Tương quan lực lượng trong cuộc tổng tuyển cử tại Malaysia

Tham gia cuộc đua năm nay có ba lực lượng chính gồm Liên minh cầm quyền (BN), Liên minh đối lập (PH) và Đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS).
Cử tri Malaysia bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Pekan, bang Pahang ngày 9/5. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, sáng 9/5, cử tri Malaysia đã bắt đầu đi bỏ phiếu để bầu Hạ viện khóa mới gồm 222 đại biểu cùng 505 đại diện cơ quan lập pháp tại các bang.

Cuộc bầu cử này cũng mở đường cho việc thành lập chính phủ mới tại Malaysia. Đây là cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 tại Malaysia.

Để chuẩn bị cho bầu cử, Ủy ban bầu cử Malaysia đã phân chia các khu vực dân cư căn cứ trên số lượng cử tri thành gần 8.900 điểm bỏ phiếu. Hơn 68.000 cảnh sát đã được huy động trên toàn quốc làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho bầu cử.

Theo Ủy ban bầu cử Malaysia, cho đến thời điểm hiện tại, việc bỏ phiếu diễn ra trật tự và an ninh trên cả nước vẫn được đảm bảo.

Tham gia cuộc đua năm nay có ba lực lượng chính gồm Liên minh cầm quyền (BN), Liên minh đối lập (PH) và Đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS).

[Bầu cử Hạ viện Malaysia: Hấp dẫn và nhiều ẩn]

Liên minh cầm quyền với nòng cốt là Đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất được đánh giá là có cơ hội chiến thắng cao hơn.

Với lợi thế là đảng cầm quyền lâu năm, có được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri gốc Mã Lai, cộng với những thành tích tốt về phát triển kinh tế trong thời gian gần đây, nhiều khả năng liên minh tranh cử của Thủ tướng Najib Razak tiếp tục giành chiến thắng, dù có thể không phải là một chiến thắng tuyệt đối.

Trong khi đó, liên minh đối lập gồm 4 đảng hợp thành, trong đó có đảng “Người dân bản địa Malaysia thống nhất” do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo, được giới phân tích đánh giá là đối thủ đáng gờm của liên minh cầm quyền.

Sự xuất hiện của cựu Thủ tướng Mahathir, 92 tuổi, người từng là lãnh đạo của BN và là Thủ tướng của Malaysia trong suốt 22 năm, đã thổi lên những hy vọng về một sự thay đổi chính phủ tại Malaysia vốn do BN dẫn dắt từ ngày độc lập năm 1957.

Cũng theo các chuyên gia, cơ hội dành cho PAS không nhỏ khi mà hiện tại không ít cử tri Malaysia không dành sự tín nhiệm cho liên minh cầm quyền cũng như liên minh đối lập. Đó cũng là lý do PAS "mạnh dạn" quyết định tranh cử gần 160 trong tổng số 222 ghế Hạ viện, số ghế tranh cử lớn nhất từ trước tới nay của đảng này.

Giới phân tích nhận định cách phân chia khu vực bầu cử với nhiều chênh lệch có thể là một yếu tố tác động đáng kể tới kết quả bầu cử năm nay.

Khu vực bầu cử nhiều cử tri nhất là Damansara ở Selangor có 150.439 người, còn khu vực bầu cử ít cử tri nhất là thủ đô hành chính Putrajaya chỉ có 17.925 người.

Điều đó có nghĩa 1 lá phiếu của cử tri Putrajaya có sức ảnh hưởng bằng 9 lá phiếu của cử tri ở Damansara.

Theo đó, BN chỉ cần có được sự ủng hộ của 47,5% cử tri là giữ được chính quyền, trong khi thăm dò ý dân cho thấy BN đang được khoảng 53% cử tri ủng hộ.

Như vậy sẽ lặp lại thực trạng cuộc bầu cử năm 2013, trong đó Liên minh Nhân dân (PR) - lực lượng đối lập - giành được 5.620.000 phiếu, tương đương 50,87%, nhưng chỉ được 89 ghế trong Hạ viện (40%). Trong khi đó, BN chỉ giành được 5.230.000 phiếu, tương đương 47,38%, nhưng lại được 133 ghế.

Trước thực tế trên, khả năng các đảng phái, kể cả liên minh cầm quyền, không giành được tỷ lệ thắng cử tuyệt đối trong cuộc bầu cử lần này là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, các đảng phái buộc phải liên minh với nhau để thành lập chính phủ.

Ủy ban bầu cử Malaysia cho biết kết quả bỏ phiếu sẽ liên tục được cập nhật và công bố trong tối 9/5. Kết quả sơ bộ sẽ được công bố trước 22h cùng ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục