Ứng viên tổng thống Indonesia tranh luận về chính sách an ninh

Cuộc đối thoại trực tiếp, công khai trên truyền hình lần thứ ba giữa hai ứng cử viên tổng thống Indonesia Prabowo Subianto và Joko Widodo đã diễn ra vào tối 22/6.
Ứng cử viên Prabowo Subianto. (Nguồn: theaustralian.com.au)

Cuộc đối thoại trực tiếp, công khai trên truyền hình lần thứ ba giữa hai ứng cử viên tổng thống Indonesia Prabowo Subianto và Joko Widodo đã diễn ra vào tối 22/6.

Tại cuộc đối thoại, mỗi ứng cử viên đã dành thời gian giới thiệu ngắn gọn về chương trình hành động của mình trong các lĩnh vực đối ngoại và an ninh, trình bày quan điểm, chính sách của mình về các vấn đề đang được dư luận Indonesia quan tâm như bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tranh chấp biên giới và người tị nạn, lao động di cư, vai trò khu vực và quốc tế của Indonesia.

Ở phần chất vấn, hai ứng cử viên đã yêu cầu đối thủ làm rõ về nhiều vấn đề như chính sách hiện đại hóa quân đội, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và ứng xử của Indonesia trong vấn đề Biển Đông.

Về chính sách đối ngoại, ông Prabowo nhấn mạnh lợi ích quốc gia là nguyên tắc chủ đạo trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Indonesia cần tập trung hơn vào kinh tế, đảm bảo lợi ích người dân, tăng cường tính độc lập, tích cực trong các vấn đề liên quan đến hòa bình trên nguyên tắc “chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng,” phát huy tiềm năng to lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích của đất nước.

Còn ông Joko cho rằng Indonesia cần tăng cường sự hiện diện của mình trên chính trường quốc tế thông qua việc gắn kết tích cực hơn trong hợp tác đa phương khu vực và toàn cầu, củng cố vai trò lãnh đạo của Indonesia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thực thi ngoại giao giữa các chính phủ để giải quyết tranh chấp, kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine và một nhà nước Palestine độc lập.

Bên cạnh đó, Indonesia cần góp phần làm dịu những tranh chấp trong lĩnh vực hàng hải giữa các nước cũng như thúc đẩy giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong khu vực; sử dụng nhiều chuyên gia hơn trong nghiên cứu chiến lược, luật biển; và quan tâm đến người lao động Indonesia di cư.

Về chính sách quốc phòng và an ninh, ông Prabowo cam kết sẽ hiện đại hóa quân đội Indonesia theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn và tăng cường sức mạnh quân đội không chỉ vì bảo vệ đất nước mà còn để nâng cao hiệu quả đóng góp của đất nước vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; phát triển ngành công nghiệp quốc phòng; giải quyết các phong trào ly khai trong nước; sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa quân sự nảy sinh từ những thay đổi địa chính trị trong khu vực và trên toàn cầu; xác định rõ hơn vai trò giữa quân đội và cảnh sát.

Trong khi đó, đối thủ Joko cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng, từ mức 0,85% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2004 lên 1,5% GDP trong vòng 5 năm; thúc đẩy năng lực an ninh mạng và sức mạnh phòng thủ quốc gia; xây dựng sức mạnh hàng hải của Indonesia, đặc biệt là tăng cường bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và rừng; phát triển ngành công nghiệp quốc phòng quốc gia để giảm bớt nhập khẩu; củng cố Cơ quan Tình báo Quốc gia (BIN); thúc đẩy lòng tin của người dân vào lực lượng cảnh sát.

Càng gần đến thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến tổ chức vào ngày 9/7 tới, các cuộc tranh luận trên truyền hình cũng như chiến dịch vận động tranh cử của hai ứng cử viên ngày càng trở nên sôi động.

Theo kế hoạch, cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ tư giữa hai ứng cử viên tổng thống Indonesia sẽ diễn ra vào tối 29/6 và tập trung vào các vấn đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, thực phẩm, năng lượng và môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục