Một hồ sơ chứng khoán công bố ngày 5/10 cho thấy tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đang bị Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) điều tra về việc ông tiếp quản “gã khổng lồ” truyền thông xã hội Twitter (hiện đã đổi tên thành X) trị giá 44 tỷ USD và cơ quan này đang tìm cách buộc ông phải ra làm chứng.
Cuộc điều tra làm leo thang mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa SEC và ông Musk.
Theo phía SEC, cơ quan này đặt câu hỏi liệu vị tỷ phú có vi phạm luật chứng khoán liên bang vào năm 2022 khi mua cổ phiếu Twitter, bên cạnh tính chính xác của các tuyên bố và hồ sơ mà ông trình lên SEC liên quan đến thỏa thuận.
[Tỷ phú Elon Musk kêu gọi tạo lập cơ chế trọng tài về AI]
SEC cho biết đã ra lệnh triệu tập ông Musk vào tháng 5/2023 và yêu cầu ông cung cấp lời khai tại văn phòng đặt tại San Francisco của SEC. Vị tỷ phú đã đồng ý xuất hiện vào ngày 15/9.
Nhưng hai ngày trước thời hạn trên, ông Musk đã đưa ra "một số phản đối không được xác thực" và thông báo với SEC rằng ông sẽ không có mặt.
Ông Musk cũng từ chối đề xuất của SEC về việc tiến hành lấy lời khai ở Texas vào tháng 10 hoặc tháng 11.
SEC cho biết một trong số những phản đối của tỷ phú Musk là việc SEC đang làm phiền ông, trong khi cố vấn của ông cần thời gian để xem xét các tài liệu quan trọng trong cuốn tiểu sử của vị tỷ phú mới được xuất bản vào tháng trước.
Theo hồ sơ, ông Musk đã cung cấp cho SEC các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra. Trước đó hồi tháng Bảy năm ngoái, ông cũng cung cấp lời khai thông qua hình thức họp trực tuyến.
Phía luật sư của ông chủ mạng xã hội X cho biết SEC đã lấy lời khai của ông Musk nhiều lần trong “cuộc điều tra sai lầm này."
Còn trong một thông cáo báo chí, SEC cho biết muốn lời khai của ông Musk để tìm thêm thông tin họ chưa có liên quan đến “cuộc điều tra hợp pháp và hợp lý” của mình. Đây là cuộc xung đột mới nhất giữa ông Musk và SEC.
Hai bên vốn đã “lục đục” kể từ bài đăng hồi năm 2018 của vị tỷ phú rằng ông dự định tư nhân hóa nhà sản xuất ôtô điện Tesla và đã có sẵn nguồn tài trợ.
Kể từ đó, ông đã nhiều lần phàn nàn về SEC khi cơ quan này đã mở nhiều cuộc điều tra nhắm vào mình trong nhiều năm qua.
Ông Howard Fischer, đối tác cấp cao tại công ty luật Moses & Singer và cựu quan chức SEC, cho biết việc ông chủ mạng xã hội X từ chối xuất hiện tại buổi điều trần hồi tháng Chín là điều bất thường.
Ông chia sẻ rằng chưa bao giờ nghe nói một quản lý cấp cao nào đang giữ chức vụ tại các công ty niêm yết công khai lại không xuất hiện theo yêu cầu của SEC.
Tỷ phú Musk đã nắm giữ Twitter sau khi mua được một lượng cổ phần thiểu số lớn trong nền tảng truyền thông xã hội này.
Song ông đã chậm trễ trong việc nộp hồ sơ thông báo về khoản cổ phần trên, nói rằng dự định ban đầu của ông chỉ là trở thành một cổ đông thụ động - nghĩa là ông không có ý định nắm quyền tại Twitter hoặc ảnh hưởng đến các quyết định quản lý của công ty.
Vào cuối tháng 4/2022, ông công bố kế hoạch mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD. Nhưng sau đó, ông lại cố gắng rút khỏi thỏa thuận với cáo buộc Twitter không minh bạch về hoạt động của các tài khoản rác trên nền tảng của mình.
Đối mặt với một phiên tòa liên quan đến thương vụ, tỷ phú Musk đã hoàn thành việc mua lại Twitter vào cuối tháng 10 cùng năm.
Vụ kiện mới đã tăng thêm những rắc rối pháp lý của tỷ phú Musk. Hãng tin Reuters trước đó đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra các tuyên bố về xe tự lái của Tesla.
Một nguồn thạo tin khác cho biết, các công tố viên liên bang ở New York cũng đã mở một cuộc điều tra liên quan đến các đặc quyền của ông Musk tại Tesla và các tuyên bố liên quan đến phạm vi lái của ôtô do công ty này sản xuất./.