Tương lai của Nga trong trật tự thế giới mới: Các kịch bản khả thi

Moskva sẽ khó xoay xở bằng cách khai thác sự khác biệt trong cách tiếp cận của Mỹ và EU. Sẽ khó khăn khi phải "dựa" vào Trung Quốc và thậm chí khó khăn nhiều hơn khi hợp tác với Ấn Độ và đối tác khác.
(Nguồn: thenation.com)

Trang tin của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) mới đây đăng bài viết “Liệu có xảy ra tình trạng hỗn loạn? Các kịch bản trật tự thế giới” của tác giả Ivan Timofeev, Giám đốc chương trình của RIAC.

Theo bài viết, có 4 kịch bản khả thi của cục diện thế giới trong thời gian tới.

Kịch bản 1 - Trật tự tự do hồi sinh: Nước Nga trước nguy cơ bị cô lập

Bài viết được bắt đầu với nhận định trật tự thế giới tự do đang trải qua thời kỳ khó khăn. Các trung tâm quyền lực mới đang phát triển, song Tổng thống Mỹ vẫn nhấn mạnh việc ưu tiên lợi ích quốc gia thông qua vai trò lãnh đạo toàn cầu, trong khi các chuẩn mực và thể chế quốc tế đang sụp đổ.

Trớ trêu thay, trật tự tự do đang bị phá hủy bởi chính quốc gia sáng lập và đã lãnh đạo trật tự đó trong một thời gian dài. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bất kỳ hệ thống phức tạp nào cũng sẽ trải qua những thời điểm khủng hoảng. Hệ thống đó hoặc là sẽ đi đến sự diệt vong hoặc là nổi lên từ cuộc khủng hoảng như là một hệ thống có khả năng thích nghi tốt hơn và mạnh mẽ hơn.

Điều này cũng có thể xảy ra, bởi vì trật tự tự do có một biên độ an toàn đáng kể. Độ bền vững của nó nằm ở thực tế là Mỹ chưa đưa ra sự lựa chọn dứt khoát ủng hộ thay đổi, trong khi các đồng minh của Mỹ vẫn tỏ ra ủng hộ việc duy trì một trật tự thế giới “dễ chịu” mà họ đã quen thuộc.

Quá trình thích ứng của hệ thống tự do có thể bắt đầu với chu kỳ Tổng thống tiếp theo tại Mỹ.

Chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump đang bị phản đối bởi một số lượng lớn người dân ở cả Mỹ và các nước khác, những người ngày càng phẫn nộ vì ông Trump đã bác bỏ cách suy nghĩ truyền thống của giới lãnh đạo thế giới về chủ nghĩa yêu nước.

[Nga cho phép Tập đoàn Huawei phát triển mạng 5G tại nước này]

Trong mọi trường hợp, chiến thắng rất có thể của các đối thủ của ông Trump sẽ dẫn đến một sự phá vỡ mang tính quyết định đối với những di sản của vị Tổng thống doanh nhân đầu tiên của nước Mỹ.

Trong trường hợp này, bài viết đăng trên RIAC đã chỉ ra một số xu hướng có khả năng xuất hiện vào giai đoạn giữa những năm 2020.

Thứ nhất, sự đảm bảo an ninh tối đa cho các đồng minh của Mỹ sẽ được khôi phục và chiếc ô an ninh của Washington sẽ không còn bị “thương mại hóa.”

Khi đó, Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng sự hiện diện quân sự ở cả châu Âu và châu Á. Sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương cũng sẽ được củng cố, trong đó có mục đích kiềm chế Nga.

Nhân tố Nga là một cái cớ thuận tiện cho sự đoàn kết của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, ngay cả khi mối đe dọa thực sự mà Nga gây ra là không đáng kể.

Thứ hai, Mỹ sẽ hồi sinh các dự án thương mại tự do ở cả châu Á và khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, đồng thời thiết lập lại chương trình nghị sự toàn cầu.

Trong khi đó, Mỹ sẽ thỏa hiệp với Trung Quốc, đồng thời vẫn tiến hành một chính sách ngầm nhằm kiềm chế Trung Quốc về mặt quân sự với hình thức ít cực đoan hơn. Nhiều khả năng, áp lực kinh tế đối với Trung Quốc sẽ giảm đi.

Nhìn chung, mục tiêu của chương trình nghị sự chính sách đối ngoại mới của Mỹ sẽ là gây chia rẽ Trung Quốc và Nga và một “thỏa thuận” với Bắc Kinh sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn để cô lập Moskva. Mỹ sẽ từ bỏ chính sách ngăn chặn cùng lúc cả Moskva và Bắc Kinh và sẽ thiên về đối phó với từng nước riêng lẻ.

Khi đó, Moskva sẽ là mục tiêu đầu tiên. Bắc Kinh, nếu cần thiết, sẽ là mục tiêu tiếp theo, nhưng Trung Quốc đang chơi trò hoãn binh và họ có thể thích ứng tốt với kịch bản này.

Thứ ba, Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU) trong việc triển khai các “chính sách ngăn chặn và trừng phạt” chống lại Moskva, bao gồm cả mục tiêu thực hiện thay đổi chế độ ở Nga.

Sự hậu thuẫn của Ukraine và “các nhà vô địch về dân chủ” trong không gian hậu Xô viết sẽ gia tăng mạnh mẽ. Các biện pháp chống lại Nga từng được thông qua dưới thời Tổng thống Trump sẽ ngày càng cứng rắn hơn.

Đặc biệt, kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), hoặc thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được hồi sinh (nếu bất chấp các biện pháp trừng phạt, Iran vẫn cam kết với thỏa thuận này).

Đồng thời, Mỹ vẫn duy trì quan điểm cứng rắn của mình đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên - điều sẽ chưa được giải quyết đến thời điểm đó.

Khi nhắc đến những kịch bản này, câu hỏi lớn được đặt ra là những chính sách đảo chiều trên sẽ hiệu quả như thế nào? Liệu có giải quyết được các vấn đề nảy sinh và sự mất cân bằng đã chồng chất này không? Chính sách khôi phục trật tự tự do sẽ tồn tại bao lâu?

Câu trả lời là rất có khả năng những người ủng hộ “sự đảo chiều” sẽ chỉ nhận được một sự mô phỏng nào đó mà các nhà lãnh đạo chính trị đã khéo léo thực hiện.

Cũng có khả năng hiện tượng Donald Trump, Brexit, chủ nghĩa dân túy châu Âu và các hiện tượng khác không chỉ là một sự biến động, mà là một triệu chứng của các vấn đề cơ bản và lâu dài hơn. Tuy nhiên, khả năng xảy ra sự “xoay trục tự do” dường như là khá cao.

Đối với Nga, diễn biến sự kiện như vậy sẽ tạo áp lực ngày càng tăng. Moskva sẽ khó xoay xở bằng cách khai thác sự khác biệt trong cách tiếp cận của Mỹ và EU. Sẽ khó khăn khi phải dựa vào Trung Quốc và thậm chí khó khăn nhiều hơn khi hợp tác với Ấn Độ và các đối tác khác.

Việc giảm sự hỗn loạn trong nền chính trị thế giới, đặc biệt là trong khu vực tứ giác Mỹ-EU-Trung Quốc-Ấn Độ, sẽ loại bỏ vị trí của Nga với tư cách là “một pháo đài” trong nền chính trị thế giới đầy hỗn loạn và bất ổn.

Trong một trật tự thế giới tự do ổn định hơn, ảnh hưởng của Nga có thể bị giảm đi, trong khi nhiệm vụ cô lập nước Nga sẽ trở nên đơn giản hơn.

Nga đang phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn giữa một bên là việc phòng thủ với tất cả các hậu quả kéo theo để phát triển (với hy vọng sự hồi sinh trật tự tự do sẽ sớm kết thúc), và một bên là nỗ lực để thỏa hiệp với phương Tây (song điều này đầy rủi ro với nguy cơ đánh mất nhanh chóng vị thế của mình mà không có bất kỳ sự đảm bảo nào cho tăng trưởng và phát triển thành công).

Đến lúc đó, Nga khó có thể cắt đứt quan hệ với kinh tế thế giới mặc dù đang chịu lệnh trừng phạt và cô lập.

