Uống nước thông minh cần nhiều chiến thuật hơn bạn nghĩ

Uống nước ấm sau khi ngủ dậy sẽ giúp cơ thể bạn đẩy mọi cặn bã tích tụ trong đường ruột, đồng thời kích thích dòng chảy tự nhiên của hệ bạch huyết.

Phần lớn cơ thể chúng ta là nước. Nước được lưu giữ cả trong và ngoài tế bào, giúp chuyển hóa chất dinh dưỡng, lọc chất thải, điều hòa nhiệt độ cơ thể, gửi thông điệp lên não và bôi trơn tất cả các bộ phận của cơ thể.

Cơ thể sẽ giải phóng nước thông qua việc thở, đổ mồ hôi (ngay cả khi bạn không vận động), và qua chất thải. Với chừng ấy nhiệm vụ, rõ ràng, cơ thể bạn cần nhiều nước để vận hành một cách trơn tru.

Nhưng thế nào là một cơ thể “ngậm” đủ nước? - câu hỏi này khiến nhiều người băn khoăn. Với 5 triệu chứng sau, bạn sẽ dễ dàng nhận ra cơ thể mình đang trong tình trạng “khát” nước: cơ thể bị khô khi xuất hiện các nốt mẩn ngứa, tấy đỏ trên da, tóc bị xơ và chẻ ngọn, khô mắt; đau nhức các khớp xương; nước tiểu có màu vàng đậm; táo bón; đổ mồ hôi ít hoặc cơ thể không toát mồ hôi.

Khi cơ thể bị thiếu nước, hoạt động của các bộ phận trong cơ thể bị chậm lại, lưu thông máu trở nên khó khăn và trì trệ, kéo theo những vấn đề nguy hại về sức khỏe.

Một cơ thể khỏe mạnh có nhu cầu bài tiết chất lỏng mỗi 3 giờ một lần. Việc bạn đi tiểu 20 phút sau khi uống một cốc nước lớn cho thấy cơ thể đã không hấp thụ được lượng nước đó.

Bốn cách uống nước thông minh sau sẽ giúp cơ thể bạn hấp thụ nước hiệu quả.

[Điều gì sẽ xảy ra nếu cơ thể bạn rơi vào tình trạng mất nước?]

1. Uống nước ấm thay vì nước lạnh

Nước lạnh làm giảm hoạt động của tuyến dịch và men tiêu hóa, dễ dàng khiến các độc tố tích tụ, gây đau bụng và tiêu chảy. Nước lạnh cũng khiến mạch máu co lại, hạn chế các cơ quan nhận chất dinh dưỡng cần thiết. Cách uống nước này đặc biệt quan trọng với phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc muốn thụ thai vì nước lạnh làm giảm lưu thông máu.

Uống nước ấm sau khi ngủ dậy sẽ giúp cơ thể bạn đẩy mọi cặn bã tích tụ trong đường ruột, đồng thời kích thích dòng chảy tự nhiên của hệ bạch huyết.


2. Tăng khả năng hấp thụ nước với bốn thành phần

Những thành phần này khi liên kết với phân tử nước sẽ giúp cơ thể thẩm thấu nhanh hơn gồm thêm một thìa càphê muối biển vào mỗi 1 lít nước; vắt vài giọt chanh tươi vào ly nước; ngâm hạt chia vào nước trong vài giờ trước khi cho chúng vào ly nước của bạn; thêm một lát gừng vào ly nước.

3. Hãy nhớ số 30

Để biết lượng nước tối thiểu cần nạp cho cơ thể, hãy lấy trọng lượng của bạn và chia cho 30. Một người nặng 45 cân sẽ có nhu cầu về nước khác với một người nặng 70 cân. Ví dụ: Người nặng 45 cân, cần uống ít nhất 1,5 lít nước/ngày.

4. Uống từng ngụm nhỏ

Đôi khi bạn tự ép mình phải uống đủ 2 lít nước/ngày, và uống vội một cốc lớn trước khi đi ngủ. Việc này thực ra lại có hại nhiều hơn, vì cơ thể bạn không hề hấp thụ ly nước này, thay vào đó, bạn sẽ bị mất ngủ vì phải dậy đi vệ sinh.

Tốt hơn hết, bạn nên thong thả uống từng ngụm nhỏ, khi đó nước sẽ được điều hòa vào cơ thể tốt hơn. Không nên uống nhiều nước trong hoặc ngay sau bữa ăn, bởi nước có thể bão hòa men tiêu hóa. Thay vào đó, hãy kích thích dạ dày bằng cách uống một ly nước khoảng 30 phút trước khi ăn, giúp dạ dày bổ sung đủ chất lỏng để cung cấp axit tiêu hóa thức ăn.

Hãy nhớ ngồi xuống khi uống nước. Khi ăn, chúng ta thường ngồi để cơ thể có thể tiêu hóa thức ăn tốt. Nguyên lý này cũng cần áp dụng khi chúng ta uống nước./.

Thời khóa biểu uống nước thông minh

- Ngủ dậy: Uống một ly nước ấm (khoảng 180-200ml).

- Bữa sáng: Uống chút nước, nếu cần.

- Giữa bữa sáng và bữa trưa: Uống ít nhất 1 ly nước.

- 30-45 phút trước bữa trưa: Uống 1 ly nước, uống thong thả từng ngụm nhỏ trong khoảng 15 phút.

- Trong bữa trưa: Uống chút nước, nếu cần.

- Giữa bữa trưa và bữa tối: Uống ít nhất 1 ly nước.

- 30-45 phút trước bữa tối: Uống 1 ly nước, uống thong thả từng ngụm nhỏ trong khoảng 15 phút.

- Trong bữa tối: Uống nước nếu có nhu cầu.

- Sau bữa tối và trước khi đi ngủ: Uống 1 ly nước nhỏ. Nếu bạn uống quá nhiều vào thời điểm này thì bạn sẽ phải thức dậy giữa đêm để đi tiểu.

Bài: PV
Ảnh: TH

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục