Ngày 9/4, cuộc bầu cử Quốc hội Israel đã diễn ra với sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế khi kết quả bầu cử sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tại “điểm nóng” Trung Đông trong thời gian tới.
Kết quả chính thức cuộc tổng tuyển cử tại Israel được công bố đêm 11/4 cho thấy đảng Likud của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đánh bại đối thủ chính là đảng Xanh-Trắng.
Cụ thể, đảng Likud cánh hữu giành được 36 ghế tại Quốc hội (Knesset), trong khi đảng Xanh-Trắng của cựu Tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz chỉ giành được 35 ghế.
Với kết quả vừa được công bố, nhóm đảng cánh hữu giành được tổng cộng 65 ghế, vượt quá số ghế cần thiết là 61/120 ghế Quốc hội để lực lượng cánh hữu có thể giành quyền thành lập chính phủ. Thủ tướng Netanyahu cũng đã bày tỏ ý định hợp tác với các đảng cánh hữu và Do thái chính thống để thành lập một chính phủ liên minh.
Yair Lapid, một lãnh đạo chủ chốt khác của đảng Xanh-Trắng, cũng thừa nhận: “Chúng tôi đã không giành chiến thắng trong vòng này, tôi tôn trọng các cử tri. Tuy nhiên, tôi đã thấy một công cụ để giành chiến thắng trong vòng tiếp theo."
Lapid ám chỉ về việc chuẩn bị cho một chiến dịch vào năm 2020 khi Chính phủ Netanyahu dường như sẽ gặp khó khăn do các bản cáo trạng cáo buộc Netanyahu tham nhũng trong thời gian gần đây.
Đồng quan điểm, ứng cử viên Gantz tiếp tục nhấn mạnh: “Chiến dịch chưa kết thúc. Chúng tôi đã đối thoại với các bên khác và Thủ tướng phải tham khảo ý kiến của tất cả các bên trước khi đưa ra quyết định sẽ giao nhiệm vụ thành lập chính phủ liên minh cho ai. Chúng ta đều là dân chủ, chúng tôi chấp nhận quyết định của quốc gia, chúng tôi chấp nhận và tôn trọng quyết định của Thủ tướng."
Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, Tổng thống Israel Reuven Rivlin cho biết ông sẽ bắt đầu tham vấn với các đảng được bầu vào tuần tới về việc thành lập chính phủ.
Theo một thông cáo của văn phòng Thủ tướng Israel, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm chúc mừng Thủ tướng Netanyahu. Hai nhà lãnh đạo một lần nữa bày tỏ việc đánh giá cao tình bạn bền chặt giữa họ và hai đất nước. Họ đồng ý tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong những năm tới vì lợi ích của cả Israel và Mỹ. Tổng thống Trump cũng đã phát biểu với báo giới rằng chiến thắng của Netanyahu sẽ làm tăng cơ hội hòa bình giữa người Israel và người Palestine.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chúc mừng Thủ tướng Netanyahu trên mạng xã hội Twitter: “Ông là một người bạn tuyệt vời của Ấn Độ. Tôi mong được tiếp tục hợp tác với ông để đưa quan hệ đối tác song phương của chúng ta lên một tầm cao mới."
Về phần mình, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine Saeb Erekat tuyên bố: “Người Israel đã bỏ phiếu cho chủ nghĩa Apartheid và cho cuộc chiếm đóng không có hồi kết. Chỉ có 18/120 ghế của Quốc hội Israel ủng hộ giải pháp hai nhà nước theo đường biên giới 1967."
Các bước đi tiếp theo
Theo Hiến pháp Israel, thủ tướng phải giao nhiệm vụ xây dựng liên minh cho một ứng cử viên trong vòng 7 ngày, và sau 28 ngày, ứng cử viên đó phải thành lập được chính phủ. Nếu ứng cử viên đầu tiên không đạt được thỏa thuận liên minh đúng thời gian quy định, tổng thống sẽ giao trách nhiệm cho một ứng cử viên khác.
Trong kịch bản không liên minh nào giành được tối thiểu 61 ghế đa số, tổng thống sẽ cố gắng buộc thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia. Nếu tất cả các nỗ lực để thành lập một liên minh đều thất bại, cuộc bầu cử mới sẽ được kêu gọi. Dự kiến, Quốc hội mới sẽ tuyên thệ vào ngày 23/4 tới và Chính phủ mới có thể tuyên thệ vào đầu tháng 6 tới.
Xã hội phân cực
Theo Quỹ Nghiên cứu chính trị Đức (SWP), 4 năm cầm quyền của liên minh các đảng cánh hữu đã để lại một hình ảnh mơ hồ trong xã hội Israel. Một mặt, ông Netanyahu nhận được sự đánh giá cao từ đa số người dân Israel về các chính sách kinh tế, đối ngoại và an ninh của mình, ít nhất là về Syria và Iran.
Ngay cả tờ báo tự do cánh tả Haaretz cũng thừa nhận chính sách của Israel về Syria có tầm nhìn xa và đúng đắn. Tuy nhiên, chỉ có một ngoại lệ là chính sách của ông Netanyahu đối với Dải Gaza vấp phải sự không hài lòng của 74% người dân.
[Infographics] Bầu cử Israel: Thủ tướng Netanyahu giành chiến thắng
Mặt khác, sự phân cực chính trị trong xã hội đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên, cuộc đối đầu giữa các phe chính trị cánh tả và cánh hữu được coi là sự căng thẳng xã hội lớn nhất và do đó, đã thế chỗ cuộc tranh chấp giữa người Arab và người Do Thái tại Israel. Cả hai phe đều bị chia rẽ về vấn đề liệu nền dân chủ của Israel có gặp nguy hiểm nghiêm trọng hay đang đi đúng hướng. Sự phân cực này tiếp tục gia tăng qua chiến dịch bầu cử.
Từ phe trung dung đến phe cánh tả, chính phủ cánh hữu bị cáo buộc muốn phá hoại các nguyên tắc của nền dân chủ tự do. Đáp lại, phe cánh hữu phê phán rằng các bè phái cánh tả cũ đã tạo ra một “chính quyền bí mật” muốn mang lại sự thay đổi quyền lực theo cách phi dân chủ. Báo cáo Chỉ số Dân chủ Israel đã đúng khi nhấn mạnh rằng Israel đang giống với một số quốc gia phương Tây khác có xã hội đang trải qua sự phân cực - thường được gọi theo thuật ngữ chung là “khủng hoảng dân chủ tự do."
Chuyển sang nền dân chủ chuyên chế
Một vấn đề khác trong phe cánh hữu là sự chia sẻ rộng rãi mong muốn biến Israel thành một nền dân chủ chuyên chế. Trong các nền dân chủ tự do, các nguyên tắc Hiến pháp và một hệ thống kiểm soát cân bằng sẽ bảo vệ các quyền của cá nhân và nhóm thiểu số. Những người ủng hộ một hệ thống chuyên chế hiện nay cho rằng những nguyên tắc này đã hạn chế dân chủ và làm sai lệch ý chí của đa số. Vì lý do này, các đảng phái cánh hữu cam kết sẽ làm suy yếu hoặc thậm chí xóa bỏ hệ thống kiểm soát của Tư pháp và củng cố đáng kể vị thế của Nghị viện.
Đồng thời, các quyền của cá nhân và thiểu số nên xếp sau quyền tập thể Do Thái. Một bước đi quan trọng theo hướng này là việc thông qua Luật Nhà nước hồi tháng 7/2018. Những nhà lập pháp tiên phong trong liên minh cầm quyền công khai vạch rõ những gì họ coi là ưu tiên của quyền tập thể Do Thái.
Bộ trưởng Tư pháp Ayelet Shakes nhấn mạnh rằng tính Do Thái của nhà nước phải được bảo vệ bằng nhân quyền. Bộ trưởng Du lịch Yariv Levin cho biết Do Thái giáo phải luôn được ưu tiên hơn các nguyên tắc chính trị khác./.