Điều này có nghĩa là cơ hội để Moskva thích nghi với một trật tự tự do mới sẽ vẫn được để ngỏ theo cách này hay cách khác.

Chính sách ngoại giao theo kiểu Sergey Yulievich Vitte (Bộ trưởng Tài chính Nga giai đoạn 1892-1903), tức là trong các điều kiện bất lợi nhất vẫn bảo lưu được quan điểm mang tính nguyên tắc của mình, có thể sẽ được đem ra áp dụng trở lại trong tình huống này.

Kịch bản 2 - Tự chủ chiến lược và trật tự đa cực mới: Đòi hỏi sự cân bằng lợi ích

Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào làm hồi sinh trật tự thế giới tự do cũng có thể kết thúc bằng thất bại. Chắc chắn nhiều đối thủ của ông Trump sẽ giương cao biểu ngữ chủ nghĩa tự do và vai trò lãnh đạo của Mỹ, và họ rất có khả năng tìm thấy sự hỗ trợ ở các nước đồng minh. Tuy nhiên, thực tế quốc tế mới sẽ sớm xua tan chủ nghĩa duy tâm tự do như vậy.

Trung Quốc và Nga - hai “quý ông được vũ trang tốt” - là những đấu thủ quá lớn hoặc quá ngoan cố với trật tự thế giới cũ. EU cũng ngày càng độc lập, dù không vội vàng phá vỡ các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Trong khi vẫn là đồng minh của Mỹ, nhưng Nhật Bản đang dần từ bỏ chính sách phát triển bình thường của mình để trở thành một đấu thủ mạnh mẽ hơn về quân sự và chính trị. Ấn Độ đang đi theo con đường truyền thống của họ là “không liên kết.”

Hơn nữa, bản thân Mỹ có khuynh hướng ngày càng ít phối hợp hành động với các đồng minh. Điều này chứng tỏ Mỹ sẽ khó có thể khôi phục vai trò lãnh đạo bằng cách tạo ra các liên minh thương mại mới, dù nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có sức mạnh kinh tế dồi dào và sức hấp dẫn như là một điểm đến đầu tư.

Với những diễn biến tình hình như vậy, một số kịch bản rất có thể sẽ xảy ra nếu những nỗ lực của Washington không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Thứ nhất, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ được thiết lập lại. Moskva sẽ tiếp tục là nhân tố giúp NATO đoàn kết, trong khi NATO vẫn là một tổ chức chính trị - quân sự hùng mạnh. EU sẽ đóng vai trò phụ và thứ yếu cho NATO, nhưng nó sẽ phát triển và củng cố các thể chế chính sách và an ninh đối ngoại của riêng mình.

Việc mở rộng về phía Đông của các tổ chức an ninh châu Âu-Đại Tây Dương sẽ bị hạn chế, nhưng EU sẽ theo đuổi chính sách tích cực nhằm đưa các nước hậu Xô viết vào quỹ đạo kinh tế của họ.

Ngoài ra, nếu đề xuất nhằm bình thường hóa mối quan hệ với Bắc Kinh của Washington thất bại, người Mỹ sẽ coi Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược. Tuy nhiên, các mối quan hệ kinh tế rộng lớn giữa hai nước này vẫn sẽ được duy trì.

Washington sẽ hành động thận trọng khi áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Trung Quốc, cũng như trong chính sách chiến tranh thương mại còn Trung Quốc sẽ duy trì mối quan hệ có lợi với Mỹ, đồng thời giữ quyền tự do hợp tác với Nga và các đối tác khác.

Kết quả là Mỹ sẽ phải đồng thời kiềm chế cả Nga và Trung Quốc, nhưng sẽ không có liên minh quân sự giữa Moskva và Bắc Kinh - điều sẽ làm giảm đáng kể mối đe dọa “kiềm chế kép” đối với Mỹ.

Kịch bản tiếp theo có thể là Iran sẽ thành công trong việc lách các lệnh trừng phạt và hạn chế của Mỹ.

Mặc dù có quan hệ đồng minh với Mỹ, song EU vẫn sẽ duy trì quan hệ với Tehran, trên thực tế là để đảm bảo việc thực hiện Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Trung Quốc và Nga sẽ ủng hộ EU, trong khi theo đuổi các chính sách độc lập liên quan đến Iran.

Cùng với đó, Triều Tiên sẽ trở thành một cường quốc hạt nhân trên thực tế và các lệnh trừng phạt đa phương của Liên hợp quốc sẽ không còn hiệu quả.

Trong khi đó, Nga sẽ vẫn triển khai hoạt động tích cực ở Trung Đông. Trung Quốc sẽ tăng cường vai trò trong khu vực này bằng cách triển khai các chương trình quy mô lớn nhằm khôi phục nền kinh tế Syria và thúc đẩy các dự án nhân đạo ở các quốc gia khác.

Đặc điểm chính phân biệt kịch bản đa cực với kịch bản trật tự tự do mới là việc xuất hiện các trung tâm quyền lực mới nổi.

Đối với các trung tâm này, sự tự chủ về chiến lược hoặc việc thúc đẩy tự chủ chiến lược có tính hấp dẫn hơn so với việc chấp nhận sự lãnh đạo của Mỹ.

Nói thẳng ra, một thế giới như vậy sẽ thiếu vắng các nguyên tắc hay ý tưởng tổ chức, nhưng cũng không xảy ra tình trạng “vô chính phủ” hay cảnh hỗn loạn. Câu hỏi ở đây chính là trật tự này có thể tồn tại bao lâu và nói chung liệu nó có thể ổn định hay không?

Thoạt nhìn, trật tự đa cực có lợi hơn cho Nga và chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của nước này. Nga sẽ có nhiều không gian để hành động hơn, nhiều cơ hội hơn để tận dụng các điểm mạnh của mình (sức mạnh quân sự), và khả năng chống lại sự cô lập cao hơn. Tuy nhiên, môi trường này cũng không kém phần khắc nghiệt hơn so với trật tự tự do.

Trong một môi trường đa cực, mọi đấu thủ đều chiến đấu vì lợi ích riêng, đẩy sự bất ổn lên cao và các sai sót sẽ không được tha thứ ngay cả khi đấu thủ đó cam kết tuân thủ các quy tắc.

Cái giá cho sự sai sót sẽ tăng lên nếu tính đến các vấn đề nội bộ của Nga. Điều này sẽ đòi hỏi một chính sách kiểu A.M. Gorchakov (người đứng đầu ngành ngoại giao Nga giai đoạn 1856-1882), vốn có thể khéo léo cân bằng các lợi ích và đạt được kết quả chính trị ngoạn mục với một nguồn lực kinh tế khiêm tốn nhất.

Kịch bản 3 - Trật tự lưỡng cực mới: Nước Nga đứng trước nhiều cơ hội

Kịch bản lưỡng cực kiểu mới bắt nguồn từ áp lực ngày càng tăng của Mỹ đối với Trung Quốc và nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn sự kết tinh sức mạnh quân sự và sức mạnh chính trị của Bắc Kinh.

Hơn nữa, “con bài Trung Quốc” đang được sử dụng trong bối cảnh cạnh tranh chính trị trong nội bộ nước Mỹ. Bất kể ai trở thành Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ 2020-2024, thì cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể đảo ngược.

Cuộc chiến thương mại sẽ làm suy yếu cả hai quốc gia vốn phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Kinh và dần dần mở rộng danh mục các biện pháp đó. Trung Quốc sẽ trả đũa bằng các biện pháp đối phó gây tác động bất lợi. Hậu quả là một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á sẽ tăng tốc.

Diễn biến này sẽ đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Việc mở rộng tổ hợp công nghiệp quân sự và việc sản xuất các sản phẩm quân sự sẽ nổi lên như một yếu tố bù đắp quan trọng chống lại nền kinh tế suy thoái.

Đồng thời, điều này sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang, mở rộng thị trường tài nguyên và làm cho việc thay đổi hoàn toàn đường lối chính trị trở nên vô cùng phức tạp. Về mặt tư tưởng, Trung Quốc sẽ thúc đẩy một tầm nhìn mang tính thay thế đối với trật tự thế giới.

