Tuần 27-31/7: VN-Index có khả năng phục hồi ở vùng 1.300-1.325 điểm

‘Thị trường có thể xảy ra rung lắc trong phiên đầu tuần. Song tuần giao dịch từ ngày 27-31/7, thị trường khả năng sẽ hồi phục trở lại với mục tiêu trong vùng kháng cự 1.300-1.325 điểm.’
(Ảnh: Vietnam+)

Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index đã giảm 30,48 điểm (-2,3%), đi xuống mức 1.268,83 điểm đồng thời ghi nhận tuần thứ ba giảm điểm liên tiếp và chạm ở mốc cao nhất là 1.295,63 điểm, thấp nhất ở 1.225,52 điểm.

Bên cạnh đó, HNX-Index cũng mất 5,99 điểm (-1,9%) trong cả tuần và xuống 301,77 điểm. Mốc cao nhất và thấp nhất trong tuần lần lượt tại 307,74 điểm và 288,79 điểm.

Tâm lý hoảng loạn bao trùm

Nhìn lại diễn biến tuần qua, ngay phiên đầu tuần (ngày 19/7) tâm lý hoảng loạn bao trùm thị trường với rất nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến diễn biến dịch COVID-19. Chứng khoán trên thị trường rớt giá thê thảm khiến VN-Index lao dốc mạnh nhất kể từ thời điểm cuối tháng Một.

Động thái này tiếp tục diễn ra trong ngày thứ Ba, áp lực bán áp đảo đã đẩy VN-Index có thời điềm xuống mốc 1.225. Tuy nhiên sau đó, dòng tiền bắt đáy xuất hiện và giúp cho VN-Index đảo chiều ghi điểm trong sắc xanh (tăng 2,39%).

[Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để ứng phó với dịch COVID-19]

Kế đến, kịch bản thị trường rơi vào tình trạng thanh khoản giảm trong phiên hồi phục và gia tăng trong phiên “đỏ sàn.” Tại phiên giao dịch chốt tuần (ngày 23/7), lực cầu trên thị trường vẫn chưa có sự cải thiện trong khi lượng cổ phiếu “bắt đáy” trước đó đã về đến tài khoản. Trong phiên, lực cung chiếm ưu thế ở hầu hết các thời điểm và đẩy VN-Index trượt mất 24,84 điểm.

Tuần qua, mã PTL đã lội ngược dòng nước làm căng “túi” cổ đông thêm 25% (giá tăng mạnh nhất tuần –HoSE), từ 4.390 đồng lên 5.500 đồng/cổ phiếu. Kế tiếp là mã ILB đã tăng 18%, từ 24.700 đồng lên 29.200 đồng/cổ phiếu. Song, mã SGT lại khiến nhà đầu tư thất vọng khi giảm sâu nhất tuần 20,5%, từ 22.900 đồng xuống 18.200 đồng/cổ phiếu.

Trên sàn HNX, cổ phiếu VC9 tăng giá ấn tượng nhất tuần với 32%, từ 6.800 đồng lên 9.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu BTW giảm nhiều nhất với 22,5%, từ 41.800 đồng xuống 32.400 đồng/cổ phiếu.

(Nguồn: CSI)

Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, khối này bán ròng 2.595 tỷ đồng trên sàn HoSE và mua ròng với giá trị ròng 396 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại đã bán ròng xuyên suốt 2.197 tỷ trên cả hai sàn đồng thời chấm dứt mạch mua ròng 3 tuần liên tiếp.

Áp lực bán đã suy giảm

Cùng với đà giảm điểm của các chỉ số chính, thanh khoản trên hai sàn cũng suy giảm với 20.500 tỷ đồng/phiên, tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần. Giá trị giao dịch trên HoSE đã giảm 5,2% và đạt 91.540 tỷ đồng và thanh khoản của HNX đạt 11.200 tỷ đồng, cũng thấp hơn 18,9% so với tuần trước.

Trên thị trường, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng giảm mạnh nhất với 4,8% giá trị vốn hóa. Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí giảm 3,3%, nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng giảm 2,5% và các nhóm còn lại cũng ở tình trạng tương tự, nhóm tiện ích cộng đồng (-1,7%), tài chính (-1,3%), nguyên vật liệu (-0,8%), hàng tiêu dùng (-0,6%). Tuy nhiên, nhóm ngành công nghệ thông tin vẫn duy trì đà tăng mạnh nhất với 3,4% giá trị vốn hóa với các mã như FPT (+4,3%), CMG (+0,8%)...., nhóm công nghiệp (+0,5%), dược phẩm và y tế (+0,2%) tăng nhẹ.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), việc chỉ số VN-Index đi xuống trong các tuần liên tiếp cùng với giá trị giao dịch thấp (so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần) cho thấy áp lực bán ra trong tuần qua tiếp tục suy giảm.

Trên góc nhìn kỹ thuật, ông Thắng cho rằng VN-Index kết thúc tuần trên ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm cho thấy vẫn còn khả năng hồi phục trong tuần tiếp theo và hướng đến khu vực 1.300 điểm.

“Tuy nhiên, thị trường có thể rung lắc trong phiên đầu tuần. Tuần giao dịch từ ngày 27-31/7, thị trường khả năng sẽ hồi phục trở lại với mục tiêu trong vùng kháng cự 1.300-1.325 điểm. Do đó, các nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy trong ngày 19/7 (thị trường điều chỉnh về ngưỡng 1.260 điểm) nên quan sát thị trường trong tuần tới và có thể canh chốt lời dần. Song trong kịch bản tiêu cực, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên mức cao nếu VN-Index có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.210 điểm,” ông Thắng trao đổi.

Đồng tình với nhận định trên, ông Lê Văn Thành, bộ phận Kinh tế Vĩ mô và Thị trường Chứng khoán, Công ty Chứng khoản Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng lực cầu trên thị trường vẫn chưa thực sự mạnh thể hiện qua thanh khoản giao dịch chỉ ở mức cầm chừng. Song, VN-Index đã chấm dứt xu hướng giảm trong ngắn hạn, vì vậy ở những nhịp hồi phục chính là cơ hội tốt để nhà đầu tư có thể xem xét giảm tỷ trọng danh mục.

Trong chiều hướng mua vào, nhà đầu kiên nhẫn chờ những tín hiệu tích cực rõ ràng hơn và ngưỡng hỗ trợ cứng của VN-Index cũng tại 1.200-1.210 điểm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục