rét hành hạ, lên cơn vật vã, run cầm cập mà chúng tôi gọi đùa là “đóng thuế rừng,” nằm điều trị tại trạm xá dã chiến, người xanh như tàu lá, được y tá tiêm thuốc quinin vào hai bên mông để chóng cắt cơn sốt.
Cũng may, khi đó chúng tôi được một số cán bộ là Việt kiều, trong đó có các em Sĩ và Sơn biết tiếng Khmer dẫn ra phum Cháy Campuchia chỉ cách căn cứ Thông tấn xã Giải phóng khoảng hơn 30 phút đi bộ, đem quần áo mới từ Bắc vào đổi được ít đường thốt nốt về cùng nhau nhâm nhi khi uống trà B’lao vào buổi tối trong rừng chiến khu tĩnh mịch, tán gẫu, kể chuyện tiếu lâm, chế tác vè trêu nhau, cười quên mệt.
[60 năm Thông tấn xã Giải phóng: Góp sức duy trì "mạch máu" thông tin]
Nhớ nhất là hôm chúng tôi dùng đường thốt nốt nấu chè đậu xanh “chiêu đãi” Phạm Văn Sỹ và một số em giao liên với hương vị ngọt thanh khác với đường mía.
Đêm Noel năm 1973, về khuya sương xuống se lạnh, bỗng có tiếng động lá rừng rụng khô dưới mặt đất sột soạt, một chú rắn cạp nia to, dài bằng 2/3 chiếc đòn gánh trườn qua lán tôi ở.
Chúng tôi chiếu đèn pin phát hiện rắn dùng gậy đập mạnh một nhát giữa sống lưng, rắn quằn quại, liền bị đánh dập đầu, đem lột da, chặt khúc để rán uống rượu thật tuyệt.
Tôi là người không biết hát nhưng khi vào R, tất cả đều phải tham gia đội văn nghệ của B7/3 (Ban biên tập tin Thông tấn xã Giải phóng), là thành viên trong màn đại hợp xướng trầm bỗng du dương thành bè cao thấp với hai ca khúc bất hủ “Ca ngợi Tổ quốc” của nhạc sỹ Hồ Bắc và “Cô gái mở đường” của nhạc sỹ Xuân Giao, là một trong những tiết mục văn nghệ đặc sắc đáng nhớ trình diễn trong đêm kỷ niệm 13 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/173) ở R - chiến khu Tây Ninh.
Cuộc sống trong R khi đó theo chế độ cấp phát hiện vật, không tiêu tiền, rất gian khổ, thiếu thốn trăm bề nhưng tinh thần lạc quan, tình thương yêu đồng đội đùm bọc nhau đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả.
Doanh nhân thành đạt vùng chiến khu xưa
Ttôi và anh Đoàn Việt tạm tách ra khỏi đoàn phóng viên GP10 về thăm nhà của Phạm Văn Sĩ theo lời mời của anh. Từ Bia kỷ niệm của Thông tấn xã Giải phóng tại xã Tân Bình về xã Tân Lập, huyện Tân Biên (Tây Ninh) hơn 20km, chỉ hơn 20 phút đi ôtô.
Nhà của Phạm Văn Sĩ là biệt thự bề thế, có hình chóp nổi bật trên khuôn viên mặt đường 25m, chiều dài 150m, tọa lạc sát mép Quốc lộ 22B, gần với trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Tân Lập, đi lại thuận tiện, được xây dựng cách đây đã mấy năm cũng phải nhiều tỷ đồng.
Phía sau biệt thự là vườn cây xanh mát, nuôi vài thú rừng, rất hài hòa. Đồ gỗ và nội thất trong biệt thự này khỏi chê.
Bộ bàn ghế Minh Quốc bề thế sang trọng dùng để tiếp khách có lẽ cũng phải tiền tỷ. Vợ chồng Phạm Văn Sĩ đều có ôtô riêng, tự lái, là hình mẫu gia đình khá giả thời kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng.
Thân mẫu của Phạm Văn Sĩ là bà Vũ Thị Thuận sinh năm 1918, tính cả tuổi mụ là 103 tuổi, trông khỏe mạnh, mắt sáng, minh mẫn, tự đi lại bình thường, vẫn nói tiếng Bắc.
