Gần 2 năm kể từ khi Ấn Độ bước vào phong tỏa trên quy mô lớn nhất thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, nhiều khu vực tại quốc gia Nam Á này đang dần trở lại nhịp sống bình thường khi tỷ lệ lây nhiễm giảm.
Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ cho thấy ngày 2/3 nước này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức dưới 10.000 ca/ngày trong 3 ngày liên tiếp. Lần gần đây nhất Ấn Độ ghi nhận mức này là vào cuối tháng 12/2021, trước khi biến thể Omicron lây lan mạnh.
Tuần trước, giới chức bang Maharashtra thông báo các trường học tại Mumbai - thành phố lớn nhất bang, sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn trong bối cảnh số ca mắc giảm.
Ông Mouli Natchu, Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Viện nghiên cứu St John ở thành phố Bengaluru, lưu ý về mức độ bệnh ở người trưởng thành cũng như trẻ em nhiễm biến thể Omicron tại Ấn Độ.
Theo chuyên gia này, những người trưởng thành đã được tiêm vaccine và trẻ em, kể cả trẻ chưa được tiêm vaccine, nhiễm Omicron đều có triệu chứng nhẹ hơn đáng kể.
Ấn Độ đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 765 triệu người trong số 940 triệu người trưởng thành và khoảng 28 triệu thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi, nhưng chưa bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ dưới 15 tuổi.
[Ấn Độ: Thủ đô New Delhi chấm dứt các biện pháp hạn chế phòng dịch]
Tại bang Gujarat, các khu chợ đã hoạt động trở lại sau một thời gian dài đóng cửa. Thực khách đổ xô đến chợ đêm Manek Chowk nổi tiếng ở thành phố Ahmedabad để thưởng thức các món ăn sau khi nhà chức trách dỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại đây vào tuần trước.
Tương tự, những khu vực khác trên khắp Ấn Độ cũng có dấu hiệu dần trở lại nhịp sống bình thường. Các đường phố đông đúc khi người dân trở lại làm việc, trong khi các rạp chiếu phim ghi nhận số lượng khách tăng vọt.
Tại thành phố Gurugram gần thủ đô New Delhi, các nhà hàng và quán chơi game cũng chật kín người.
Chuyên gia Rijo John tại Cao đẳng Khoa học xã hội Rajagiri ở Kochi bày tỏ hy vọng người dân sẽ duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang "hết mức có thể." Ông John nhận định: “Hoàn toàn không có lý do gì để trói buộc nền kinh tế dưới bất kỳ hình thức phong tỏa hoặc hạn chế nào”./.