Ngày 30/10, Liên hợp quốc đã cho lưu hành báo cáo mang tựa đề "Làm mẹ ở tuổi thơ" của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), bày tỏ lo ngại trước thực trạng ngày càng nhiều các bé gái sinh con ở tuổi vị thành niên.
Báo cáo trên cho biết trung bình mỗi ngày tại các nước đang phát triển và kém phát triển có tới 20.000 thiếu nữ trở thành bà mẹ khi chưa tròn 18 tuổi, và đây chính là một trong những biểu hiện của tình trạng vi phạm quyền con người.
Việc các bé gái, vì nhiều lý do khác nhau, bị ép lấy chồng sớm ngoài ý muốn, đã tước đi của họ quyền được học hành, chăm sóc sức khỏe, phát triển trí tuệ và thể chất.
Ngoài ra, việc lấy chồng quá sớm đã làm cho các thiếu nữ bị tổn thương về tình cảm, sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng khi mang thai, và những tổn thương ấy còn nặng nề hơn rất nhiều đối với những ai bị cưỡng bức tình dục, bị xâm hại cơ thể từ những người bạn tình hoặc người quen biết khác giới.
Theo UNFPA, trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 7,3 triệu bé gái ở tuổi vị thành niên trở thành bà mẹ, và thậm chí, có đến 2 triệu người trong số đó sinh con khi chưa tròn 14 tuổi.
UNFPA cảnh báo rằng nếu các quốc gia không sớm có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng tảo hôn phụ nữ, đến năm 2030 trên thế giới sẽ có 3 triệu bé gái sinh con trước khi đến tuổi trăng tròn, và đương nhiên khi đó, số bé gái bị tử vong do mang thai quá sớm sẽ lớn hơn con số 200 cháu mỗi ngày như hiện nay.
Báo cáo của UNFPA chỉ rõ nhìn chung trên thế giới, tình trạng tảo hôn xảy ra nhiều hơn tại những nơi đói nghèo, dân trí thấp, những vùng xa xôi, hẻo lánh và vùng có đông các dân tộc thiểu số sinh sống. Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải không ngừng nâng cao dân trí, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, cũng như khoảng cách giàu, nghèo tại tất cả các quốc gia.
UNFPA cho rằng trách nhiệm đối với tình trạng tảo hôn, sinh con sớm, không chỉ thuộc về những người trong cuộc, mà còn thuộc về gia đình, cộng đồng dân cư và xã hội nơi họ sinh sống. UNFPA nhấn mạnh tình trạng tảo hôn và sinh con ở tuổi vị thành niên không những gây ảnh hưởng xấu về nhiều mặt đối với các bà mẹ trẻ và trẻ sơ sinh, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình phát triển của cộng đồng và quốc gia.
Chẳng hạn, nếu mỗi năm ở Kenya không có hơn 200.000 cô gái sinh con khi còn quá trẻ thì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ tăng thêm khoảng 3,4 tỷ USD nhờ những đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp của số lao động này, cũng như nhờ việc giảm bớt được những chi phí do họ sinh con.
Tương tự như vậy, nếu ở Brazil và Ấn Độ hàng năm không có quá nhiều các bé gái phải nghỉ đẻ thì GDP ở những nước này sẽ tăng tương ứng là 3,5 tỷ USD và 7,7 tỷ USD.
UNFPA kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung sức ngăn chặn tình trạng tảo hôn, sinh con quá sớm và làm tất cả để mọi phụ nữ mang thai theo mong muốn, mọi trẻ sơ sinh đều được an toàn tối đa, các cặp vợ chồng trẻ đều có đủ năng lực để kiểm soát và phát huy mọi tiềm năng của mình để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần phát triển xã hội chung.