Chính quê mẹ đẻ của Phạm Văn Sĩ ở xã Thái Học, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Bà Thuận cùng chồng là ông Phạm Văn Miên cùng ở xã Thái Học, nguyên là dân phu đồn điền cao su (còn gọi là dân Công tra) do chủ Pháp tuyển mộ năm 1944 vào ở làng phu cao su Krêk, tỉnh Công Pông Chàm (Campuchia).
Năm 1970, khi Lon Non đảo chính, Việt kiều ở Campuchia bị chúng tàn sát. Gia đình bà Vũ Thị Thuận cũng như nhiều Việt Kiều ở Campuchia phải chạy về sinh sống ở xã biên giới Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Chồng bà Thuận bị trúng đạn pháo của Khmer Đỏ giết hại khi chúng xâm lấn biên giới tại xã Tân Lập năm 1979.
Từ sau ngày giải phóng miền Nam đến nay, bà Thuận cùng với con cái đã nhiều lần đi máy bay ra Bắc về thăm quê Thái Bình.
Năm 2018, bà Vũ Thị Thuận tròn 100 tuổi, được Chủ tịch nước tặng quà và thiệp chúc thọ. Đây là phần quà mà Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương dành tặng và chúc thọ những cụ tròn 100 tuổi vào dịp Tết đến.
Tuy tuổi cao cũng năm tròn 100 tuổi, bà Vũ Thị Thuận đã về Thành phố Hồ Chí Minh đi máy bay ra Hà Nội, rồi về thăm quê cha đất tổ tại xã Thái Học, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình.
Bà Thuận mãn nguyện khi đất nước hòa bình, thống nhất, yên ổn, các con cháu đều trưởng thành, làm ăn khấm khá, không còn cảnh chạy loạn, thiếu đói như những năm tháng trước đây phải tha hương làm thuê cho chủ Tây trên đất khách quê người kiếm sống, đi làm phu cao su thoát khỏi nạn đói năm 1945 ở quê Thái Bình.
Dốc bầu tâm sự, Phạm Văn Sĩ kể cho chúng tôi biết về những thăng trầm 45 năm qua. Từ giao liên ở R về tiếp quản Sài Gòn giải phóng 30/4/1975, Phạm Văn Sĩ về làm nhân viên văn phòng Thông tấn xã Giải phóng.
Do văn hóa chỉ mới trung học cơ sở, khó bố trí công viêc, năm 1976, Phạm Văn Sĩ xin về địa phương công tác làm công an viên xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đến năm 1979, Phạm Văn Sĩ làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Công an xã Tân Lập.
Rất tiếc từ tháng 9/1977 đến cuối 1978, khi đó tôi là đặc phái viên của TTXVN tại biên giới Tây Nam, lại trở thành phóng viên chiến trường đưa tin, chụp ảnh cuộc chiến đấu bảo vệ vùng biên cương này.
Tôi đã nhiều lần đến biên giới Tân Biên-Tây Ninh, trở lại vùng căn cứ kháng chiến xưa của Thông tấn xã Giải phóng với biết bao kỷ niệm, trong đó từng ghi lại hình ảnh lính Khơme Đỏ trong đêm 24 rạng ngày 25/9/1977 thảm sát dã man hơn 500 dân thường tại khu vực Xa Mát nằm trên Quốc lộ 22B thuộc hai xã Tân Lập, Tân Phú của huyện Tân Biên, gây chấn động dư luận, trong đó có ông Phạm Văn Miên là thân phụ của Phạm Văn Sĩ mà khi đó không biết, mãi lần gặp này mới biết.
Sau khi hết nhiệm kỳ Phó Chủ tịch, Trưởng Công an xã Tân Lập, năm 1984, Phạm Văn Sĩ xin nghỉ việc chuyển sang làm kinh tế cùng vợ. Với số vốn tích cóp được, Phạm Văn Sĩ đã tậu, trồng được hơn 30ha cao su tiểu điền khai thác hơn chục năm nay.
Phạm Văn Sĩ đã thuê hơn chục lao động chăm sóc, khai thác mủ. Từ năm 2004 đến năm 2009, mủ cao su được giá, lúc cao nhất đến 93.000đ/kg mủ quy khô, gia đình Phạm Văn Sĩ đã tạo được nguồn thu khấm khá.
Từ năm 2010 đến nay, mủ cao su lên xuống thất thường, có năm rớt giá thê thảm, chỉ còn 23.000 đ/kg, kinh doanh cầm chừng, đang chờ cơ hội mủ cao su lên giá.
Tuy vậy, giá trị tài sản 1ha cao su hiện nay của Phạm Văn Sỹ có bán rẻ cũng phải 600 triệu đồng, với 30ha cao su đang khai thác cũng có trong tay nhiều tỷ đồng.
Vốn là người từng trải, nhạy bén với kinh tế thị trường, khi Nhà nước nâng cấp cửa khẩu Xa Mát trên địa bàn xã Tân Lập lên cửa khẩu quốc gia, vợ chồng Phạm Văn Sĩ đã lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Âu chuyển sang kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản, chủ yếu là nhập khẩu mỳ lát (sắn lát) cung ứng cho chế biến thức ăn gia súc ở miền Tây Nam Bộ và xuất sang Trung Quốc.
Kết hợp với kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản, vợ chồng Phạm Văn Sĩ đã tậu mặt bằng, xây vài ba nhà kho cho thuê chứa hàng tại cửa khẩu Xa Mát, tạo được nguồn thu kha khá.
Phạm Văn Sĩ có hai con trai đã xây dựng gia đình, đều thành đạt. Chỉ sang bên kia đường, Phạm Văn Sĩ giới thiệu một biệt thự 2 tầng trị giá nhiều tỷ đồng quy mô bằng biệt thự mà vợ chồng Sỹ cùng mẹ già đang ở với con trai đầu cũng vừa xây cho đứa con trai thứ hai ra ở riêng.
Con trai đầu của Sĩ có ba con trai. Con trai thứ hai của Sĩ có hai con trai. Như vậy, Phạm Văn Sĩ hiện có 5 cháu nội đều là cháu trai.
Phạm Văn Sỹ tâm sự: "Em thành đạt như ngày hôm nay là nhờ vào người vợ đảm đang, kinh doanh giỏi."
Vợ Sỹ là Trần Thị Biển năm nay 58 tuổi, cũng là Việt kiều, từng ở đồn điền cao su Chúp (Campuchia) cùng với bố mẹ (bố vợ quê gốc Huế là đầu bếp nấu ăn cho chủ Tây, mẹ người Quảng Nam) cũng nguyên là dân phu đồn điền cao su chạy loạn năm 1970 về định cư tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên (Tây Ninh).
Mới hôm nào ở chiến khu mặt còn non nớt, nay Phạm Văn Sĩ đã 63 tuổi, còn chúng tôi đều U80, nguyên phóng viên biên tập GP10, là cán bộ về nghỉ hưu hơn chục năm với nhiều thăng trầm cùng với sự đổi mới phát triển của đất nước.
Nhìn lại sau hơn 45 năm, một số bạn cùng trang lứa với Phạm Văn Sĩ cùng làm giao liên cho Thông tấn xã Giải phóng năm xưa, sau này làm việc cho Cơ quan đại diện TTXVN phía Nam đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh với đồng lương khiêm tốn, nay cũng lần lượt nghỉ hưu.
Trong khi đó, Phạm Văn Sĩ lại mạnh dạn về quê công tác, chuyển ra ngoài làm kinh tế, ra dáng ông chủ doanh nghiệp tư nhân đang ăn nên làm ra, sản xuất kinh doanh tổng hợp vừa có “cao su tiểu điền” kết hợp với xuất nhập khẩu nông sản, vừa có nhà kho tại cửa khẩu để cho thuê kiếm bộn tiền, góp phần giải quyết việc làm cho cả chục lao động địa phương.
Từng là giao liên cho Thông tấn xã Giải phóng khi còn rất trẻ, luôn gắn bó với quê hương, nay Phạm Văn Sĩ năng động trở thành doanh nhân, bước đầu thành đạt ngay trên mảnh đất vùng biên, là chiến khu xưa.
Mảnh đất này từng là căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc mà chúng tôi đã từng gắn bó trong những tháng năm gian khổ, thấm đậm máu xương của không biết bao nhiêu cán bộ, chiến sỹ, đồng bào ta đã ngã xuống.
Chúng tôi tin Phạm Văn Sĩ năng động sẽ còn thành đạt hơn nữa trên con đường doanh nhân thời hội nhập, góp phần xây dựng vùng biên cương Tây Nam ngày càng vững mạnh./.