Nếu những điều này xảy ra, các trục quan hệ thế giới sẽ “xoay” như thế nào? Theo các chuyên gia, đàu tiên Mỹ sẽ củng cố mối quan hệ với các đồng minh ở châu Á. Các quốc gia trong khu vực này sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, cuộc đối đầu chính trị ngày càng tăng sẽ gây áp lực lên cộng đồng doanh nghiệp.

Trung Quốc và Nga sẽ củng cố mối quan hệ của họ. Trước sức ép ngày càng tăng từ Washington, Bắc Kinh và Moskva sẽ thành lập một liên minh chính trị-quân sự. Tại châu Âu, EU sẽ cố gắng vượt lên trên cuộc cạnh tranh nhưng logic của sự phụ thuộc lẫn nhau về chiến lược sẽ ngăn khối này duy trì tính trung lập.

Đối với các vấn đề khác, Trung Quốc và Nga trên thực tế sẽ phá hoại các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên đồng thời hỗ trợ Iran. Bắc Kinh sẽ theo đuổi một chính sách tích cực ở châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh - những nước có sự hiện diện của phương Tây.

Lợi thế của trật tự lưỡng cực mới đối với Nga nằm ở cơ hội vượt qua sự cô lập ngoại giao một cách đáng tin cậy và tăng cường đáng kể an ninh dựa trên liên minh với Trung Quốc.

Bản thân hệ thống (quan hệ quốc tế) có thể chứng minh sự ổn định, do khả năng ngăn chặn cao từ cả hai cực. Nga sẽ dễ dàng hơn trong việc vượt qua các sức ép kinh tế từ phía Mỹ và các đồng minh.

Một nhược điểm đáng kể đối với Nga trong kịch bản này là việc cắt giảm đáng kể không gian hành động của Nga. Trong một liên minh với Trung Quốc, Nga sẽ đóng vai trò là một đối tác “đàn em.”

Quan hệ kinh tế Nga-Trung sẽ trở nên không đối xứng, với sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga. Một tình huống tương tự cũng có thể dần xuất hiện trong lĩnh vực quân sự - chính trị.

Trong cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, Nga gần như sẽ tự động phải tham gia vào cuộc cạnh tranh đó với tất cả những hậu quả phát sinh. Về mặt tư tưởng, Moskva khó mà đưa ra được sáng kiến gì vì sẽ đi theo “hệ thống tọa độ” của Bắc Kinh.

Trong kịch bản này, Nga sẽ khiến ta nhớ đến “một Canada được vũ trang tốt,” một quốc gia lớn và tương đối phát triển, đặc biệt về mặt quân sự, nhưng lại phụ thuộc vào một đối tác “đàn anh.”

Với truyền thống chính sách đối ngoại của mình, Moskva có thể từ chối tham gia vào trật tự thế giới lưỡng cực mới với tư cách là một phần của một trong hai cực này.

Tuy nhiên, nếu Nga chấp nhận kịch bản này, họ sẽ cần các kỹ năng của Alexander Izvolsky (người đứng đầu ngành ngoại giao Nga giai đoạn 1906-1910) và Sergey Sazonov (Bộ trưởng ngoại giao Nga giai đoạn 1910-1916) để duy trì lợi ích của mình trong thực tế khắc nghiệt của sự phụ thuộc chiến lược.

Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là Nga phải tìm cách tránh lặp lại số phận mà nước này từng phải trải qua vào thời kỳ khi các vị Bộ trưởng nói trên còn đương chức.

Kịch bản 4 - Tình trạng hỗn loạn mới bao trùm cả thế giới

Đặc điểm nổi bật của kịch bản này là việc có thể xuất hiện rất nhiều sự kiện không thể đoán trước, như sự cố quân sự, tấn công mạng, thảm họa nhân tạo, tấn công khủng bố, xung đột tôn giáo...

Tuy nhiên, kịch bản này chỉ đưa ra giả định là một cuộc xung đột quốc tế lớn liên quan đến các cường quốc hàng đầu thế giới với việc sử dụng hàng loạt các loại vũ khí trang bị khác nhau, sẽ ảnh hưởng đến một lượng lớn các quốc gia, tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới và gây ra hậu quả lớn cho sự cân bằng quyền lực trên thế giới trong tương lai. Chúng ta có thể xem xét một số hình thức biểu hiện sau của kịch bản này:

Thứ nhất, một sự cố ý hoặc vô ý liên quan đến quân đội Nga và Mỹ dẫn đến sự leo thang không kiểm soát được.

Hiện tại, Syria là nơi có nhiều khả năng xảy ra sự cố như vậy. Những sự cố tương tự cũng có thể xảy ra ở khu vực Biển Đen và Biển Baltic, và bất cứ nơi nào mà hai quốc gia này triển khai quân đội.

Tổng thống Nga Putin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, một cuộc tấn công mạng chống lại một cường quốc nào đó có thể sẽ dẫn đến một thảm họa nhân tạo quy mô lớn với mức thương vong cao. Cuộc tấn công có thể sẽ được quy kết cho Nga hoặc Trung Quốc. Hậu quả là các hành động sẽ được thực hiện nhằm chống lại Nga hoặc Trung Quốc (bất kể thực tế là ai làm). Các cuộc tấn công mạng sẽ leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang quy mô nhỏ và sau đó biến thành xung đột quy mô lớn hơn.

Sự khởi đầu của mỗi phương án kể trên là có thể xảy ra, nhưng không chắc chúng sẽ phát triển thành một thảm họa không thể kiểm soát. Rõ ràng, nhiều phương án khác cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong quá khứ, những người đương thời thường nghĩ rằng phần lớn các thảm họa sẽ không thể xảy ra, nhưng rốt cuộc chúng vẫn cứ xảy ra và gây ra hậu quả toàn cầu.

Trong kịch bản hỗn loạn mới, tất cả người chơi đều phải trả giá. Trong trường hợp có xung đột hạt nhân, những tổn thất có nguy cơ không thể khắc phục. Ngay cả một cuộc xung đột lớn bằng vũ khí thông thường cũng sẽ làm tê liệt nền kinh tế thế giới cũng như hệ thống tài chính, giao thông và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.

Mặc dù vậy, cả bốn kịch bản đều mang tính “lý tưởng.” Nhiều phương án khác cũng có thể xảy ra, nhưng điều quan trọng là phải nhận thức rằng kịch bản hỗn loạn có thể là sự tiếp nối của bất kỳ một trong ba kịch bản - trật tự tự do, đa cực mới hoặc lưỡng cực mới.

Các kịch bản này không loại trừ lẫn nhau và hoàn toàn có thể thay đổi. Ví dụ, nỗ lực nhằm làm hồi sinh trật tự tự do và sự thất bại của một dự án tự do mới có thể tạo ra sự chuyển đổi sang trật tự đa cực mới và sau đó chuyển sang trạng thái lưỡng cực như một cấu trúc ổn định hơn.

Mỗi phương án đều đặt ra những rủi ro và cơ hội riêng cho Nga. Trật tự đa cực dường như thể hiện sự kết hợp tốt nhất của cả mặt tích cực và tiêu cực đối với Nga, mặc dù sống trong một thế giới như vậy sẽ không đơn giản chút nào.

Ngoài ra, trật tự đa cực có vẻ là một kịch bản không ổn định và có thể bị chuyển thành lưỡng cực hoặc đơn cực.

Tuy nhiên, cả kịch bản trật tự tự do và kịch bản một thế giới lưỡng cực không phải là không có cơ hội cho Nga, mặc dù chúng đòi hỏi một sự chuyển đổi khó khăn với những mất mát và điều chỉnh để thích ứng với môi trường bên ngoài.

Điều đáng lo ngại là các nước lớn đang thiếu cơ chế tương tác đáng tin cậy trong trường hợp kịch bản xấu nhất xảy ra. Tất cả các bên đang ngày càng có xu hướng coi việc kiềm chế là lựa chọn tốt nhất. Một cuộc chiến tranh bị kích động là hoàn toàn có thể xảy ra trong hoàn cảnh này.

Tuy nhiên, những tình huống không thể đoán trước và những cái cớ quan trọng cũng chẳng thể nào có thể bào chữa cho những thương vong và chi phí có thể xảy ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục